/ Góc nhìn
/ Vay tiền trực tuyến nở rộ: Thêm bẫy tín dụng đen trá hình?

Vay tiền trực tuyến nở rộ: Thêm bẫy tín dụng đen trá hình?

05/01/2021 17:53 |4 năm trước

LSVNO - Thời gian gần đây, loại hình cho vay online xuất hiện ngày càng nhiều, từ mạng xã hội đến những trang web “chuyên” cho vay tiền nhanh. Việc sử dụng công nghệ thông tin kết nối người có vốn...

LSVNO - Thời gian gần đây, loại hình cho vay online xuất hiện ngày càng nhiều, từ mạng xã hội đến những trang web “chuyên” cho vay tiền nhanh. Việc sử dụng công nghệ thông tin kết nối người có vốn và người cần vốn mà không cần qua ngân hàng đang nở rộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với loại hình này cần có hướng đi đúng, tránh tín dụng đen trá hình …

Ảnh minh họa.

Các trang web cho vay trực tuyến mới này thường áp dụng hình thức cho vay ngang hàng P2P (peer to peer). Hình thức cho vay này được chào mời với nhiều tiện ích như: thủ tục cho vay đơn giản, không cần nhiều giấy tờ, tư vấn hỗ trợ, làm hồ sơ vay trực tuyến, giải ngân nhanh ngay trong ngày, lãi suất cố định... Tuy nhiên, hiện nay pháp luật ở Việt Nam chưa có quy định nào về kiểm soát rủi ro khi vay ngang hàng nên người vay có thể gặp nhiều rủi ro, nhất là vay với lãi suất cao không khác gì tín dụng đen.

Khi chúng ta gõ từ khóa như “vay tiền trực tuyến”, “vay tiền online”, “vay trong ngày”… trên Google thì hàng loạt các trang web cho vay tiền trực tuyến sẽ hiện ra, cụ thể như: doctordong.vn, monily.vn, moneybank.vn, vaymuon.vn, tima.vn, clickvay, ATMonline.vn, cashwagon.vn...

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến cáo người vay cần tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy tín dụng đen của những đơn vị cho vay chưa được công nhận hợp pháp. Trước mắt về mặt pháp lý, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để huy động vốn và cho vay là bất hợp pháp. Hiện tại, trong hệ thống tài chính Việt Nam chỉ có ngân hàng thương mại và công ty tài chính có quyền huy động vốn từ các thành phần xã hội. Đặc biệt, chỉ ngân hàng được huy động vốn không kỳ hạn. Như vậy, những doanh nghiệp dùng điện thoại thông minh để huy động vốn từ người dân là hoạt động không hợp pháp. Còn về cho vay, hiện tại không có luật nào cấm người dân cho nhau vay, cũng không có luật nào cấm 1 công ty đứng ra làm môi giới giữa 2 người cho nhau vay. Bên cạnh đó, với hình thức cho vay trực tuyến phù hợp với xu hướng của thời đại công nghệ 4.0, các công ty cho vay theo kiểu công nghệ ngày càng nhiều, tiếp cận người dân ngày càng dễ hơn. Hiện nay ở các nước phát triển cũng có tình trạng này nên đây là hiện tượng rất đáng lo nếu nước ta không có khung pháp lý để điều chỉnh.

Như vậy, có thể thấy dịch vụ cho vay online này khá đơn giản, họ yêu cầu là công dân từ 18 - 60 tuổi, đang sống và làm việc tại Hà Nội hoặc có hộ khẩu nội thành tại TPHCM. Họ cũng không hề xác minh về nhân thân, nguồn thu nhập hàng tháng, khả năng thanh toán… để đưa ra mức điểm tín dụng cho khách hàng. 

Cho vay tiền qua mạng dù mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng trở thành dịch vụ hot trên thị trường nước ta. Người dùng chỉ cần truy cập vào trang mạng hoặc tải phần mềm ứng dụng cho vay về điện thoại là có thể thực hiện việc vay mượn được tiền mặt.

Trong vai người cần vay tiền, PV vào trang “Vay tiền nóng online không cần gặp mặt” thì chúng tôi được tư vấn gói cho vay tối đa 3 triệu đồng, chỉ cần chụp ảnh giấy chứng minh nhân dân và 3 phút điền hồ sơ theo mẫu trên trang web, nhận tiền nhanh trong vòng 24 giờ bằng cách chuyển khoản vào thẻ ATM...

Nếu hợp đồng được duyệt, sau khoảng thời gian ngắn khách hàng có thể nhận được tiền vay tại những điểm giao dịch thanh toán điện tử hoặc cũng có thể nhận tiền mặt, chuyển khoản. Các trang web này thường đưa ra lãi suất vào khoảng 1-1,3%/ngày.

Theo thông tin trên website doctordong.vn thì hiện có gần 5 triệu người đã đăng ký vay. Với lãi suất vay vốn ở website này vào khoảng 1,3%/ngày tức lãi suất mỗi năm lên đến gần 500%. Đơn cử, với khoản vay 3 triệu đồng trả trong vòng 30 ngày, số tiền cả gốc và lãi người vay dự kiến phải thanh toán là gần 4,2 triệu đồng. Còn với khoản vay 10 triệu đồng và vẫn thanh toán trong vòng 30 ngày, sau khi trả đủ gốc và lãi thì số tiền người vay dự kiến phải trả khoảng 13,9 triệu đồng.

Khác với các mô hình cho vay truyền thống là quan hệ giữa ngân hàng hay tổ chức tín dụng với khách hàng. Hình thức P2P là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có tiền với các cá nhân cần tiền nhưng không tiếp cận được với ngân hàng. Đây là một hình thức cho vay phát sinh trong thời đại công nghệ.

Thời gian qua, vì thủ tục vay đơn giản nên nhiều người chọn vay qua các kênh online như mạng xã hội, những trang web cho vay trực tuyến. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật thông tin, tính pháp lý khi vay vốn...

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về kiểm soát rủi ro đối với hình thức vay ngang hàng (P2P). Do đó, người tham gia vay ngân hàng cần thận trọng vì nếu xảy ra rủi ro cho các bên tham gia mô hình này thì sẽ khó được giải quyết quyền lợi.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, để phòng chống tín dụng đen trong quá trình tổ chức điều hành của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục rà soát, bổ sung quy định về cho vay, chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng. Đồng thời, mở rộng các kênh cho vay chính thức. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động tại khu vực vùng sâu, vùng xa, tiếp cận người dân nghèo, các đối tượng có thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa.

Để đảm bảo lợi ích, người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn, nên tìm đến các tổ chức cho vay có uy tín, trong đó có các ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động để tránh tín dụng đen, lãi suất cao.

Minh Sơn – Tuấn Hải