Trung Quốc đòi Mỹ ngừng 'đàn áp vô lý' Tập đoàn Huawei, chính trị gia Đức kêu gọi EU ngăn làn sóng thâu tóm doanh nghiệp châu Âu

16/05/2020 23:14 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 17/5, hiện nay, sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang là cái tên nóng đối với toàn thế giới. Được biết, sau hàng loạt chính sách từ phía Mỹ, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng 'đàn áp vô lý Huawei và các công ty Trung Quốc' ngay sau khi Washington tiết lộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để hạn chế Huawei tiếp cận công nghệ bán dẫn.

Mỹ chặn nguồn chip của Huawei

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: REUTERS

Theo Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/5, cơ quan này đã sửa một luật xuất khẩu nhằm ngăn Huawei có được các chất bán dẫn là "sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm Mỹ".

Động thái này là đòn giáng mạnh lên Huawei - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới cũng như Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC - nhà sản xuất chip chính cho bộ phận HiSilicon của Huawei và cả các đối thủ của Huawei như Apple và Qualcomm.

Bán dẫn được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất điện thoại và thiết bị điện tử. Trong khi đó, Huawei đang ở giữa tâm bão cuộc cạnh tranh thống trị lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Theo quy định mới, các nhà sản xuất chip phải xin giấy phép của chính quyền Mỹ trước khi cung cấp cho Huawei. Đối với Huawei, công ty Trung Quốc này cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn nhận hoặc sử dụng các thiết kế bán dẫn liên quan đến các công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Trên trang Fox Business, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng đang tồn tại một lỗ hổng kỹ thuật cho phép Huawei sử dụng công nghệ của Mỹ thông qua các nhà sản xuất dễ dãi ở nước ngoài, và sự thay đổi sẽ lấp lại lỗ hổng này. Ông cũng bày tỏ lo ngại việc công ty Trung Quốc này đang nỗ lực phá hoại những hạn chế của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.

Những sản phẩm đang được sản xuất cho Huawei sẽ được chuyển cho công ty này nếu hoàn thành trong vòng 120 ngày tính từ ngày 15/5. Những sản phẩm bắt đầu sản xuất sau 15/5 sẽ phải tuân theo quy định mới.

Huawei trước đó đã cảnh báo Chính phủ Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Mỹ áp dụng quy định mới này. "Chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng nhìn Huawei bị đưa lên thớt" - Hãng tin Reuters dẫn lời chủ tịch Huawei Eric Xu nói ngày 31/3.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang thuyết phục các đồng minh loại Huawei khỏi việc phát triển mạng 5G thế hệ thứ hai, với lo ngại các thiết bị của công ty Trung Quốc này có thể bị sử dụng cho mục đích do thám.

Trung Quốc đòi Mỹ ngừng 'đàn áp vô lý' Tập đoàn Huawei

Một người đàn ông đi ngang qua bảng quảng cáo điện thoại Huawei P40 ở Bắc Kinh ngày 16/5. Ảnh: AFP

"Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công ty Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trong một tuyên bố ngày 16/5.

Theo Hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh: "Chúng tôi thúc giục Mỹ ngay lập tức ngừng đàn áp vô lý Huawei và các công ty của Trung Quốc".

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/5 cho biết đang sửa luật xuất khẩu để ngăn Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tiếp cận các nhà cung cấp chất bán dẫn toàn cầu, trong đó có nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan.

Theo quy định mới, các công ty nước ngoài có sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ sẽ được yêu cầu xin giấy phép của Mỹ trước khi cung cấp chip cho Huawei hoặc các công ty con như HiSilicon.

Huawei cũng phải nhận được giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn tiếp tục mua được chip nhớ hoặc sử dụng một số thiết kế bán dẫn có liên quan tới phần mềm và công nghệ nhất định của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phá hủy các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, từ ngày 15/5, trang Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn các nguồn tin nói rằng nếu Mỹ tiếp tục tấn công nhắm vào Huawei bằng việc ngăn các công ty như TSMC cung cấp chip cho tập đoàn này, Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp trả đũa.

Trong số này có việc liệt các công ty Mỹ vào danh sách "các thực thể không đáng tin", áp các biện pháp hạn chế lên những công ty Mỹ như Apple hay Qualcomm và ngừng mua máy bay Boeing.

"Môi trường để Trung Quốc phát triển hòa bình đã thay đổi đáng kể. Các chính sách đối ngoại và đối nội của Trung Quốc cũng phải điều chỉnh. Sự đàn áp của Mỹ đã trở thành thách thức số 1 với sự phát triển của Trung Quốc", Thời Báo Hoàn Cầu viết trong bài xã luận ngày 15/5.

Hiện không rõ Bắc Kinh sẽ công bố các biện pháp như trên để đáp trả vụ Huawei hay không và nếu có thì khi nào sẽ tung đòn đáp trả. Phía Mỹ thời gian qua liên tục cáo buộc Huawei đánh cắp các bí mật thương mại Mỹ và hỗ trợ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Chính trị gia Đức kêu gọi EU ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp châu Âu

Ông Manfred Weber, lãnh đạo liên minh chính trị Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu, kêu gọi EU cảnh giác trước Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag ngày 17/5, ông Manfred Weber, lãnh đạo liên minh chính trị Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu, cho biết ông ủng hộ việc EU tuyên bố lệnh cấm 12 tháng đối với nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại công ty châu Âu.

"Chúng ta phải thấy rằng các công ty Trung Quốc, đa phần nhận được hỗ trợ từ quỹ nhà nước, đang cố mua lại những công ty châu Âu dễ bị thâu tóm hoặc đang gặp khó khăn về kinh tế vì đại dịch Covid-19", ông Weber nói.

Do đó, EU nên có phản ứng phù hợp và chấm dứt "tour mua sắm của người Trung Quốc" bằng cách áp dụng lệnh cấm 12 tháng đối với hoạt động mua lại các công ty châu Âu cho đến khi đại dịch qua đi, theo ông Weber. “Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình", ông Weber nói thêm.

Trung Quốc và EU đã tiến hành đàm phán về một thỏa thuận đầu tư toàn diện hồi năm 2013. Kể từ đó, hai bên tổ chức nhiều vòng đàm phán, thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thị trường đôi bên có lợi và môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Các lãnh đạo Trung Quốc và EU dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt bàn về thỏa thuận đầu tư toàn diện vào tháng 9, nhưng có nguy cơ phải hủy vì đại dịch Covid-19.

"Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta trong tương lai về kinh tế, xã hội và chính trị. Tôi xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của châu Âu, đại diện cho mô hình xã hội độc đoán, muốn mở rộng quyền lực và thay thế Mỹ để trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới”, ông Weber nói.

Riêng chính phủ Đức hồi tháng trước đã nhất trí siết chặt những quy định nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị nhà đầu tư từ những quốc gia ngoài EU thâu tóm.

Động thái này diễn ra giữa lúc Đức (có nền kinh tế lớn nhất châu Âu) và EU đang xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng.

Giới chức Đức từng gọi vụ Trung Quốc thâu tóm công ty robot Kuka ở bang Bavaria năm 2016 là “một lời cảnh tỉnh”, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những bộ phận chiến lược của nền kinh tế.

Vào năm 2018, Tập đoàn lưới điện Trung Quốc có kế hoạch mua cổ phần của công ty điều hành lưới điện 50Hertz ở Đức.

Ngân hàng quốc doanh Đức KfW đã vào cuộc để ngăn chặn kế hoạch của Tập đoàn lưới điện Trung Quốc sau khi chính phủ Đức không thể tìm được nhà đầu tư tư nhân thay thế ở châu Âu.

LÂM HOÀNG (t/h)

/bo-quoc-phong-neu-ca-nhan-doanh-nghiep-trung-quoc-so-huu-dat-dac-dia-tai-viet-nam.html