Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng

20/03/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Quan hệ giữa Luật sư với khách hàng là quan hệ cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp Luật sư. Luật sư là hoạt động nghề nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong các lĩnh vực tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Công việc hành nghề của Luật sư luôn gắn với khách hàng và là mối quan hệ thường xuyên, phổ biến nhất trong các quan hệ liên quan đến nghề nghiệp Luật sư.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư đã dành chương II để quy định những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, làm khuôn mẫu cho mỗi Luật sư ứng xử, rèn luyện, tu dưỡng để giữ gìn uy tín đội ngũ Luật sư và tôn vinh nghề nghiệp Luật sư.

Chương II được chia thành 4 mục nhỏ với 12 quy tắc:

- Mục 1 (từ Quy tắc 5 đến Quy tắc 9): Là những quy tắc cơ bản trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng. Đây là những nguyên tắc Luật sư phải luôn tuân thủ trong suốt quá trình tiếp xúc, làm việc với khách hàng từ giai đoạn nhận vụ việc cho đến khi kết thúc vụ việc. Dù Luật sư có đi theo khách hàng đến giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ việc của khách hàng thì Luật sư vẫn phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là: Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; tôn trọng khách hàng; giữ bí mật thông tin khách hàng; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và phải ghi mức thù lao vào Hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Bên cạnh đó, tại Mục 1 cũng quy định những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng.

- Mục 2 (Quy tắc 10 và Quy tắc 11): Là những quy tắc về ứng xử của Luật sư khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng, những trường hợp Luật sư phải từ chối nhận vụ việc.

Khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng Luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng có tiếp nhận vụ việc đó không; Luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng. Mặt khác, trong quá trình tiếp nhận vụ việc của khách hàng, Luật sư phát hiện ra những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật như: Có người lợi dụng tư cách đại diện để thực hiện những mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng hay khách hàng cung cấp chứng cứ giả, yêu cầu của khách hàng là trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc xảy ra xung đột lợi ích giữa Luật sư với khách hàng thì Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc của khách hàng (Quy tắc 11).

- Mục 3 (từ Quy tắc 12 đến Quy tắc 15): Quy định về ứng xử của Luật sư khi thực hiện nhận vụ việc của khách hàng.

Khi thực hiện vụ việc của khách hàng, Luật sư cần chủ động, tích cực giải quyết vụ việc cho khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc cho khách hàng biết. Trong quá trình thực hiện vụ việc, Luật sư cần có thái độ ứng xử phù hợp tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Khi có bất đồng ý kiến hoặc có tranh chấp với khách hàng, Luật sư cũng cần giữ thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng hòa giải với khách hàng.

Nếu có nhiều Luật sư cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các Luật sư có thể gây bất lợi với khách hàng thì Luật sư phải thông báo để khách hàng thực hiện quyền lựa chọn (Quy tắc 12). 

Với những trường hợp khi đang thực hiện vụ việc, khách hàng đưa ra những yêu cầu mới nhưng những yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề của Luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật; khách hàng không chấp nhận ý kiến giải quyết vụ việc của Luật sư dù Luật sư đã cố gắng thuyết phục; khách hàng vi phạm cam kết trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với Luật sư; khách hàng đe dọa hoặc gây áp lực về vật chất, tinh thần buộc Luật sư phải thực hiện những việc làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp; có căn cứ chứng minh khách hàng lừa dối Luật sư thì Luật sư có thể từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng.

Trong trường hợp có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư để thực hiện những hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức; các trường hợp do pháp luật quy định phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng hoặc do các trường hợp bất khả kháng, Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng (Quy tắc 13). 

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý, Luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời gian hợp lý để khách hàng có thể tìm Luật sư khách tiếp tục thực hiện vụ việc của họ đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề về chấm dứt Hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết (Quy tắc 14). 

Khi xảy ra xung đột lợi ích với khách hàng, Luật sư có thể bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng vì vậy Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc của khách hàng khi có xung đột lợi ích trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Quy tắc 15).

- Mục 4 (Quy tắc 16): Quy định về ứng xử của Luật sư với khách hàng khi kết thúc vụ việc. Khi kết thúc vụ việc, Luật sư cần thông tin cho khách hàng biết về kết quả thực hiện vụ việc và thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận.

Bộ Quy tắc chia chương II thành 04 mục nhỏ là căn cứ vào thực tế quan hệ giữa Luật sư với khách hàng trải qua 03 giai đoạn: Nhận vụ việc, thực hiện vụ việc, kết thúc vụ việc để xác định các quy tắc Ứng xử của Luật sư trong từng giai đoạn tránh bị trùng lặp và dễ áp dụng trong quá trình thực hiện.

Tóm lại, mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng là một trong những quan hệ xã hội cơ bản của nghề Luật sư. Việc đưa các chuẩn mực đạo đức, ứng xử với khách hàng vào Bộ Quy tắc giúp Luật sư hiểu được bản chất mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, thấy được bổn phận trách nhiệm của Luật sư trong hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng để từ đó cũng có lòng tin của khách hàng vào Luật sư, góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của người Luật sư trong xã hội.

LÊ THỊ THANH BÌNH

Học viên lớp Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp

Bàn về trách nhiệm của Luật sư khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý với khách hàng