/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vay tiền qua app trực tuyến: Pháp luật còn nhiều ‘lỗ hổng’

Vay tiền qua app trực tuyến: Pháp luật còn nhiều ‘lỗ hổng’

22/06/2021 04:05 |

(LSVN) - Do cơ chế quản lý vẫn đang trong thời gian xây dựng nên cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở pháp lý nào để xử lý hoạt động cho vay qua App trực tuyến của các công ty công nghệ. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của xã hội.

Ảnh minh họa. 

Hiện nay, tình trạng vay tiền qua App trực tuyến diễn ra rất phổ biến. Vay tiền qua App thực chất là một hình thức cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh chóng trong lĩnh vực này dẫn đến sự không theo kịp của hành lang pháp lý.

Thực tế có thể xảy ra tình trạng các công ty cung cấp App công nghệ dùng chính tiền của mình cho người dân vay. Nhưng do cơ chế quản lý vẫn đang trong thời gian xây dựng nên cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở pháp lý nào để xử lý hoạt động cho vay qua App của các công ty công nghệ. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của loại hình cho vay này, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị cho vay qua App là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện việc này đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cùng chính quyền địa phương để xác định ai là người cho vay và việc cho vay được thực hiện theo đúng quy định pháp luật hay không.

Bên cạnh đó, hoạt động cho vay qua App hiện chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng chuyên ngành. Hiện nay, chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành về hoạt động quản lý các App cho vay trực tuyến của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát, để ban hành các quy định chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động trên. Vấn đề quản lý cho vay qua App có thể căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về cho vay nặng lãi (Điều 468) và Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (Điều 201) để quản lý hoạt động cho vay qua App.

Các cơ quan chức năng cũng cần sớm có văn bản hướng dẫn, có chế tài, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ cho người vay và cả nhà đầu tư vào các ứng dụng để mô hình cho vay qua App hoạt động không trái với quy định của pháp luật. Sự chậm trễ trong việc quản lý hình thức cho vay này có thể gây nên rủi ro hệ thống và sự bất ổn cho kinh tế - xã hội.

Tổ chức tín dụng khi cho vay qua các App cũng phải có trách nhiệm như đối với hình thức cho vay tín chấp khác. Tổ chức tín dụng có các trách nhiệm cơ bản như Chuyển giao tiền vay đầy đủ, đúng hạn như trong thỏa thuận giao dịch cho khách hàng vay sử dụng (nghĩa vụ giải ngân); Kiểm tra, giám sát việc trả nợ của khách hàng; Có hợp đồng tín dụng bằng văn bản xác lập thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.

Ngoài ra, nội dung của hợp đồng tín dụng phải gồm điều khoản về điều kiện vay vốn, về đối tượng hợp đồng, thời hạn sử dụng vốn vay, về phương thức thanh toán tiền vay, điều khoản về mục đích sử dụng tiền vay, về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Luật gia LÊ THỊ THƯƠNG

Công ty Luật Trung Nguyễn

‘Tín dụng đen’ biến tướng

Lê Minh Hoàng