/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Trách nhiệm của Luật sư không hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thành viên

Trách nhiệm của Luật sư không hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thành viên

29/12/2022 08:47 |2 năm trước

(LSVN) - Luật Luật sư quy định người có đủ tiêu chuẩn quy định muốn được hành nghề Luật sư ngoài việc phải có Chứng chỉ hành nghề Luật sư còn phải gia nhập một Đoàn Luật sư (Điều 11 Luật Luật sư). Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/7/2022 quy định Luật sư có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn và Đoàn Luật sư mà mình là thành viên; nộp phí thành viên đầy đủ và đúng hạn.

Ảnh minh họa.

Nộp phí thành viên là nghĩa vụ của Luật sư và trên thực tế phần đông Luật sư Việt Nam tự nguyện, chủ động thực hiện. Hiện nay vẫn ghi nhận một số Luật sư vì nhiều lý do chủ quan, khách quan chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thành viên theo quy định, sự thiếu tự giác, chây ì, viện dẫn các lý do để trì hoãn, không nộp... Điều đó không những gây khó khăn cho hoạt động của các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà còn gây ra sự bất bình đẳng, mất đoàn kết trong đội ngũ Luật sư, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh vị thế của giới Luật sư, nghề Luật sư.

Song song việc ban hành quy định về thu, nộp phí thành viên; sử dụng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành quy định đảm bảo việc thu, nộp phí đúng quy định, công bằng. Nộp phí thành viên là nghĩa vụ bắt buộc, ngoài các trường hợp được miễn, giảm theo quy định đối với các trường hợp Luật sư cố tình vi phạm nghĩa vụ nộp phí thành viên sẽ bị xử lý.

Luật sư không đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc phí thành viên Đoàn Luật sư thì bị xử lý theo quy định:

- Quá 06 tháng đến dưới 12 tháng thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhắc nhở trên Trang thông tin điện tử của Liên đoàn, Đoàn Luật sư nhắc nhở trên Trang thông tin điện tử của Đoàn Luật sư, nhắc nhở bằng văn bản lần thứ nhất hoặc bằng hình thức khác;

- Từ 12 tháng đến dưới 18 tháng thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhắc nhở trên Trang thông tin điện tử của Liên đoàn, Đoàn Luật sư nhắc nhở trên Trang thông tin điện tử của Đoàn Luật sư, nhắc nhở bằng văn bản lần thứ hai hoặc bằng hình thức khác;

- Từ 18 tháng trở lên thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư.

Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng quy định việc bị kỷ luật do chậm nộp phí thành viên là một hình thức kỷ luật. Do vậy, sau khi bị kỷ luật do vi phạm quy định về nộp phí thành viên Luật sư sẽ không đương nhiên được kết nạp lại.

Đồng thời, khi Luật sư vi phạm nghĩa vụ nộp phí thành viên cũng sẽ không đủ điều kiện để được xét khen thưởng theo quy định.

Đặc biệt, lần đầu tiên Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quy định rõ Luật sư đang nợ phí thành viên sẽ không được rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư. Đây là quy định có tính răn đe cũng như là một chế tài rất nghiêm khắc vì khi Luật sư không được rút tên khỏi đoàn Luật sư do vị phạm nghĩa vụ nộp phí sẽ không hoặc khó chuyển sang công tác tại các lĩnh vực khác như: Công chứng viên, Đấu giá viên, Thừa phát lại… Cụ thể, Điều 32 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định trường hợp Luật sư bị từ chối rút tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư nếu thuộc trường hợp: “Vi phạm nghĩa vụ đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phí thành viên Đoàn Luật sư”.

Trình tự, thủ tục xử lý Luật sư vi phạm nghĩa vụ nộp phí thành viên cũng được Điều Lệ quy định theo thủ tục rút gọn.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện

Bùi Thị Thanh Loan