Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhiều người cùng vô ý gây thiệt hại

09/06/2024 00:07 | 3 tháng trước

(LSVN) - Việc giải quyết bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng vô ý gây ra hiện còn nhiều vướng mắc do chưa thống nhất trong nhận thức về căn cứ, điều luật áp dụng; trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người cùng gây thiệt hại bị chết.

Ảnh minh họa.

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự có nhiều bị cáo cùng gây ra thiệt hại cho một bị hại phát sinh vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường của các bị cáo là liên đới hay riêng rẽ?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp này cần áp dụng Điều 587 Bộ luật Dân sự để tuyên trách nhiệm liên đới đối với các bị cáo.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trường hợp này các bị cáo không có nghĩa vụ liên đới vì nghĩa vụ liên đới chỉ phát sinh trong trường hợp cùng cố ý gây thiệt hại, tức là thống nhất về mặt ý chí.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, theo đó cần áp dụng Điều 587 Bộ luật Dân sự để tuyên trách nhiệm liên đới đối với các bị cáo bởi các lý do sau đây:

- Về căn cứ phát sinh nghĩa vụ: Các bị cáo đều có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định tại khoản 5 Điều 275 Bộ luật Dân sự do đều có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho người bị hại.

- Về thực hiện nghĩa vụ: Các bị cáo cùng gây thiệt hại cho bị hại nên các bị cáo cùng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Và thiệt hại của bị hại là thiệt hại chung (cùng là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe hoặc tài sản của bị hại), không phải là thiệt hại riêng rẽ  nên nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phải là nghĩa vụ chung của các bị cáo (có thể chia theo phần dựa trên mức độ lỗi của từng bị cáo) chứ không phải nghĩa vụ riêng rẽ theo quy định tại Điều 287 Bộ luật Dân sự.

- Điều 587 Bộ luật Dân sự chỉ quy định “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại” mà không quy định “cùng cố ý gây thiệt hại” nên có thể hiểu, nghĩa vụ liên đới bồi thường không chỉ phát sinh khi nhiều người “cùng cố ý gây thiệt hại” mà còn bao gồm “cùng vô ý gây thiệt hại” hoặc “trách nhiệm liên đới của người vô ý gây thiệt hại và người không có lỗi” .

Mặc dù chưa có văn bản quy định hay hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên nghiên cứu Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thấy rằng, nghĩa vụ liên đới phát sinh cả trong trường hợp nhiều người vô ý thiệt hại như: “Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại” (khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự); hay kể cả người không có lỗi như trường hợp “Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại...” (khoản 2 Điều 12 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP).

Và do đó, quan điểm cho rằng nghĩa vụ liên đới chỉ phát sinh trong trường hợp cùng cố ý gây thiệt hại là không phù hợp.

Về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người cùng gây thiệt hại bị chết

Do đã làm rõ nghĩa vụ liên đới của các bị cáo ở phần trên, nên trong phần này, tác giả chỉ phân tích trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người cùng gây thiệt hại bị chết trên quan điểm cùng vô ý gây thiệt hại phải liên đới bồi thường. Vấn đề này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, do người cùng gây thiệt hại đã chết nên bị cáo còn lại phải bồi thường toàn bộ cho người bị hại.

Quan điểm thứ hai cho rằng, bị cáo phải liên đới cùng những người thừa kế của người cùng gây thiệt hại bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại. Những người thừa kế chỉ chịu trách nhiệm liên đới bồi thường trong phạm vi di sản của người gây thiệt hại đã chết.

Quan điểm thứ ba cho rằng, bị cáo chỉ phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của bị cáo, vì người cùng gây thiệt hại đã chết nên nghĩa vụ của người này cũng chấm dứt.

Trước hết, xem xét quan điểm thứ ba thấy rằng quan điểm này chưa phù hợp, bởi lẽ:

- Đây không phải trường hợp chấm dứt nghĩa vụ theo quy định tại khoản 8 (Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân đó thực hiện) Điều 327 Bộ luật Dân sự, vì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người chết không nhất thiết phải do cá nhân người này thực hiện mà có thể do người thừa kế hoặc người quản lý di sản (trong trường hợp di sản chưa được chia) thực hiện.

- Nguyên tắc đầu tiên của bồi thường thiệt hại là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ. Do đó, nếu bị cáo chỉ phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của bị cáo thì sẽ ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, không đảm bảo nguyên tắc về bồi thường thiệt hại.

- Nghĩa vụ của bị cáo là nghĩa vụ liên đới, do đó bị hại có quyền yêu cầu bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho mình.

Xem xét quan điểm thứ hai thấy rằng, quan điểm này là không phù hợp trong trường hợp người cùng gây thiệt hại bị chết nhưng có tài sản. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự, thì những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Do đó, tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba, tuy nhiên cần xem xét cụ thể:

- Trường hợp người cùng gây thiệt hại bị chết có tài sản thì bị cáo có nghĩa vụ liên đới cùng những người thừa kế tài sản của người cùng gây thiệt hại bị chết bồi thường thiệt hại cho người bị hại tương ứng với phần lỗi của bị cáo và trong phạm vi di sản của người cùng gây thiệt hại đã chết.

- Trường hợp người cùng gây thiệt hại bị chết không có tài sản thì bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị hại để đảm bảo nguyên tắc bồi thường thiệt hại; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

                                                                 Thạc sĩ NGUYỄN BÁ HÙNG

                                                Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 2

Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống tiền giả

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN