/ Trợ giúp pháp lý
/ Việc thanh tra lại được thực hiện khi nào?

Việc thanh tra lại được thực hiện khi nào?

05/07/2023 06:42 |2 năm trước

(LSVN) - Việc thanh tra lại được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra...

Ảnh minh hoạ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra. Trong đó, Điều 19 Nghị định này quy định cụ thể về căn cứ để tiến hành thanh tra lại. Cụ thể, việc thanh tra lại được thực hiện khi có các căn cứ sau:

-  Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra bao gồm: Không xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; không thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; không kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; không có báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.

-  Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra bao gồm: Áp dụng không đúng quy phạm của pháp luật hoặc áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra.

-  Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến việc đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã được phát hiện.

- Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc.

- Cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra trước đó.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các kiến nghị của Đoàn thanh tra và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra…

Ngoài ra, về thời hạn thanh tra lại, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 45 ngày; cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 30 ngày.

PV

05 nhóm chính sách nổi bật tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

 

Nguyễn Mỹ Linh