(LSVN) - Trong những năm vừa qua, nền kinh tế của nước ta có những khởi sắc đáng mừng, đã có những tác động chuyển biến tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình hình tội phạm hình sự nói chung và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nói riêng trong đó có “Tội đua xe trái phép” vẫn diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an trên nhiều địa bàn, gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.
Đây là hành vi xâm phạm quan hệ trong lĩnh vực công cộng, thường được thực hiện công khai ở những nơi đông người, thể hiện ý thức coi thường pháp luật. Hình thức biểu hiện thường là tụ tập theo nhóm từ hai người trở lên, đi xe máy tốc độ cao, lạng lách đánh võng kèm theo đó là các hành vi gây huyên náo, hành hung, đánh lộn, đập phá, gây lộn xộn ở nơi đông người, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thậm chí là hành vi giết người,...
Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế đã tác động đến tâm lý, sở thích của người dân, trong đó có một bộ phận thanh thiếu niên chưa thực sự làm chủ được bản thân, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện. Mặt khác, điều kiện về đường sá giao thông ngày được mở rộng đi liền với sự phát triển ồ ạt của các loại ô tô, xe gắn máy cá nhân, trong khi công tác quản lý còn nhiều bất cập của các cơ quan chức năng; ý thức tham gia giao thông và nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; sự buông lỏng trong quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội đối với con em; các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm còn chưa đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa...
Để đấu tranh phòng chống hành vi đua xe trái phép, trong một thời gian dài các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để nhằm ngăn chặn cũng như xử lý hành vi này như: Thông tư liên tịch số 10/TTLT ngày 31/12/1996 hướng dẫn xử lý các hành vi đua xe trái phép, Chỉ thị số 33/1999/CT-BGTVT ngày 27/12/1999 về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 02/4/2010 (thay thế cho Nghị định 146/NĐ-CP ngày 14/8/2007) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ luật Hình sự năm 1999 hình sự hóa hành vi đua xe trái phép thành một tội danh độc lập quy định tại Điều 207… Tuy nhiên, trên thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn bất cập, việc áp dụng các văn bản quy phạm để xử lý hành vi đua xe trái phép không thống nhất, dẫn tới hiệu quả của công tác phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này còn chưa cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh với loại hình tội phạm đua xe trái phép, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Tội đua xe trái phép” tại Điều 266 với nội dung có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng.
Khái niệm tội "Đua xe trái phép"
Hiện nay, chưa có một định nghĩa thống nhất trong khái niệm về tội "Đua xe trái phép". Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học luật hình sự Việt Nam, khái niệm tội phạm này có thể được định nghĩa như sau: Tội đua xe trái phép là hành vi của hai người trở lên điều khiển xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi trên đường bộ, do người không lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, hành vi đua xe trái phép là sự ganh đua tốc độ của từ 02 bên trở lên trên đường bộ một cách trái phép. Đua tốc độ chủ yếu thực tế là đua nhanh, nhưng việc đua chậm vẫn bị coi là tội phạm nếu có đủ dấu hiệu theo quy định. Phương tiện đua là ô tô, xe máy, phương tiện có gắn động cơ khác. Việc đua các loại phương tiện thô sơ như xe trâu, xe ngựa…thì không coi là tội đua xe trái phép nhưng có thể bị xử lý về tội khác. Tội phạm hoàn thành khi thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Các yếu tố cấu thành tội phạm của tội "Đua xe trái phép"
Chủ thể của tội "Đua xe trái phép": chủ thể của này là người không lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định, cụ thể: đối với người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép theo các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 266 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015; còn đối với người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội thuộc các khoản 3, 4 Điều 266 của BLHS năm 2015.
Khách thể tội "Đua xe trái phép": hành vi đua xe trái phép xâm phạm đến khách thể là an toàn công cộng trật tự công cộng, ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội. Đối tượng tác động chính là các phương tiện giao thông đường bộ (xe gắn máy, ô tô, các loại xe động cơ khác…).
Mặt chủ quan tội "Đua xe trái phép": Người thực hiện hành vi phạm tội này với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Chủ thể biết được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng chấp nhận hậu quả nếu xảy ra.
Mặt khách quan tội "Đua xe trái phép":
+ Về hành vi khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua xe. Người đua xe trái phép có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị, tập kết phương tiện đua (xe đua) và những điều kiện cần thiết cho cuộc đua, đến nơi tập kết, tập trung đua, điều khiển xe tham gia cuộc đua. Cần lưu ý là: chỉ người điều khiển xe tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi đua xe, còn người ngồi sau xe đua (nếu có) chỉ là người cổ vũ, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép mà tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
+ Về hậu quả: Hậu quả của tội này là gây mất trật tự an ninh xã hội, an toàn công cộng, gây thương tích hoặc tổn hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, đây là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Nếu hậu quả chưa xảy ra, tức là chưa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, hành vi đua xe trái phép của người đua xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Hình phạt của tội "Đua xe trái phép"
Điều 266 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau:
+ Khung 1: Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
So với BLHS 1999, BLHS 2015 đã tăng hình phạt tiền từ mức tối thiểu 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, giảm mức hình phạt cải tạo không giam giữ tối đa đến 02 năm (luật cũ là ba năm) và tăng hình phạt tù tối thiểu “từ 06 tháng đến 03 năm” (luật cũ là ba tháng đến ba năm).
+ Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Tại nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
Khoản 2 Điều 266 BLHS 2015 quy định thêm hình phạt tiền và tăng mức hình phạt tù “từ 03 năm đến 10 năm” (so với khoản 2 Điều 207 của BLHS 1999 không quy định hình phạt tiền và quy định mức hình phạt tù “từ hai đến bảy năm”), đồng thời cụ thể hóa, lượng hóa mức độ gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản của người vi phạm.
+ Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khung 3 của điều luật cụ thể hóa, lượng hóa các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về sức khỏe và tài sản của người bị thiệt hại đồng thời tăng mức hình phạt tù lên “07 năm đến 15 năm” (luật cũ từ năm năm đến mười lăm năm).
+ Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Khung 4 của điều luật cụ thể hóa, lượng hóa các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn về sức khỏe và tài sản của người bị thiệt hại, về hình phạt vẫn giữ nguyên mức hình phạt như trước đây (phạt tù từ 12 năm đến 20 năm).
Hình phạt bổ sung: Khoản 5 Điều 266 BLHS 2015 quy định “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” (so với luật cũ là “phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”).
Như vậy, nhìn chung các quy định về hình phạt của Tội đua xe trái phép tại Điều 266 của BLHS 2015 là tăng mức hình phạt tiền, tăng hoặc giữ nguyên các mức hình phạt tù đối với người vi phạm so với quy định tại Điều 207 của BLHS 1999.
Thực trạng của hành vi đua xe trái phép
Thực tế cho thấy, kể từ khi được quy định thành tội danh độc lập trong BLHS năm 1999 cho tới nay, tình hình tội phạm đua xe trái phép vẫn có diễn biến phức tạp, đa dạng không chỉ trên các thành phố, khu đô thị, tỉnh lộ, thị xã lớn, mà còn diễn ra với nhiều hình thức như: tổ chức thành những đoàn đua trên các tuyến đường liên tỉnh, diễn ra trên nhiều tuyến quốc lộ, xuất hiện nhiều nhóm thực hiện hành vi sử dụng ô tô đua trên các tuyến phố tập trung đông người, lợi dụng các sự kiện lớn của đất nước để tổ chức thành các đội đua có quy mô lớn.
Tuy loại hình tội phạm này xét về tính chất nguy hiểm thì không có tính nguy hiểm cao so với một số loại hình tội phạm khác như "Giết người", "Cướp tài sản"… nhưng lại có tính đa dạng nhiều hình thức, tính “nhóm”, “tổ chức”, làm ảnh hưởng, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, cá biệt có trường hợp lợi dụng hành vi đua xe để thực hiện một tội phạm khác hoặc che dấu một loại hình tội phạm khác nguy hiểm hơn. Mặt khác, hoạt động xử phạt đối với hành vi đua xe trái phép trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục; trong thực tiễn xét xử, còn có sự nhầm lẫn giữa tội "Gây rối trật tự công cộng" với tội "Đua xe trái phép"; hình phạt đối với người tham gia đua xe trái phép còn chưa tương xứng với tính chất hành vi nguy hiểm gây ra…
Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Tội đua xe trái phép
Xuất phát từ thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi đua xe trái phép hiện nay còn có nhiều bất cập, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có nguyên nhân là hình phạt quy định đối với tội phạm này còn nhẹ, chưa đủ nghiêm để giáo dục phòng ngừa vi phạm. Từ những phân tích trên, theo chúng tôi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 266 BLHS năm 2015 theo hướng cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 266 BLHS: Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy, hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tính mà còn vi phạm, “thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thêm tình tiết tăng nặng hình phạt đối với những trường hợp đua xe ở đường phố nơi có mật độ người tham gia giao thông cao, khu vực có nhiều người ở và sinh sống; tại trung tâm thành phố, khu đô thị, thị xã, thị trấn; nơi có trụ sở các cơ quan nhà nước, cơ quan công an, đơn vị quân đội đang đóng quân, bệnh viện, trường học, trạm y tế…; thay đổi kết cấu xe để tăng tốc độ.
Thứ ba, cần bổ sung thêm tình tiết tăng nặng đối với trường hợp các đối tượng tham gia đua xe đã sử dụng bia rượu hoặc một chất kích thích khác.
Thứ tư, bổ sung quy định về tịch thu toàn bộphương tiện sung quỹ nhà nước đối với người có hành vi tham gia đua xe trái phép, nhằm nâng cao tính răn đe giáo dục phòng ngừa chung, góp phần đảm bảo an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và phòng chống Tội đua xe trái phép
Qua nghiên cứu về tội "Đua xe trái phép" cũng như thực trạng của vấn đề, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng những quy định của BLHS về tội đua xe trái phép cũng như những giải pháp để hạn chế loại hình tội phạm này trong thời gian tới, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông, an toàn công cộng và trật tự công cộng và tội "Đua xe trái phép" nói riêng; tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý vi phạm; giáo dục mọi người dân chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ, Luật phòng chống tác hại của rượu bia, BLHS và các văn bản pháp luật có liên quan… thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
+ Thứ hai, tiếp tục rà soát, kiến nghị và hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an toàn công cộng và trật tự công cộng trong đó có tội "Đua xe trái phép" để tạo cơ sở, hành lang pháp lý trong việc xử lý;
+ Thứ ba, tăng cường công tác tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, xét xử nghiêm minh đối với tội "Đua xe trái phép", có kết hợp với công tác giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Thứ tư, tăng cường lực lượng, phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ, người thi hành công vụ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm;
+ Thứ năm, tổ chức củng cố mạng lưới giao thông và điều khiển hoạt động giao thông đường bộ, quản lý các phương tiện vật chất và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; quản lý chặt chẽ và nâng cao công tác đào tạo, cấp, thu hồi giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ;
+ Thứ sáu, thực hiện các cam kết về bảo đảm an toàn giao thông trong các cơ quan, tổ chức, nhà trường; tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình đối với đối tượng thanh thiếu niên có sử dụng xe gắn máy.
Trên đây là một số vấn đề, quy định tại Điều 266 của BLHS 2015 về Tội đua xe trái phép và một số kiến nghị đề xuất, nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về Tội đua xe trái phép, xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng pháp luật mọi hành vi vi phạm và người phạm tội, góp phần bảo đảm an toàn công cộng trật tự công cộng, xây dựng nếp sống văn minh, ý thức thượng tôn luật pháp trong xã hội.
HỒ QUÂN