Tổng thống Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cư, Ấn Độ chuẩn bị thử nghiệm vắcxin phòng lao để chống Covid-19

22/04/2020 17:46 | 3 năm trước

(LSO) - Tính đến 7h ngày 23/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới hiện tại đã hơn 2,6 triệu người, số ca tử vong vì Covid-19 là 189.883 ca, trong đó số ca được công bố khỏi bệnh là  717.284 ca.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã ký sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư nhằm tạm dừng cấp mới thẻ xanh, một động thái theo ông là sẽ giúp bảo vệ việc làm của người dân Mỹ trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Được biết, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Để bảo vệ những người lao động Mỹ tuyệt vời của chúng ta, tôi đã ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng nhập cư vào Mỹ."

Cũng theo Tổng thống Trump, “sắc lệnh này đảm bảo rằng những người thất nghiệp Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội sẽ được nhận ưu tiên hàng đầu là bố trí việc làm khi nền kinh tế tái mở cửa.” Sắc lệnh cũng bảo đảm các nguồn lực y tế cho các bệnh nhân Mỹ.

Theo thông tin trước đó, sắc lệnh này có thời hạn trong 60 ngày và sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất đến những người đang nộp hồ sơ xin thẻ thường trú, hoặc thẻ xanh, ngoại trừ những người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, những lao động mùa vụ vẫn sẽ được phép vào Mỹ.

Động thái trên được tiến hành trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với 22 triệu người đã gia nhập đội ngũ thất nghiệp. Tổng thống Trump từng nói nếu chính phủ không can thiệp kịp thời thì kinh tế Mỹ rất lâu mới có thể phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp sẽ luôn duy trì ở mức cao.

Hiện tại, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 823.786 ca, số ca tử vong tại đây là 44.845 ca, trong đó công bố chữa khỏi là 75.204 ca.

Ấn Độ chuẩn bị thử nghiệm vắcxin phòng lao để chống Covid-19

Trong 2 tuần tới, Ấn Độ sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vắcxin này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) hay không.

Được biết, loại thuốc sắp được thử nghiệm là vaccine phòng bệnh lao BCG tái tổ hợp của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phát triển năm 1919 và đã được chứng minh an toàn trong quá trình sử dụng. Viện này có thể tạo ra từ 300-400 triệu liều.

Ông Adar Poonawalla, Giám đốc viện trên, cho biết vaccine BCG tái tổ hợp sẽ tốt hơn vaccine BCG hiện hành vì có đặc tính an toàn cao, có thể tiêm cho trẻ sơ sinh. vắcxin này đang được sử dụng ở hơn 100 quốc gia trên thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua.

Theo kế hoạch, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ tiến hành thử nghiệm vắcxin BCG tái tổ hợp trong vòng 2 tuần nữa để chứng minh khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở người.

Các thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Pune, thuộc bang Maharashtra và cũng là nơi đặt trụ sở của viện. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-3.000 người thuộc diện nguy cơ cao tham gia thử nghiệm này, bao gồm người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, huyết áp cao và các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, từ nay cho đến khi kết thúc thử nghiệm, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ chưa đưa ra khuyến cáo sử dụng đối với loại vắcxin này. Bên cạnh Viện Huyết thanh Ấn Độ, khoảng 6 công ty dược phẩm ở nước này cũng đang phát triển một số loại vắcxin khác nhưng chưa đến giai đoạn thử nghiệm trên người.

Các chuyên gia y tế Ấn Độ dẫn một số nghiên cứu gần đây cho thấy những quốc gia không tiêm chủng BCG phổ cập có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn những nước khác. Điển hình như Mỹ và Italy.

Hiện nay, tổng sô ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ là 20.080 người, số ca tử vong vì Covid-19 là 645 người.

Châu Âu lao đao vì Covid-19

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, số ca tử vong tăng nhẹ so với hôm qua lên tới 21.282. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên tới 204.178.

Giới chức Tây Ban Nha tin đại dịch đã đạt đỉnh vào ngày 2/4, thời điểm 950 người chết vì nCoV được ghi nhận trong vòng 24 giờ, gần ba tuần sau khi chính phủ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với gần 47 triệu dân. Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5 nhưng một số quy định sẽ được nới lỏng từ ngày 27/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.

Phun thuốc khử trùng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại Venice, Italia. Ảnh: AFP

Italy ghi nhận 3.370 ca nhiễm và 437 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 183.957 và 24.648.

Italy từ 9/3 áp lệnh phong tỏa toàn quốc, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5. Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ công bố kế hoạch cụ thể trong tuần này.

Pháp xác nhận thêm tổng số ca nhiễm và ca tử vong tăng lên đột ngột, nâng tổng số lên lần lượt 159.297 và 20.829, trở thành vùng dịch thứ tư báo cáo số người chết vượt 20.000.

Truyền thông Pháp đưa tin một bệnh nhi ở nước này nhiễm nCoV nhưng không lây cho 172 người từng tiếp xúc, cho thấy trẻ em có thể không chiếm tỷ lệ lớn trong việc lây lan dịch bệnh

Bé trai kể trên liên quan đến ổ dịch lây nhiễm từ doanh nhân Steve Walsh, người Anh đầu tiên nhiễm nCoV sau khi dự hội nghị ở Singapore hồi tháng một.

Đức ghi nhận tổng số ca nhiễm đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 148.291 và 5.033. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang quyết định nới phong tỏa từ cuối tuần trước, 16 bang dỡ bỏ lệnh hạn chế ở mức độ khác nhau. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 m2 được phép hoạt động từ 20/4, song tại một số địa phương như thủ đô Berlin, các hoạt động kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục hoạt động.

Tuy nhiên, Merkel cảnh báo thành công của Đức "hết sức mong manh". Chính phủ Đức tiếp tục đề nghị dân chúng đeo khẩu trang khi đi mua sắm và trên các phương tiện công cộng. Lệnh cấm tụ tập hơn hai người và yêu cầu duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m tại nơi công cộng vẫn có hiệu lực.

Đức đã cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người một loại vaccine phòng Covid-19 là BNT162 của công ty BioNTech.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 130.172 ca nhiễm và 17.378 ca tử vong. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.

Chính phủ Anh hôm 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Iran vượt qua Trung Quốc, trở thành vùng dịch lớn nhất châu Á với 84.802 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 94 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 9 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.297.

Chính quyền đã cho phép các doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại từ 18/4, bất chấp chỉ trích từ các chuyên gia y tế. Giới chức kêu gọi công chúng hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Thành phố Tehran cho biết 317 tài xế taxi tại đây nhiễm nCoV, trong đó 19 người chết. 147 tài xế xe buýt và 40-50 nhân viên tàu điện ngầm cũng nhiễm virus.

/tong-thong-trump-tuyen-bo-cam-nhap-cu-trong-vong-60-ngay-chau-au-van-tiep-tuc-la-diem-nong-trong-cuoc-chien-chong-covid-19.html
/tong-giam-doc-who-khong-co-bi-mat-tai-who-khong-giau-my-dieu-gi.html
/dai-dich-covid-19-khoa-hoc-xa-hoi-giup-tra-loi-nhung-cau-hoi-gi.html

LÂM HOÀNG (t/h)