Tòa án Tối cao Israel bác bỏ đạo luật sửa đổi hạn chế quyền của Tòa án

02/01/2024 10:19 | 8 tháng trước

(LSVN) - Tòa án Tối cao Israel đã bác bỏ đạo luật sửa đổi do Chính phủ đề xuất, đạo luật này hạn chế quyền của Tòa án Tối cao vô hiệu hóa các quyết định của chính phủ mà họ thấy không hợp lý.

Ảnh minh họa.

Tại Tel Aviv, ngày 01/01, Tòa án Tối cao Israel đã bác bỏ đạo luật sửa đổi do Chính phủ đề xuất và đã được Quốc hội (Knesset) thông qua. Đạo luật này hạn chế quyền của Tòa án Tối cao vô hiệu hóa các quyết định của chính phủ mà họ thấy không hợp lý.

Quyết định nhận được sự ủng hộ của 8 trong tổng số 15 thẩm phán. Theo đó, Tòa án Tối cao đã phán quyết "vô hiệu" đối với Luật Cơ bản sửa đổi do Chính phủ Israel đề xuất và Knesset thông qua hồi tháng 7/2023.

Lý do là bản sửa đổi đã lược bỏ một điều khoản quan trọng cho phép tòa án bác bỏ các quyết sách của cơ quan hành pháp và lập pháp nếu xét thấy có sự "bất hợp lý" hoặc chưa được xem xét kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, hầu hết các thẩm phán cũng nhất trí duy trì quyền thẩm định tư pháp của Tòa án Tối cao đối với các dự luật sửa đổi của Luật Cơ bản. Do Israel không có hiến pháp, nên lâu nay quyền của Tòa án Tối cao can thiệp vào các quyết định của bộ máy lập pháp và hành pháp vẫn được coi là điểm chốt chặn cuối cùng tại Israel.

Đề xuất sửa đổi nói trên là thành phần chính của gói cải cách tư pháp do chính phủ liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra ngay sau khi nhậm chức.

Gói cải cách này đã tạo ra làn sóng biểu tình triền miên kể từ đầu năm 2023 và chỉ dừng lại sau ngày 7/10, khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel.

Phản ứng trước phán quyết của Tòa án Tối cao, đảng Likud của ông Netanyahu ra tuyên bố đây là quyết định "đi ngược lại với ý chí đoàn kết của nhân dân, nhất là trong bối cảnh chiến tranh."

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid lại cho rằng "quyết định của Tòa án Tối cao đã khép lại một năm đầy khó khăn của xung đột, chia rẽ đất nước từ bên trong và dẫn đến thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử".

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tối cao cũng chưa hẳn là cuối cùng. Về lý thuyết, chính phủ Israel có thể trình lại từ đầu đối với luật sửa đổi, với lý do nó đã bị bác bỏ tại tòa với tỉ lệ chênh lệch sít sao, và hai trong số thẩm phán tham gia đã nghỉ hưu (mặc dù vẫn giữ quyền bỏ phiếu).

Thậm chí, chính phủ có thể không tuân thủ với lý do phán quyết được đưa ra dựa trên "tính hợp lý" - một vấn đề thường gây tranh cãi.

Trong cả hai trường hợp, việc không tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao đều sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí khủng hoảng hiến pháp, nhất là trong bối cảnh Israel đang đối mặt với cuộc chiến đầy khó khăn tại Dải Gaza.

Theo TTXVN

Cảnh sát Hà Lan bắt hơn 200 người tham gia bạo động đêm Giao thừa