Tòa tuyên án “nước đôi”!?

07/06/2018 22:37 | 5 năm trước

LSVNO - Vụ tranh chấp ba cái quần do bên đặt may (ông N.T.H.) với bên nhận may (ông T.N.D.), theo đó, tháng 02/2017, ông H. nộp đơn khởi kiện ông D. tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ...

LSVNO - Vụ tranh chấp ba cái quần do bên đặt may (ông N.T.H.) với bên nhận may (ông T.N.D.), theo đó, tháng 02/2017, ông H. nộp đơn khởi kiện ông D. tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh để đòi lại tiền công may quần và tiền bồi thường vi phạm hợp đồng.

Ông H. yêu cầu ông D. là thợ may may cho ông H. hai quần tây dài và một quần kaki bằng vải mới, tiền vải và công may là 1.150.000 đồng. Lúc nhận quần ông H. không thử. Sau đó thử quần, ông H. thấy không vừa nên gọi điện thoại cho ông D.. Hôm sau ông H. mang ba chiếc quần “bắt đền” ông D.. Lúc bấy giờ, ông D. hứa sau tết nguyên đán mới có thời gian sửa lại quần cho ông H., nhưng ông D. không thực hiện lời hứa. Vào tháng 4/2016, ông D. nhắn tin có nội dung ông D. sẽ trả tiền lại cho ông H. nhưng cũng không giữ lời hứa, nên ông H. đành khởi kiện ông D. ra tòa để tòa buộc ông D. trả lại cho ông H. số tiền 1.150.000 đồng mà ông H. đã trả cho ông D., đồng thời yêu cầu ông D. còn phải bồi thường thiệt hại cho ông H. số tiền là 1.150.000 đồng lãi phát sinh tính từ ngày 01/12/2015 đến thời điểm tòa án đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Về phần mình, ông D. “thanh minh”: Nếu ông H. không bảo sửa thì ông đã không nhận. Tuy ông D. nhắn tin cho ông H. nhưng vì ông H. không cho biết địa chỉ và ông H. yêu cầu ông D. chuyển khoản tiền cho ông H., trong khi ông D. không biết cách thức chuyển khoản. Ông D. không đồng ý trả lại tiền như ông H. yêu cầu mà ông D. chỉ đồng ý trả lại số tiền đã nhận của ông H. mà thôi.

Ảnh minh họa.

Có lẽ nhận thức quan hệ pháp luật “chưa thấu đáo” nên khi xét xử vụ án ở cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông H. và phân thành hai trường hợp: Một là, nếu ông H. nhận hai quần tây, một quần kaki thì ông D. thanh toán cho ông H. 345.000 đồng tiền giảm giá. Hai là, nếu ông H. không đồng ý nhận hai quần tây, một quần kaki thì ông D. thanh toán cho ông H. 908.500 đồng (345.000 đồng tiền giảm giá, 563.000 đồng tiền bồi thường thiệt hại). Ông D. được nhận lại hai quần tây, một quần kaki.

Sau khi Tòa án nhân dân quận Gò Vấp tuyên án, ông H. kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị một phần án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H. yêu cầu ông D. trả 1.150.000 đồng và bồi thường số tiền 1.150.000 đồng do vi phạm hợp đồng.

Còn Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm giải quyết vụ án như sau: Đây là vụ án “tranh chấp hợp đồng gia công” chứ không phải “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” vì ông H. mua vải của ông D. và giữ mẫu vải để đối chiếu. Ông H. đặt ông D. may ba quần theo kiểu mẫu và phương thức thanh toán mà ông H. chọn. Ông D. thực hiện không đúng với nội dung mà hai bên đã thỏa thuận, quần mặc không vừa và ông H. yêu cầu sửa chữa nhưng ông D. không đáp ứng được.

Điều bất thường là tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án nước đôi khi đưa ra tình huống: Nếu ông H. đồng ý nhận quần thì ông D. phải thanh toán cho ông H. 345.000 đồng tiền giảm giá; hoặc nếu ông H. không nhận quần thì ông D. phải thanh toán cho ông H. 908.500 đồng (345.000 đồng tiền giảm giá, 563.500 đồng tiền bồi thường thiệt hại). Ông D. được nhận lại quần khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán.

Thường thì tòa án quyết định 01 cách giải quyết vụ án, không quyết định “nước đôi” như Tòa án nhân dân quận Gò Vấp đối với vụ án trên. Việc tuyên án “nước đôi” của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp sẽ gây khó khăn trong quá trình thi hành án.

Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) đã sửa án sơ thẩm, ra quyết định chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Bản chất vụ án là “tranh chấp hợp đồng gia công”, buộc ông D. phải thanh toán cho ông H. số tiền 1.150.000 đồng và ông D. được nhận lại ba cái quần mà ông D. may cho ông H..

Tân Trào