Ngày 07/12/1941, cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào căn cứ của Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng - một hành động chiến tranh mặc dù chỉ kéo dài 90 phút, nhưng đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn tiến trình lịch sử thế giới.
Sự kiện dẫn đến cuộc tấn công Trân Châu Cảng
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Mỹ đã âm ỉ trong suốt đầu thế kỷ 20 và lên đến đỉnh điểm vào những năm 1930 khi Nhật Bản tìm cách tấn công Trung Quốc.
Đến năm 1940, Mỹ coi sự bành trướng của Nhật Bản tại Trung Quốc đe dọa đến lợi ích của mình nên Mỹ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho Trung Quốc và trừng phạt Nhật Bản.
Sau khi Nhật Bản ký các hiệp ước phòng thủ chung với Đức Quốc xã và Italy vào năm 1940, Mỹ đã đóng băng tài sản của Nhật Bản và cấm mọi hoạt động xuất khẩu vào Nhật Bản.
Mặc dù Mỹ bày tỏ vai trò trung lập nhưng lập trường của nước này ngày càng bị thách thức bởi cả Nhật Bản và Đức Quốc xã.
Nhưng khi Nhật Bản tiếp tục phát động chiến tranh với Trung Quốc, một cuộc xung đột với Mỹ trở nên gần như không thể tránh khỏi, thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nhật Bản xem xét các lựa chọn của họ.
Hải quân Mỹ rất mạnh và Nhật Bản không có đủ nguồn lực cần thiết để loại bỏ mối đe dọa từ Mỹ đối với tham vọng đế quốc của họ. Nhưng Đô đốc Yamamoto Isoroku đã thuyết phục các quan chức quân sự Nhật Bản rằng thay vì tuyên chiến với Mỹ, họ nên đối đầu với Mỹ ở Thái Bình Dương, gây ra càng nhiều thiệt hại cho Hạm đội Thái Bình Dương càng tốt.
Lên kế hoạch tấn công
Đô đốc Yamamoto lập luận trong khi Mỹ cần nhiều thời gian để huy động lực lượng sau một cuộc tấn công bất ngờ, Nhật Bản có thể tận dụng chiếm các đảo chiến lược ở Thái Bình Dương. Nhật Bản đang rất cần nguồn cung hậu cần, và các đảo nằm giữa Nhật Bản và vùng lãnh thổ xa nhất của Mỹ ở Hawaii có thể cung cấp dầu và cao su cho cỗ máy chiến tranh của Nhật Bản.
Yamamoto đã dành nhiều tháng kiên nhẫn lập kế hoạch cho chiến dịch với Đại úy Minoru Genda và những người khác. Vào tháng 12/1941, Nhật hoàng Hirohito cuối cùng đã nhượng bộ trước sức ép từ quân đội và cho phép phát động chiến tranh.
Mặc dù có bằng chứng cho thấy Nhật Bản đang xây dựng lực lượng không quân, cuộc tấn công đã khiến Mỹ bất ngờ. Vào ngày 06/12/1941, các sĩ quan tình báo Mỹ thậm chí còn chặn được một thông điệp cho biết chiến tranh sắp xảy ra.
Nhưng quân đội Mỹ không biết mục tiêu sẽ là Trân Châu Cảng và khi thông điệp đang được gửi đến một văn phòng điện báo ở Honolulu, cuộc tấn công đã bắt đầu.
Điều gì đã xảy ra vào ngày 07/12/1941
Phát súng đầu tiên của cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng thực sự đã nổ trước bình minh khi tàu khu trục U.S.S. Ward của Mỹ đã bắn chìm một tàu ngầm của Nhật Bản gần lối vào cảng.
Nhưng vì lực lượng Mỹ không ngờ đến một cuộc tấn công trên không nên không phát báo động chung.
Vào lúc 07h48 sáng theo giờ Hawaii, đợt tấn công đầu tiên của các máy bay ném bom bổ nhào của Nhật Bản bắt đầu bay qua Trân Châu Cảng. Mục tiêu của chúng là Đảo Ford do Hải quân Mỹ chiếm giữ và bảy thiết giáp hạm gần đó.
Chỉ trong vòng vài phút, phần lớn hạm đội Mỹ đã bị hư hại hoặc bị phá hủy. Trong suốt hai đợt tấn công, tổng cộng 353 máy bay Nhật Bản và 28 tàu ngầm đã phá hủy không thể phục hồi hai thiết giáp hạm Oklahoma và Arizona, và làm hư hại tất cả các tàu còn lại. Người Nhật cũng tấn công vào các sân bay gần đó.
Mặc dù bị bất ngờ, người Mỹ đã chống trả bằng súng phòng không và thậm chí còn đưa một số máy bay cất cánh để đánh trả. Tổng cộng 29 máy bay Nhật Bản đã bị bắn hạ trong cuộc tấn công.
Cuối cùng, gần 2.400 người Mỹ đã thiệt mạng. Gần một nửa số người tử vong đó xảy ra trên tàu Arizona, nơi bị trúng trực tiếp vào thân tàu.
Một số thường dân đã thiệt mạng do đạn phòng không không phát nổ khi bắn vào máy bay Nhật Bản và rơi xuống đất. Chỉ có 64 quân nhân Nhật Bản thiệt mạng vào ngày hôm đó.
Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai
Cuộc tấn công đã gây chấn động cả nước Mỹ và đẩy cường quốc này vào một cuộc chiến mà họ đã cố gắng tránh né trong nhiều năm.
Một ngày sau cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã yêu cầu Quốc hội tuyên chiến với Nhật Bản. Gọi ngày 07/12 là "ngày sẽ sống mãi trong nỗi ô nhục", ông tuyên bố với Quốc hội Mỹ rằng đất nước đang trong tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng.
Chỉ có một thành viên của Quốc hội, Đại diện Jeannette Rankin của Montana, bỏ phiếu chống lại tuyên bố này. Rankin, một người theo chủ nghĩa hòa bình và là người phụ nữ đầu tiên trong Quốc hội, cũng đã bỏ phiếu phản đối việc Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất.
Vào ngày 11/12, cả Đức và Italy đều tôn trọng hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và tuyên chiến với Mỹ.
Những gì xảy ra sau đó sẽ là một cuộc xung đột tàn phá phần lớn châu Âu và Nhật Bản, dẫn đến 15 triệu người thiệt mạng, 25 triệu người bị thương và ít nhất 45 triệu thường dân tử vong. Kết thúc chiến tranh, 416.800 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng đã được sử dụng để biện minh cho việc giam giữ khoảng 120.000 người gốc Nhật Bản tại Mỹ, bao gồm 70.000 công dân Mỹ. Và nó đã chấm dứt mãi mãi lập trường trung lập của Mỹ trước năm 1941.