Vai trò của luật sư trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Cách tiếp cận của luật sư trong hòa giải, đối thoại rất quan trọng trong việc đạt được các giải pháp để giải quyết tranh chấp, vì luật sư có sự ảnh hưởng lớn đến quá trình và sự thành công của hòa giải, đối thoại(1). Văn hóa xung quanh việc thực hành pháp luật và thái độ của luật sư đối với các cách thức tiến hành giải quyết tranh chấp là rất quan trọng(2). Luật sư có thể nắm bắt được các triết lý cơ bản của phần lớn hoạt động hòa giải, đối thoại và tham gia vào việc hợp tác để giải quyết các vấn đề theo định hướng không mang tính chất đối nghịch(3). Tuy nhiên, bên cạnh đó luật sư cũng có thể cản trở khả năng giải quyết tranh chấp bằng cách áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền và đối kháng trong hòa giải, đối thoại(4). Hiện nay, sự tham gia của luật sư vào các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và đặc biệt là hòa giải, đối thoại ngày càng trở thành một phần tiêu chuẩn của thực tiễn pháp lý(5).
Luật sư có vai trò chủ động trong việc hòa giải, đối thoại nên họ biết rõ quy trình hòa giải, đối thoại; cũng như vai trò tích cực của họ khi hỗ trợ các bên trong hòa giải, đối thoại. Vai trò của luật sư bắt đầu ngay cả trước khi vụ việc được giải quyết tại Tòa án và tiếp tục trong suốt quá trình hòa giải, đối thoại và thậm chí cả sau đó, cho dù tranh chấp đã được giải quyết hay chưa(6).
(i) Giai đoạn tiền hòa giải, đối thoại:
Khi một bên phát sinh tranh chấp họ sẽ tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư. Trước tiên, luật sư cần xác định cơ chế ADR nào phù hợp nhất cho tranh chấp(7). Bởi lẽ, đa số các bên không biết nhiều về quy trình hòa giải, đối thoại. Do đó, nhiệm vụ của luật sư là tư vấn cho các bên về quy trình, lợi ích của hòa giải, đối thoại và làm cho họ hiểu lý do tại sao nên hòa giải, đối thoại trước khi khởi kiện. Các bên phải được thông báo rằng trong các tranh chấp, hòa giải, đối thoại sẽ giúp củng cố và khôi phục các mối quan hệ.
Theo Michael Noone(8), ngay từ đầu thì vai trò của luật sư là vai trò tư vấn, hoàn toàn khác với vai trò của luật sư trong tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên, dù luật sư với vai trò nào, thì các bên luôn là người kiểm soát nội dung và chiếm vị trí trung tâm của giai đoạn hòa giải, đối thoại, nơi các bên trở thành người đàm phán chính. Về cơ bản, trước khi hòa giải, đối thoại, vai trò của luật sư gồm các nhiệm vụ sau: giúp các bên lựa chọn hòa giải viên; tư vấn cho thân chủ về quy trình hòa giải, đối thoại; tóm tắt cho thân chủ trong việc trình bày tại phiên hòa giải, đối thoại; chuẩn bị bản tóm tắt về vụ việc để gửi cho hòa giải viên và các bên khác; tiến hành đánh giá thực tế về điểm mạnh và điểm yếu trong lập luận về vụ việc của thân chủ mình…
Tại Sigapore, luật sư có nghĩa vụ tư vấn cho khách hàng về những cách khác nhau mà tranh chấp của họ có thể được giải quyết bằng cách sử dụng một hình thức ADR thích hợp(9). Điều này được hỗ trợ bởi hướng dẫn của Tòa án Tối cao(10), trong đó nêu rõ luật sư có nghĩa vụ giải thích những lợi ích của hòa giải, đối thoại, quy trình và những gì có thể đạt được ngoài những biện pháp khắc phục có sẵn thông qua Tòa án(11). Vào năm 2016, khi Hướng dẫn thực hành của Tòa án tối cao được sửa đổi đã quy định nghĩa vụ nghề nghiệp của luật sư là người tư vấn cho khách hàng của họ về các cách giải quyết tranh chấp khác nhau bằng cách sử dụng ADR(12); họ cũng phải tư vấn cho khách hàng của mình về các yêu cầu chi phí bất lợi tiềm ẩn do từ chối tham gia ADR(13). Đồng thời, để kiểm tra việc lạm dụng quy trình đề nghị ADR, vào năm 2017, Quy tắc nghề nghiệp pháp lý (Ứng xử chuyên nghiệp) đã được sửa đổi để bảo đảm rằng các cuộc hòa giải, đối thoại được tiến hành một cách thiện chí và các thủ tục tố tụng không bị lạm dụng bởi luật sư(14).
(ii) Giai đoạn hòa giải, đối thoại: Vai trò của luật sư trong giai đoạn này rất quan trọng, nhưng vai trò này có thể mang tính xây dựng hoặc phá hủy tùy thuộc vào hành vi của luật sư. Nó có thể mang tính xây dựng nếu luật sư giữ thái độ tích cực và thể hiện niềm tin vào quá trình hòa giải, đối thoại. Đối với luật sư, các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ hài lòng của họ là hiệu quả của hòa giải viên, tính vô tư của hòa giải viên và năng suất của quá trình(15).
Luật sư phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của hòa giải, đối thoại được giải thích bởi hòa giải viên và khuyên các bên đương sự cũng phải tuân thủ chúng. Luật sư phải đánh giá các trường hợp các bên thay đổi lập trường, cách tiếp cận, yêu cầu và mức độ thỏa thuận. Luật sư cũng phải giải thích cho khách hàng của mình và làm cho họ hiểu rõ mọi điều khoản của thỏa thuận hòa giải, đối thoại thành. Mặc dù các bên nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ của luật sư và hòa giải viên nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của các bên.
Ở Singapore, việc luật sư tham gia vào hòa giải, đối thoại rất phổ biến. Bởi lẽ, tại biểu mẫu giải quyết tranh chấp thay thế của Tòa án(16), luật sư đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cụ thể: luật sư được lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án và điền đầy đủ các thông tin này tại biểu mẫu mà Tòa án quy định. Đồng thời, luật sư phải có nghĩa vụ “tư vấn cho khách hàng về những ưu và nhược điểm của từng lựa chọn ADR”(17).
(iii) Giai đoạn sau hòa giải, đối thoại: Nếu các bên không đạt được thỏa thuận hòa giải, đối thoại thành, luật sư phải hướng dẫn các bên tiếp tục khởi kiện theo trình tự, thủ tục của tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Nếu việc giải quyết giữa các bên đã đạt được thỏa thuận trước hòa giải viên, luật sư có nhiệm vụ kiểm tra xem thỏa thuận giải quyết đó có bảo vệ được lợi ích của khách hàng hay không. Luật sư cũng phải hợp tác với Tòa án trong việc thi hành quyết định đã được thông qua.
Với tư cách là người nắm bắt được các nội dung tranh chấp và hiểu rõ các quy định của pháp luật, sự tham gia của luật sư sẽ giúp cho việc giải quyết vấn đề được thuận lợi hơn. Đồng thời, luật sư cũng có thể là người hỗ trợ cho các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại. Sau các buổi hòa giải, đối thoại, luật sư cũng sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại. Thực tế đến nay cho thấy, tất cả các tỉnh, thành phố ở nước ta đều có Đoàn Luật sư, thuộc sự quản lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với đội ngũ trên 13.000 Luật sư. Tính riêng ở Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, có gần 6.000 Luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có trên 3.800 Luật sư(18). Hiện nay, nhu cầu về lĩnh vực pháp lý ngày càng nhiều, vụ việc có sự tham gia của luật sư ngày càng tăng và chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư ngày càng được nâng cao.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, vai trò của luật sư trong hòa giải, đối thoại rất quan trọng; do đó luật sư cần tham gia vào quy trình hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Luật HGĐTTTA) nhằm giúp hòa giải, đối thoại đạt được hiệu quả hơn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Quy định của pháp luật về sự tham gia của luật sư trong hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Điều 16 Luật HGĐTTTA quy định về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên như sau:
1. Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính.
2. Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của Luật này thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn hòa giải viên theo quy định của Luật này.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu tại khoản 3 Điều này phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp, Tòa án xử lý như sau:
a) Phân công thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại;
b) Chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại;
“1. Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính.
2. Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của Luật này thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn hòa giải viên theo quy định của Luật này.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu tại khoản 3 Điều này phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp, Tòa án xử lý như sau:
a) Phân công thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại;
b) Chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại;
c) Thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn hòa giải viên nếu người này chưa có ý kiến trả lời…
Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT- TANDTC ngày 16/11/2020 của Tòa án nhân dân Tối cao quy định chi tiết về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên như sau:
“1. Khi nhận được đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để chánh án xử lý đơn như sau:
a) Phân công thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính;
b) Thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn hòa giải viên theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này”.
Tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HGĐTTTA quy định các bên có quyền trực tiếp hoặc thông qua người đại diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này tham gia hòa giải, đối thoại.
Thành phần phiên hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 Luật HGĐTTTA gồm có: hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết. Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 28 Luật HGĐTTTA quy định thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm có: hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc thẩm phán khác do chánh án Tòa án phân công. Việc ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này.
Thành phần phiên hòa giải, đối thoại chỉ có hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; người được mời. Đồng thời, thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại chỉ có hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc thẩm phán khác. Đối với luật sư chỉ được tham gia hoạt động hòa giải, đối thoại với tư cách là người đại diện theo ủy quyền, nếu được các bên đương sự ủy quyền. Trong trường hợp vụ việc tranh chấp được hòa giải, đối thoại không thành theo Luật HGĐTTTA(19), và nếu vụ việc tiếp tục được thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì khi đó luật sư mới được tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự(20), Luật Tố tụng hành chính(21).
Vấn đề đặt ra là tại thời điểm Tòa án có thẩm quyền xác nhận đơn khởi kiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện có được nhờ Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay không? Luật sư tiến hành các hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật HGĐTTTA với tư cách gì?
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành(22), đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Trình tự, thủ tục mà Tòa án xử lý đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 Luật Tố tụng hành chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 Luật Tố tụng hành chính. Điều đó có nghĩa là khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền thì họ có quyền mời luật sư tham gia tố tụng trong các vụ việc tranh chấp với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, khi Tòa án chuyển vụ việc qua trung tâm hòa giải, đối thoại và giải quyết theo Luật HGĐTTTA(23) thì luật sư không còn tham gia trong vụ việc đó với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, mà chỉ được tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền. Ví dụ: Ông A. khởi kiện ông B. tại Tòa án nhân dân huyện M. về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Tòa án tiến hành xem xét đơn khởi kiện, xác nhận việc nhận đơn khởi kiện của ông A. theo quy định, ông A. đã nhờ Luật sư K. là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông A. trong vụ án nêu trên. Luật sư K. đã nộp hồ sơ tham gia là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông A. theo đúng quy định. Do vụ án của ông A. đủ điều kiện hòa giải theo khoản 5, 6 Điều 16 Luật HGĐTTTA nên Tòa án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật HGĐTTTA; hòa giải viên tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 25 Luật HGĐTTTA. Tuy nhiên, lúc này Luật sư K. không còn tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông A. Nếu Luật sư K. muốn tiếp tục tham gia vụ án thì Luật sư K. và ông A. phải làm hợp đồng ủy quyền và Luật sư K. sẽ tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền.
Qua đó, có thể thấy giữa Luật HGĐTTTA với Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính chưa có sự thống nhất về việc tham gia của luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong việc giải quyết các vụ án; cũng như chưa phát huy được những ưu điểm của việc luật sư hỗ trợ đương sự tham gia giải quyết tranh chấp, bởi lẽ, kể từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền thì người khởi kiện có quyền mời luật sư tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Luật sư cũng được quyền tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự “từ khi khởi kiện” theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự và điểm a khoản 6 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, khi vụ việc được chuyển sang hòa giải, đối thoại theo Luật HGĐTTTA thì tư cách tham gia tố tụng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư sẽ không còn. Do đó, cần bổ sung “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” vào quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 và khoản 1 Điều 28 Luật HGĐTTTA quy định về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải.
(1) Julie Macfarlane, The New Lawyer: How Settlement Is Transforming the Practice of Law (University of British Columbia Press, 2008) p.1.
(2) National Alternative Dispute Resolution Advisory Committee, The Resolve to Resolve: Embracing ADR to Improve Access to Justice in the Federal Jurisdiction (September 2009) p.136.
(3) Donna Cooper, “The “New Advocacy”: Dispute Resolution Advocacy and the Emergence of the Role of Lawyer Representatives in Negotiation, Mediation and Conciliation Processes’ (2013) 24 Australasian Dispute Resolution Journal 178; Justice Michael Pembroke, “Dancing to a New Tune’ (2013) 51(5) Law Society Journal 52; Tom Fisher, Judy Gutman and Erika Martens, “Why Teach ADR to Law Students? Part 2: An Empirical Survey’ (2007) 17 Legal Education Review 67.
(4) Role of lawyers and parties in mediation, https://viamediationcentre.org/readnews/MzE4/Role-of-lawyers-and-parties-in- Mediation, ngày 13/4/2024.
(5) Goldberg, S, F. Sander and N. Rogers (1992), “Dispute Resolution, Negotiation, Mediation and Other Processes” (2nd ed., Little Brown & Company, Boston), p.435.
(6) Noone. Michael (1996), Mediation, Cavendish Publishing, London.
(7) State Courts Practice Directions 2021, Form 6 (Court ADR Form), https://epd2021--statecourts-judiciary-gov-sg.translate. goog/appendices?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc&_x_tr_hist=true, ngày 28/3/2024.
(8) In the state courts of the republic of Singapore state courts practice directions 2021 amendment no. 6 of 2023, https://www. judiciary.gov.sg/docs/default-source/Amendments-docs/2023/state-courts-amendment-no-6-of-2023-(practice-directions-2021), ngày 28/3/2024.
(9) Dorcas Quek Anderson (2021), “The development of mediation for civil disputes in mediation in singapore: A practical guide 313, 332”, (Danny McFadden and George Lim SC eds, Sweet & Maxwell, 3d ed.
(10) https://www.judiciary.gov.sg/docs/default-source/news-docs/use-of-mediation-within-the-courts.pdf, p.23, ngày 06/4/2024.
(11) Tlđd số 12, p.24.
(12) Tlđd số 12, p.24.
(13) Christina Ooi Su Siang (2017), “Mediation and the courts on settlement of disputes: An analysis on legislating courtdirected mediation in Malaysia”, thesis submitted in fulfilment of the requirements for the degree of doctor of philosophy, faculty of law University of Malaya Kuala Lumpur, p. 115.
(14) Tlđd số 9.
(15) Tlđd số 9.
(16) Nguyễn Bảo Trâm, Góp ý dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án: cần phát huy thêm sự tham gia của luật sư, http://www. hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?language=&CatPK=4&NewsPK=954, ngày 28/3/2024.
(17) Tlđd số 9.
(18) Nguyễn Bảo Trâm, Góp ý dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại tòa án: cần phát huy thêm sự tham gia của luật sư, http://www. hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?language=&CatPK=4&NewsPK=954, ngày 28/3/2024.
(19) Điều 40, 41 Luật HGĐTTTA.
(20) Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự năm quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
(21) Điều 61 Luật Tố tụng hành chính quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
(22) Xem quy định tại khoản khoản 13 Điều 70, điểm a khoản 2 Điều 75, khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 13 Điều 55 và điểm a khoản 6 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính.
(23) Khoản 4 đến khoản 8 Điều 16 Luật HGĐTTTA.