(LSO) - Tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" được thực hiện bằng hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của người được giao quản, sử dụng tài sản nhà nước như: sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin, ngày 10/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định trên.
Ông Hoàng bị khởi tố do có sai phạm liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia - Rượu -Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Để có thể xác định chính xác, cụ thể mức hình phạt đối với ông Vũ Huy Hoàng trong trường hợp này thì cần căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, tính chất, mức độ hậu quả, động cơ của hành vi vi phạm,...
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, thêm một cựu Bộ trưởng bị khởi tố hình sự về quản lý kinh tế, chức vụ là thêm một nỗi buồn trong công tác cán bộ cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân đối với năng lực, phẩm chất cán bộ. Tuy nhiên, trước sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm thì việc xử lý một vài, thậm chí một số, một bộ phận cán bộ sai phạm cũng là điều cần thiết để giữ gìn uy tín của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
"Trước đó, vị cựu Bộ trưởng này cũng đã bị xem xét kỷ luật, tưởng rằng mọi chuyện dừng lại ở đó, không ngờ sự việc lại ở mức độ nghiêm trọng hơn, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Cường nói.
Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2016. Sau khi nghỉ hưu, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm.
Cụ thể, ông Hoàng được xác định là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố.
Ban Bí thư xác định, các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của Bộ Công thương và cá nhân ông Hoàng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Vũ Huy Hoàng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đây là giai đoạn đầu của quy trình tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị can là người có chức vụ, quyền hạn, là người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhưng đã cố ý vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên.
Theo quy định của pháp luật thì tội danh này đòi hỏi chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn, ở đây phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng đã vì động cơ cá nhân, vì vụ lợi hoặc vì lý do khác mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại đến tài sản, nguồn thu cho ngân sách.
Theo thông tin ban đầu thì Cơ quan chức năng xác định khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa, song những người có trách nhiệm thuộc UBND TP. HCM đã chỉ định cho thuê đất không qua đấu giá gây thiệt hại cho nhà nước. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ lô đất này liên quan đến trách nhiệm quản lý của những cá nhân, tổ chức, cơ quan đơn vị nào, việc vi phạm về quản lý xảy ra như thế nào, có sự tham gia của những ai để xác định trách nhiệm pháp lý, vai trò đồng phạm, làm cơ sở để xử lý đối với những người tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Cường, đối với những vụ án tội phạm về chức vụ, kinh tế, tham nhũng thì thường sẽ có đồng phạm, phạm tội có tổ chức và liên quan đến yếu tố thu lợi bất chính. Bởi vậy trong vụ việc này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định vai trò, trách nhiệm pháp lý. Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có cá nhân, cán bộ, nhân viên khác mà có cùng ý chí thực hiện tội phạm thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Trong trường hợp phát hiện ra các hành vi vi phạm khác về chức vụ, kinh tế thì cũng xem xét, nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng tiếp tục khởi tố về các tội danh khác và có thể đối với những người khác có liên quan.
Trong vụ việc này, ngoài việc xem xét yếu tố về chủ thể, về vai trò, nhiệm vụ, chức năng trong việc quản lý tài sản nhà nước, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản bị thất thoát, lãng phí là bao nhiêu. Nếu trường hợp tài sản thất thoát, lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 10 năm đến 20 năm tù.
Với quy định của Bộ luật Hình sự hiện nay thì vị cựu Bộ trưởng này có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, trong trường hợp tài sản của nhà nước bị thất thoát từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
- Vì vụ lợi;
- Có tổ chức;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thất thoát, lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất cho thuê tại thời điểm chỉ định cho thuê là bao nhiêu tiền (căn cứ vào hợp đồng thuê đất), đồng thời sẽ làm rõ giá cả thị trường tại thời điểm đó là bao nhiêu? Trong trường hợp tổ chức đấu giá theo quy định thì số tiền sẽ được thu về ngân sách nhà nước là bao nhiêu tiền? Từ đó đến nay việc thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước là bao nhiêu, trên cơ sở đó sẽ xác định tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án, xác định thiệt hại đối với nhà nước và làm cơ sở tính toán trách nhiệm pháp lý đối với những người vi phạm theo quy định pháp luật.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Việc gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2015. Đây là hành vi của người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí.
THANH THANH