/ Chưa được phân loại
/ Án đã có hiệu lực 10 năm và bản kháng nghị khó hiểu - Kỳ 2: 'Tình tiết mới' theo luật định của kháng nghị tái thẩm?

Án đã có hiệu lực 10 năm và bản kháng nghị khó hiểu - Kỳ 2: 'Tình tiết mới' theo luật định của kháng nghị tái thẩm?

19/10/2021 03:37 |3 năm trước

(LSVN) - Tái thẩm sẽ kéo theo hậu quả pháp lý do phải xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vì công lý nên không thể không làm bởi đã xuất hiện “tình tiết mới” có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án. “Tình tiết mới” được pháp luật quy định là căn cứ duy nhất để kháng nghị tái thẩm. Vậy, “tình tiết mới” tại Quyết định kháng nghị tái thẩm số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM ngày 12/8/2021 của Viện trưởng VKSNDTC là gì?

Ảnh minh họa.

Điều 351 “Tính chất của tái thẩm”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không thể biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó”. 

Tiếp đó, Điều 352 “Căn cứ để kháng nghị tái thẩm” quy định 4 căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị khi có 1 trong 4 căn cứ đó.

Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM ngày 12/8/2021 của Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 253/2011/KDTM-PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (Bản án phúc thẩm 253); hủy Bản án sơ thẩm số 12/2011/KDTM-ST ngày 27, 28/01/2011 của TAND TP. Hà Nội (Bản án sơ thẩm 12) để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Kháng nghị tái thẩm nêu trên đưa ra căn cứ tái thẩm như sau: “Bản án phúc thẩm 253 và Bản án sơ thẩm 12 nhận định và kết luận như trên là trái pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”. 

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 352 lại quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật”. Kháng tái thẩm đã không có từ “cố ý” khiến cho căn cứ tái thẩm trở nên khó thuyết phục và không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 352.

Bởi “cố ý” chính là căn cứ không thể thiếu trong quy định tại Khoản 3 Điều 352. Khi có hành vi “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật” thì đương nhiên phải xử lý được theo pháp luật hình sự và có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Thông tư liên tịch số 01, ngày 18/9/2012, của TANDTC - VKSNDTC - Bộ Tư pháp, tại khoản 2 Điều 3 quy định: Căn cứ để kết luận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên có hành vi cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật là: Bản án, Quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do người đã tiến hành tố tụng cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án được miễn trách nhiệm hình sự,...

Như vậy chỉ khi có các văn bản nêu trên kết luận “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật” thì mới có căn cứ để khẳng định đã có “tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án và các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó”, từ đó mới có căn cứ quyết định kháng nghị tái thẩm.

Tương tự, tại các điều khoản còn lại của Điều 352 cũng yêu cầu phải có cơ sở chứng minh việc xuất hiện “tình tiết mới” như khoản 2 nêu rõ: “Có cơ sở chứng minh kết luận luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc giả mạo chứng cứ”; khoản 4: “Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ”.

Trở lại khoản 3, Điều 352, cơ sở để chứng minh có tình tiết: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật” là phải có các văn bản kết luận hành vi cố ý theo Thông tư liên tịch số 01, ngày 18/9/2012, của TANDTC - VKSNDTC - Bộ Tư pháp. 

Trong vụ án này, chưa có một văn bản nào như thế, đồng nghĩa, chưa có căn cứ để kháng nghị tái thẩm theo đúng khoản 3 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Kháng nghị tái thẩm dẫn chiếu căn cứ tái thẩm là khoản 3 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vì thế không đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, việc vô tình hay cố ý bỏ đi từ “cố ý” tại nội dung căn cứ kháng nghị tái thẩm càng làm tăng thêm sự khó hiểu về tính đúng đắn và thuyết phục của Kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC.

Kỳ sau: Nội dung đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC Giám đốc thẩm?

PV

Vụ án 'có vấn đề' và kháng nghị tái thẩm khó hiểu

Lê Minh Hoàng
LSVN