Phạt rồi hợp thức hóa
Nơi làm nghiêm thì buộc tháo dỡ phần sai phạm ngay cả những công trình nhỏ, nhờ đó có tính răn đe và giảm hẳn các vi phạm xây dựng sau đó.
Nơi hành xử hình thức, ban hành quyết định phạt, làm ngơ để tồn tại, từ đó sửa đổi để hợp thức hoá cho sai phạm và pháp luật bị xem thường. Dĩ nhiên sau đó xuất hiện càng nhiều trường hợp vi phạm xây dựng hơn.
Vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua với vô vàn các kiểu “lách luật” để vi phạm:
“Chung cư cao cấp My House” nằm trên đường Phú Hữu (thôn 1, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất) xây sai phép có quy mô 09 tầng, với 160 căn hộ.
Ở Hà Nội, đối với các công trình xây dựng riêng lẻ, thuật ngữ dùng để “lách luật” trong Giấy phép Xây dựng (GPXD) thường được sử dụng như “05 tầng – 01 lửng – 01 tum, 05 tầng – 01 hầm – 01 bán hầm – 01 lửng – 01 tum…” không khó để bắt gặp nhằm hợp thức việc điều chỉnh quy hoạch chung từng khu vực. Thực chất, số tầng được ghi trong GPXD là số tầng tối đa được phép xây dựng theo quy hoạch của mỗi khu vực. Với việc các công trình xây dựng được vẽ thêm các thiết kế với công năng phụ trợ như “bán hầm, lửng, tum” sẽ nghiễm nhiên được hiểu là thêm tầng...
Nói đến đây chắc hẳn chưa một ai quên vụ cháy “chung cư mini” mới đây tại số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Theo đó, năm 2015 UBND quận Thanh Xuân đã cấp GPXD cho công trình này là nhà ở riêng lẻ. Diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4m2, mật độ xây dựng 70%. Công trình có chiều cao 06 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật; tổng diện tích sàn xây dựng là 1165,9m2; tổng chiều cao công trình là 20,2m (không tính tum thang). Nhưng sau thảm họa kinh hoàng, các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới lộ ra “chung cư mini” này xây dựng 09 tầng, vượt 03 tầng so với GPXD được cấp.
Rồi mới đây, báo chí phản ánh về “chung cư mini” không phép, xây dựng trên đất ở nông thôn mang tên My Home ở thôn 1, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất quy mô "khủng" lên đến 09 tầng với 160 căn hộ, không khác gì một dự án nhà ở xã hội. Tại tầng 1 là hầm để xe, tầng 2 là siêu thị, bếp ăn và một số căn hộ, từ tầng 3 đến tầng 8 là căn hộ cho thuê, tầng 9 là quán cà phê và một số căn hộ, vì rộng lớn nên chung cư này còn có hẳn một trạm biến áp riêng. Trước đó, hồi tháng 3/2023, UBND xã Tân Xã lập biên bản VPHC do tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD và xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng. Sau đó, huyện Thạch Thất đã cấp giấy phép xây dựng 03 tầng + tum, diện tích tầng 1 là 150m2, tổng diện tích sàn gần 492m2, mật độ xây dựng 20,7% nhưng hiện tại công trình được xây dựng gần như hết đất. Điều đáng nói, sau khi được cấp phép, công trình vẫn tiếp tục xây dựng sai phép với quy mô còn “phình ra” to hơn.
Tháng 6/2023, UBND huyện Thạch Thất có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó yêu cầu buộc phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm không phù hợp với GPXD được cấp. Tuy nhiên, tại quyết định này cũng không ghi rõ thời gian thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm. Sau đó, ngày 26/6/2023, huyện Thạch Thất lại có quyết định thu hồi GPXD đối với công trình này với lý do chủ công trình không khắc phục việc xây dựng sai với GPXD. Như vậy, từ công trình không phép, sau khi được huyện Thạch Thất cấp phép (người ta hoài nghi rằng để “hợp thức” sai phạm) thì đến nay tòa nhà “Chung cư cao cấp My House” với quy mô 09 tầng lại trở về là công trình không phép. Hiện công trình đã dần được đưa vào sử dụng và quảng cáo, giới thiệu để tìm kiếm khách thuê. Theo thông tin PV có được, dự kiến tháng 11 này sẽ cho người thuê vào ở.
Hay như công trình số 20 ngõ 69 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Mặc dù xây dựng sai phép, quận đã ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ một loạt hạng mục sai phép khi đang thi công phần thô (năm 2020) nhưng đến nay đã 3 năm trôi qua chẳng những không được xử lý triệt để mà còn được chủ nhà hoàn thiện để đưa vào khai thác và sử dụng mặc cho người dân liên tục tố cáo.
Người dân tố cáo về hành vi xây dựng trái phép đối với chủ công trình số 20 ngõ 69 Thụy Khuê bức xúc: “Chắc công trình sai phép này phải được chống lưng mới bất chấp “ung dung” tồn tại như vậy”.
Ở nhiều địa phương, ban đầu chỉ vài căn nhà xây trái phép, chính quyền địa phương chỉ phạt rồi để tồn tại, nhiều người "ăn theo" đã xây dựng tổng cộng cả trăm căn nhà trái phép và tồn tại trong nhiều năm qua.
Nhiều công trình xây trái phép, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định cưỡng chế nhưng khá lâu vẫn chưa thực hiện.
Nhiều trường hợp xây trái phép chỉ phạt rồi để tồn tại, ban hành quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện làm cho người dân hoài nghi có sự móc ngoặc giữa người vi phạm với cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ.
Nhiều vụ đã có kết luận của cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền nhưng chính quyền địa phương để kéo dài qua nhiều năm.
Có nơi còn đề xuất xử lý theo hình thức phạt rồi để tồn tại, sau đó điều chỉnh hợp thức hóa.
Quần thể kiến trúc sai phạm của ông Chu Văn Tý tại khu vực Suối Láo, xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Mới đây nhất, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đăng tải bài viết “Đà Bắc – Hoà Bình: Cần cương quyết xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, tránh hợp thức hoá sai phạm”. Theo đó, vi phạm xảy ra tại công trình có quy mô lớn của gia đình ông Chu Văn Tý, vi phạm này đã được kết luận tại các biên bản kiểm tra và báo cáo của UBND xã Cao Sơn gửi đến UBND huyện Đà Bắc, Phòng TN&MT huyện Đà Bắc. Đặc biệt, UBND xã Cao Sơn đã ban hành đến 04 Quyết định VPHC, các biên bản xử phạt VPHC đều buộc ông Chu Văn Tý phải thực hiện việc tháo dỡ các công trình vi phạm và khôi phục lại tình trạng đất trước vi phạm. Thế nhưng, ông Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn lại “hồn nhiên” cho biết: Hiện công trình vi phạm của gia đình ông Chu Văn Tý đã “tạm dừng” xây dựng để chờ cấp quyền sử dụng đất. Điều này làm dư luận hết sức bất bình và hoài nghi, phải chăng công trình vi phạm của gia đình ông Chu Văn Tý đang được phạt để cho tồn tại? UBND xã Cao Sơn, UBND huyện Đà Bắc đang cố tình kéo dài thời gian để hợp thức cho sai phạm?
Cả nể hay dung túng?
Chính quyền địa phương không biết, không phát hiện hay người vi phạm bất hợp tác nên không thể xử lý? Có nhiều cách xử lý, chỉ là có quyết tâm hay không mà thôi. Chính quyền địa phương có thể lập biên bản, báo cấp trên hoặc cơ quan quản lý người vi phạm, ban hành quyết định xử lý từ đầu, cương quyết cưỡng chế... Phải chăng vì cả nể, sợ đụng chạm hay có dung túng mới để việc xây dựng kéo dài đến khi hoàn thành? Cũng có thực tế công tác kiểm tra, giám sát lắm khi qua loa, chiếu lệ.
Nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, giảm thiệt hại cho xã hội và cho chính người vi phạm, chính quyền địa phương cần ngăn chặn ngay từ đầu và cương quyết đình chỉ thi công phần xây dựng trái phép. Nếu cho rằng chính quyền địa phương chậm phát hiện, không biết nên không kịp xử lý là chưa thuyết phục.
Người ta vẫn thường nói, khi làm nhà chỉ cần đổ xe cát buổi sáng, đầu giờ chiều có người ở phường xuống kiểm tra giấy phép, sau đó còn có lực lượng thanh tra xây dựng quản lý địa bàn đến kiểm tra.
Thiết nghĩ, công trình xây sai phép, trái phép vẫn cho tồn tại và chỉ xử phạt hành chính thì chẳng khác gì dùng tiền hợp thức hóa cho sai phạm. Đây là tiền lệ xấu trong đời sống xã hội, là tiếp sức cho ra đời thêm nhiều công trình xây sai phép, trái phép vẫn tồn tại.
Vi phạm xây dựng, cần ngăn chặn và xử lý từ gốc rễ, ngay từ đầu, tránh để kéo dài. Hơn nữa, đừng xử phạt rồi cho tồn tại hay hợp thức hóa cho sai phạm.
Suy cho cùng, mục đích của người vi phạm vẫn tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp. Khi những mục đích này không đạt được, hẳn không ai dám vi phạm làm liều làm và làm ẩu.
Quy định pháp luật phải thực hiện triệt để, công trình vi phạm lớn hay nhỏ, bên cạnh xử lý nghiêm người có trách nhiệm, buộc cưỡng chế tháo dỡ, tuyệt đối không để tồn tại hay hợp thức hóa bằng hình thức khác. Có vậy mới mong chấm dứt được vi phạm xây dựng.
PV
Hà Tĩnh: Cần làm rõ việc đã cung cấp đủ hồ sơ nhưng không được khôi phục thương binh