/ Tin tức
/ Việt Nam ghi nhận 01 ca mắc Covid-19 là người trở về từ Pháp

Việt Nam ghi nhận 01 ca mắc Covid-19 là người trở về từ Pháp

23/03/2021 11:17 |

(LSVN) - Chiều 23/3, thông tin Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 01 ca mắc Covid-19 là người nhập cảnh từ Pháp ghi nhận tại Hà Nội đã được cách ly ngay.

Việt Nam ghi nhận 01 ca mắc Covid-19 là người trở về từ Pháp.

Thông tin ca mắc mới cụ thể như sau:

CA BỆNH 2576 (BN2576) là nam, 25 tuổi, công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Bệnh nhân từ Pháp nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 09/3/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hà Nội.

 Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 23/03/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tính đến 18h ngày 23/3, Việt Nam có tổng cộng 1.601 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.

Riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (05 ca), Bắc Giang (02 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (02 ca), Hà Giang (01 ca), Điện Biên (03 ca), Bình Dương (06 ca), Hải Phòng (04 ca ), Hưng Yên (03 ca).

Đến hôm nay, 10 tỉnh, thành phố đã qua 38 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh.

Hà Nội cũng đã tròn qua 35 ngày không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.

Tại Hải Phòng, đã qua 28 ngày thành phố này không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh bao gồm: BN2341-BN2553-BN2549-BN2485-BN2534-BN2439-BN2309-BN2254-BN1709-BN1695-BN2515-BN2424.

Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi cho 2.246 bệnh nhân Covid-19 trong tổng số 2.576 bệnh nhân. 

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 118 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 01-03 lần gồm: 42 ca âm tính lần 01; Số ca âm tính lần 02 là 19 ca; số ca âm tính lần 03 là 66 ca.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, hiện có 03 trường hợp bệnh nhân nặng, gồm 02 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; 01 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Các trường hợp này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 03-05 lần, tuy nhiên các bệnh nhân này có một số bệnh lý nền và đang tập tự thở nên vẫn đang tiếp tục theo dõi sát trong quá trình điều trị.

Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Những khuyến cáo quan trọng khi tiêm vaccine Covid-19

Thông tin với báo chí, Tiến sĩ. Bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết, với một loại vaccine dùng công nghệ mới nhất những gì xảy ra trong cơ thể người sau khi tiêm chủng vẫn còn chưa được hiểu biết một cách toàn diện. Đặc biệt là khi công nghệ mới này cho đáp ứng miễn dịch rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Việc cẩn trọng đầu tiên chính là giới hạn nhóm chỉ định tiêm nhằm loại bỏ những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên và những người có cơ địa dị ứng. Có bốn nhóm đối tượng được xác định trong quá trình khám phân loại này bao gồm:

- Đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng: Là những người trên 18 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong thành phần của vaccine.

- Đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng: Là những đối tượng hiện mắc bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao có dùng chế phẩm miễn dịch trong vòng 90 ngày hoặc đã bị Covid-19 trong vòng 6 tháng. Những người có tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước cũng nằm trong nhóm này. Giai đoạn này cần thận trọng nên nhóm phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu cũng cần tạm hoãn.

- Đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Là những người có tiền sử dị ứng,  người có bệnh lý nền hoặc bệnh mạn tính cần giám sát sức khỏe, người mất tri giác và mất năng lực hành vi. Người có bệnh mạn tính kèm thêm bất thường dấu hiệu sống.

- Và đối tượng chống chỉ định: Là người có phản ứng mạnh với liều tiêm trước, phản ứng với các thành phần có trong vaccine hoặc dị ứng mạnh với nhiều loại tác nhân khác nhau.

Sẽ không thể phân loại được các nhóm đối tượng như trên nếu như công tác khám sàng lọc không được làm chặt chẽ và cẩn trọng. Với phần lớn các trường hợp, việc hỏi tiền sử cũng như đánh giá tình trạng hiện tại sẽ giúp phát hiện những trường hợp bất thường cần lưu ý trước khi quyết định tiêm chủng.

Thông qua việc hỏi đã có thể ghi nhận tình trạng các bệnh cấp tính đang mắc phải, đặc biệt là những dấu hiệu có thể nghi ngờ Covid-19. Tiền sử dị ứng thì cần khai thác tỉ mỉ hơn mới có thể xác định được. Tiền sử dị ứng có thể liên quan đến các thành viên khác trong gia đình (bố, mẹ, con, anh chị em ruột…) và các loại dị nguyên  gây dị ứng như côn trùng, thực phẩm, phấn hoa, bụi nhà, hóa chất, mỹ phẩm… đặc biệt là tiền sử dị ứng với vaccine và bất kỳ thành phần nào của vaccine, tiền sử dị ứng nặng, bao gồm phản vệ cần phải được liệt kê.

Bên cạnh đó, tiền sử tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày qua mà quan trọng là các vaccine phòng Covid-19 không thay thế được cho nhau nên cần khai thác chính xác loại vaccine và thời gian đã tiêm vaccine Covid-19 của các đối tượng đến tiêm lần thứ 2.

Ngoài ra, tiền sử bệnh lý và điều trị cũng cần được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng như tiền sử mắc Covid-19 hoặc điều trị huyết tương từ người đã được điều trị khỏi Covid-19, tiền sử bệnh nền, suy giảm miễn dịch, ung thư, đang dùng thuốc corticoid, ức chế miễn dịch, tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông hay đối với phụ nữ cần hõi rõ thông tin có thai, tình trạng thai kỳ hiện tại, hoặc có đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Sau đó, việc khám cần thực hiện đúng theo trình tự.

Phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống:

- Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch tất cả những người đến tiêm.

- Đếm nhịp thở và/hoặc SpO2 (nếu có) ở những người có bệnh nền hô hấp.

Quan sát toàn trạng:

- Đánh giá mức độ tri giác bằng cách hỏi những câu hỏi về bản thân người đến tiêm. Lưu ý những người có bệnh nền nặng nằm liệt giường, mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe.

Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng và không có các yếu tố phải trì hoãn hoặc thận trọng.

Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có các yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng.

Chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp có các yếu tố thận trọng.

Không tiêm đối với những trường hợp có chống chỉ định tiêm chủng.

TRẦN MINH 

Qua 05 ngày liên tiếp Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, đã có hơn 36.000 người tiêm vaccine

Lê Minh Hoàng