LSVNO – Một số án lệ đã công bố và được áp dụng trong thực tiễn cho thấy có sự mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hiện hành, dẫn đến việc “lúng túng” trong quá trình giải quyết vụ án của một số tòa án, cần được xem xét hủy bỏ theo tinh thần của Nghị quyết 03/2015/NĐ-HĐTP, trong đó có án lệ số 08/2016/AL.
Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về “Quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2015, đánh dấu một bước tiến mới trong việc nâng cao năng lực của tòa án và áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Từ đó đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành lựa chọn, thông qua và công bố hơn 10 án lệ, góp phần lớn vào hiệu quả của công tác xét xử trong thời gian qua.
Tuy nhiên, một số án lệ đã công bố và được áp dụng trong thực tiễn cho thấy có sự mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hiện hành, dẫn đến việc “lúng túng” trong quá trình giải quyết vụ án của một số tòa án, cần được xem xét hủy bỏ theo tinh thần của Nghị quyết 03/2015/NĐ-HĐTP, trong đó có án lệ số 08/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/12/2016.
Nội dung của án lệ số 08/2016/AL như sau:
Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng cho vay theo quyết định của tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay”.
Ảnh minh họa.
Mục đích của việc áp dụng án lệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử của tòa án, áp dụng thống nhất pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL trong quá trình xét xử ở các tòa án đang xảy ra nhiều lúng túng, bất cập và mâu thuẫn.
Ví dụ 1:
Ngày 04/3/2015, ông Trịnh Hoàng P. và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T. (Công ty Tài chính) ký kết hợp đồng tín dụng số 20141121-142003-0001 vay số tiền 37.128.704 đồng với lãi suất 4,59%/tháng để tiêu dùng cá nhân, trả chậm trong vòng 24 tháng. Thực hiện hợp đồng, ông P. đã trả cho Công ty Tài chính số tiền 10.340.000 đồng, kể từ ngày 01/02/2016 ông P. không tiếp tục thanh toán cho Công ty Tài chính.
Công ty Tài chính khởi kiện ông P. ra Tòa án nhân dân thành phố H., tỉnh Q. để giải quyết.
Quan điểm giải quyết vụ án 1:
Tòa án nhân dân thành phố H., tỉnh Q. tiến hành xét xử và tuyên buộc:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty Tài chính đối với bị đơn - ông Trịnh Hoàng P..
2. Buộc ông Trịnh Hoàng P. phải thanh toán cho Công ty Tài chính số tiền nợ vay là 51.678.000 đồng; trong đó, nợ gốc là 33.044.065 đồng và nợ lãi là 18.633.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (12/8/2017), ông Trịnh Hoàng P. còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
Quan điểm giải quyết vụ án 2:
Tòa án nhân dân thành phố H., tỉnh Q. tiến hành xét xử và tuyên buộc:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty Tài chính đối với bị đơn - ông Trịnh Hoàng P..
Buộc ông Trịnh Hoàng P. phải thanh toán cho Công ty Tài chính số tiền nợ vay là 51.678.000 đồng; trong đó, nợ gốc là 33.044.065 đồng và nợ lãi là 18.633.000 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty Tài chính có đơn yêu cầu thi hành án mà người thi hành án không thi hành thì phải chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
Qua ví dụ 1 có thể thấy, hiện nay việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL ở các tòa án đang không thống nhất đối với cùng một quan hệ, nội dung tranh chấp. Vậy áp dụng quan điểm nào để giải quyết vụ án? Tác giả xin phân tích một số khía cạnh của án lệ số 08/2016/AL để làm rõ vấn đề trên như sau :
Thứ nhất, về thời gian tính lãi chậm thi hành án
Với nội dung án lệ số 08/2016/AL thì khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc” được hiểu là nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của tòa án hay còn gọi là lãi suất chậm thi hành án.
Tuy nhiên, nếu theo nội dung án lệ này thì thời gian tính lãi suất chậm thi hành án là chưa phù hợp. Bởi lẽ, thời gian tính lãi suất chậm thi hành án phải được hiểu là thời gian kể từ khi bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) mà người phải thi hành án không thi hành án cho đến khi thi hành án xong.
Thứ hai, về cách tính lãi chậm thi hành án
Theo nội dung của án lệ số 08/2016/AL thì cách tính lãi suất chậm thi hành án được tính như sau:
(i) Lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.
(ii) Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất chậm thi hành án được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 lại quy định như sau:
“Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Theo quan điểm của tác giả thì tính lãi suất chậm thi hành án theo án lệ số 08/2016/AL là chưa hợp lý mà phải áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, bởi các lẽ sau :
- Lãi suất chậm thi hành án không thể áp dụng lãi suất mà các bên thỏa thuận theo hợp đồng tín dụng bởi khi đã có quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ giữa các bên theo hợp đồng đã chấm dứt và làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện việc thi hành án. Do đó, việc chậm thi hành án của người phải thi hành được coi là việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên phải áp dụng Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 mới phù hợp.
- Lãi suất của các hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng hiện nay rất cao, có trường hợp lên 60%/năm khiến người vay phải “gồng lưng” để trả nợ và đang là vấn đề gây nhức nhối hiện nay trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Do vậy, việc áp dụng lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ tạo nên sức ép và gánh nặng rất lớn cho người vay cũng như khả năng thi hành án.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Trường hợp do có sự thay đổi của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ”. Do đó, đối với vấn đề tính lãi chậm thi hành án nêu trên thì luật áp dụng để điều chỉnh là Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
Như vậy, khi tính lãi suất chậm thi hành án thì lãi suất chậm thi hành án được xác định sẽ do thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất 20%/năm và nếu không có thỏa thuận thì theo mức lãi suất 10%/năm của số tiền còn phải thi hành án.
Kiến nghị, đề xuất
Qua phân tích ở trên, có thể thấy việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL đang gây ra sự bất nhất trong việc giải quyết vụ án và không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành cũng như “tinh thần” tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đang được đưa ra lấy ý kiến.
Vì vậy, căn cứ Điều 9 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét hủy bỏ án lệ số 08/2016/AL.
Lê Xuân Cảnh