(LSO) - Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh tại một lớp học. Khi cả lớp đều giơ giấy khen trên tay thì một cậu bé ngồi lẻ loi, lạc lõng khi không có tờ giấy khen đó.
Hiện tại, chưa xác minh được nguồn gốc bức ảnh chụp ở địa phương nào. Cũng chưa thể khẳng định hình ảnh đó có phải được cắt ghép, nhưng bức ảnh này đã nói lên nhiều vấn đề về bệnh thành tích và áp lực từ người lớn lên trẻ nhỏ.
Phụ huynh, giáo viên là yếu tố lớn ảnh hưởng không chỉ đến tâm lý mà còn đến cả sự thành công của trẻ. Bệnh thành tích dường như vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong giáo dục nhiều năm qua.
Nhưng ở bức ảnh này, buồn nhiều hơn có lẽ là câu chuyện về thái độ ứng xử của người lớn. Ngay tại thời điểm bức ảnh được chụp, có thể thấy giáo viên đã thiếu nhân văn khi tung hô tập thể, và cũng thật xót xa cho cảm xúc của em học trò đó.
Sức ảnh hưởng của tờ giấy khen
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người lớn thường có suy nghĩ “mọi thứ đều thể hiện trên kết quả”, bởi vậy đặt nặng bằng cấp, khiến các em bị áp lực ngay trong chính môi trường sư phạm.
Ngày trước, việc nhận giấy khen là đặc quyền của các bạn học sinh giỏi và tiên tiến để phân loại học lực. Tuy nhiên, trong Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi thông tư 30 của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không cứ phải khen bằng giấy khen mà còn có nhiều cách khác, như: Khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp...
Như vậy, hiện nay, có thể thấy giấy khen chỉ còn là mặt hình thức, thậm chí trở thành "vật thể kỳ lạ". Trẻ coi giấy khen như tờ A4 gửi về cho bố mẹ, lâu ngày chẳng nhớ đã để nó ở đâu. Rõ ràng, trẻ không cần tờ giấy khen, mà cần một chứng nhận đã hoàn thành năm học.
Trước hình ảnh “cả lớp giơ giấy khen, mình em lẻ loi”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp - Giảng viên cao cấp khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã viết bức tâm thư gửi em học sinh "khác biệt" đó. Bức thư có đoạn: "Khi xem bức ảnh này, thầy thực sự bị sốc. Thầy buồn không phải vì em không được giấy khen mà vì người chụp ảnh, vì nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi (theo đúng nghĩa thực chất).
Đối với thầy, tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Những bạn được giấy khen không hẳn thông minh hơn em. Cuộc sống cho thấy, những người được nhiều giấy khen hồi học phổ thông chưa bảo đảm trong tương lai sẽ thành công hơn những người không được giấy khen”.
Ảnh hưởng tâm lý của trẻ từ áp lực của phụ huynh
Khi lớn lên, nhiều người vẫn hay đùa, kể lại với nhau về những giờ họp phụ huynh căng thẳng vì không được học sinh giỏi, tiên tiến, không được nhận giấy khen. Tuy nhiên, khi trưởng thành, đôi khi họ lại quên mất những cảm xúc thấp thỏm, lo âu thuở bé đó mà áp đặt lên con mình hiện tại.
Giấy khen cho học sinh ngày nay rõ ràng đã mất đi phần nào ý nghĩa. Nhận giấy khen, trẻ không vui, nhưng không nhận được giấy khen, trẻ khổ sở, tổn thương, lo lắng. Những đứa trẻ không được nhận giấy khen, thậm chí còn bỗng dưng như trở thành cá biệt.
Giấy khen rồi sẽ bị lãng quên theo thời gian. Tuy nhiên, tổn thương trong lòng học sinh nào đó ở bức ảnh sẽ còn lại mãi. Người lớn đánh giá năng lực của trẻ qua tờ giấy A4, không quan tâm điểm mạnh, điểm yếu của các con là gì. Chính tờ A4 này lại là lí do khiến các em mất hết sự thoải mái, vui vẻ và biến ngày tổng kết thành ngày đen tối.
Đừng “đào tạo” con trở thành một đứa trẻ mải miết chạy theo thành tích, chạy theo “KPI” do người lớn đặt ra. Hãy để trẻ được lớn, được học tập, vui chơi đúng với lứa tuổi của mình.
Xin được trích lại câu nói trong bức tâm thư của PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp: “Em đừng so sánh mình với những bạn được giấy khen. Các bạn đó hơn em ở kết quả học tập, nhưng có thể thua em ở lĩnh vực khác. Nếu em tặng cho các bạn đó cái bắt tay, cái ôm chúc mừng chân tình thì thật tuyệt. Em hãy nói, năm học tới tớ sẽ cố gắng và các bạn giúp tớ nhé... Em cũng nên nói với cha mẹ rằng, cha mẹ đừng buồn phiền, lo lắng khi em không có giấy khen. Hãy hứa với cha mẹ em sẽ cố gắng học tập tốt, nhưng không phải vì tờ giấy khen”.
NGỌC VÂN