/ Dọc đường tố tụng
/ Vụ án ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’ – Những vấn đề cần làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm

Vụ án ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’ – Những vấn đề cần làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm

04/05/2022 02:29 |

(LSVN) – Ngày 07/10/2021, tại cấp xét xử sơ thẩm, Tòa án án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Tùng 19 năm tù giam về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và buộc bồi thường 124.500.000 đồng. Sau đó, bị cáo Phạm Thanh Tùng đã có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm. Hiện nay, vụ án đang chuẩn bị được đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án Cấp cao tại Hà Nội.

Ngày 07/10/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử kín vụ án hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1990) với tội danh “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và Hoàng Thị Thu Huyền (sinh năm 1987) với tội danh “Hành hạ con”.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Hoàng Thị Thu Huyền (sinh năm 1987) sau ly hôn sống cùng 03 người con. Trong thời gian sinh sống cùng các con, Huyền thường xuyên có hành vi ngược đãi, hành hạ cháu B. (sinh năm 2009) như dùng tay hoặc các vật dụng gồm ống nhựa, gậy gỗ, dây điện… để hành hạ và đánh đập cháu B. Đến tháng 5/2020, Huyền cùng các con đến thuê căn hộ tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội để ở.

Thời gian này, Huyền có quan hệ tình cảm và chung sống như vợ chồng với Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1990). Do thường xuyên ăn ở, tiếp xúc với các con riêng của Huyền nên Tùng có ham muốn quan hệ tình dục với cháu B. Theo cáo trạng, thời gian từ tháng 5/20210 đến 19/01/2021, lợi dụng lúc Huyền không có nhà, Tùng đã có hành vi đánh đập hoặc đe dọa và 09 lần thực hiện hành vi hiếp dâm đối với cháu B.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng khai không có hành vi đánh, ép, không giao cấu và bắt buộc cháu B. phải quan hệ tình dục với bị cáo. Bị cáo cho rằng mình bị oan, các lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra là do bị cáo chưa suy nghĩ kỹ nên khai không chính xác.

Đối với hành vi của mình, tại phiên tòa bị cáo Hoàng Thị Thu Huyền khai trong quá trình nuôi, dạy cháu B., mỗi khi cháu phạm lỗi, thỉnh thoảng bị cáo có hành vi dùng tay, que tre, ống nước nhựa, gậy phơi quần áo đánh, mắng. Bị cáo cho rằng việc đánh, mắng con không nghiêm trọng như cáo trạng đã nêu, không gây ra cách thương tích như hình ảnh có trong hồ sơ vụ án.

Tại bản Kết luận giám định số 708/C09-TT1 ngày 28/01/2021 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, kết luận: (1) màng trinh của bị hại không bị tổn thương; (2) tại thời điểm giám định bị hại không có thai; (3) Dấu vết thương tích trên thân thể bị hại đối chiếu với Bảng 1 về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích thì không xác định tỷ lệ phần trăm cơ thể đối với tổn thương bầm tím, tụ máu. Các tổn thương sây sát da đang bong vảy nên không xác định chính xác mức độ tổn thương nên không xếp hạng tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Tại bản Kết luận giám định số 787/C09-TT3 ngày 26/02/2021 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, kết luận “không phát hiện thấy ADN của Phạm Thanh Tùng trong mẫu dịch âm đạo của bị hại”.

Đối với hành vi của bị cáo Phạm Thanh Tùng, Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, vi phạm luật hình sự, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ em, gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho người dưới 16 tuổi. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, lợi dụng cháu B. còn nhỏ tuổi đã dùng vũ lực, đánh đập, đe dọa, ép buộc, để nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm bị hại. Tại thời điểm Tùng thực hiện các hành vi trên, bị hại là người dưới 16 tuổi. Do đó, bị cáo đã phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với hành vi của bị cáo Hoàng Thị Thu Huyền, Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm luật hình sự, xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của trẻ em. Bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự, là mẹ đẻ của bị hại, mặc dù bị hại còn nhỏ tuổi (dưới 16 tuổi) sống phụ thuộc vào bị cáo, mỗi khi thấy cháu B. có khuyết điểm gì bị cáo đã đánh đập, hành hạ cháu, thậm chí cả khi cháu B. không có lỗi cũng đánh cháu, gây nhiều thương tích trên cơ thể bị hại. Do đó, bị cáo đã phạm tội “Hành hạ con”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi phân tích nội dung vụ án, đánh giá các tài liệu chứng cứ, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo như cáo trạng. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Tùng 19 năm tù giam về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”; buộc bị cáo Tùng phải bồi thường cho nạn nhân 124.500.000 đồng tiền bồi dưỡng tổn thất tinh thần và bồi dưỡng sức khỏe. Bị cáo Hoàng Thị Thu Huyền bị tuyên phạt 36 tháng tù về tội “Hành hạ con”; tổng hợp hình phạt của bản án này với Bản án số 437/2021/HS-PT ngày 17/6/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bị cáo Huyền về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, bị cáo Hoàng Thị Thu Huyền phải chấp hành hình phạt tù chung của hai bản án là 54 tháng tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Thanh Tùng đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Hiện tại, vụ án đang chuẩn bị được đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án cấp cao tại Hà Nội.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Theo cáo trạng, có 2 lần Phạm Thanh Tùng đã thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân tại địa điểm 139 Ngô Thì Sỹ, Hà Đông, Hà Nội (là nhà người quen của Tùng) là vào một ngày đầu tháng 01/2021 và lần thứ hai là trưa ngày 19/01/2021. Tuy nhiên, trong đơn trình bày gửi cho các cơ quan chức năng, các cá nhân sinh sống tại địa chỉ trên đều khẳng định đây không thể là hiện trường của vụ án.

Cửa vào ngôi nhà số 139 Ngô Thì Sỹ - nơi được cho là hiện trường vụ án.

Theo Bút lục số 312 (bản tự khai của Phạm Thanh Tùng) và Bút lục số 213 (biên bản ghi lời khai của nạn nhân B.), đối với lần thực hiện hành vi vào ngày 19/01/2021, Tùng đón B. tại cổng Trường THCS Lê Hồng Phong lúc 12h30 hoặc 12h40 sau đó Tùng chở B. về nhà bác của Tùng tại số 139 Ngô Thuỳ Sỹ, Hà Đông, Hà Nội để thực hiện hành vi quan hệ 02 lần với mỗi lần kéo dài khoảng 5-10 phút sau đó Tùng chở B. quay trở lại trường học.

Kết quả làm việc với Phó Hiệu trưởng nhà trường - nơi B. theo học và kết quả kiểm tra sổ đầu bài, camera hành lang lớp học đều cho kết quả ngày 19/01/2021 B. đi học đầy đủ các tiết học, không bỏ học, không đi học muộn. Thời gian bắt đầu giờ học buổi chiều của trường là 13 giờ. Như vậy, khoảng thời gian từ lúc Tùng đón nạn nhân tới lúc đưa trở lại trường học vào khoảng 20 phút tới 30 phút. Theo Luật sư Ngô Ngọc Diễm - bào chữa của bị cáo Phạm Thanh Tùng, quãng thời gian trên là không đủ để thực hiện hành vi và cơ quan điều tra khi thực nghiệm hiện trường chưa đánh giá đến yếu tố này.

Theo bà Phạm Thị Hồng (tức Đệ) và ông Phạm Văn Hà (là chủ sở hữu đối với 02 căn nhà liền kề tại số nhà 139 Ngô Thì Sỹ) cùng những người thực tế đang sinh sống tại địa chỉ trên đều khẳng định không chứng kiến sự có mặt của Phạm Thanh Tùng vào thời điểm trên. Theo các chủ hộ, việc Tùng đưa bị hại đến địa chỉ nêu trên để thực hiện hành vi hiếp dâm là bất hợp lý bởi Phạm Thanh Tùng không sinh sống tại địa chỉ trên và không được ai đưa chìa khóa để ra vào. Ngoài ra, theo kết quả rà soát camera dọc tuyến đường Ngô Thì Sỹ cũng không thu được hình ảnh của Phạm Thanh Tùng và nạn nhân vào thời điểm được cho là xảy ra vụ việc.

Thực nghiệm hiện trường cho thấy, sau khi đưa nạn nhân vào bằng cửa chính tại nhà bà Phạm Thị Hồng, Tùng đi theo lối thông phía sau nhà sang tầng 1 nhà ông Phạm Văn Hà rồi đưa nạn nhân lên cầu thang vào căn phòng trong góc tầng 2 để thực hiện hành vi phạm tội.

Lối đi lên cầu thang tại tầng 1 nhà ông Phạm Văn Hà.

Theo Luật sư Ngô Ngọc Diễm, vụ án còn có nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Về thủ tục tố tụng, Luật sư Diễm cho biết: Thứ nhất, sau khi tiến hành khởi tố bị can ngày 20/02/2021 và xác định được vụ án không còn thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra quận Hà Đông không lập tức tiến hành làm thủ tục chuyển vụ án theo quy định pháp luật mà vẫn tiến hành hoạt động điều tra một cách tích cực tới ngày 25/02/2021. Đồng thời, đa số các lời khai, biên bản hỏi cung bị can có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án đều được thực hiện vào giai đoạn này.

Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã xác định sai tư cách người đại diện cho bị hại B. làm cho hoạt động lấy lời khai trong suốt quá trình giải quyết vụ án đối với bị hại là người dưới 18 tuổi không đảm bảo sự có mặt của người đại diện chính xác theo quy định pháp luật tại khoản 2 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, tại Điều 52 Bộ luật Dân sự quy định về người giám hộ đương nhiên đã đề ra thứ tự xác định người giám hộ đương nhiên. Theo đó, do B. không có anh/chị ruột nên người giám hộ của B. sẽ là ông/bà nội; ông/bà ngoại và chỉ khi không có các người này thì bác ruột, dì ruột của B. mới có thể trở thành người giám hộ. Tuy nhiên, trong vụ án này B. vẫn còn ông/bà nội, ông/bà ngoại nhưng Cơ quan điều tra lại công nhận dì ruột và 02 bác họ của B. làm người giám hộ. Do việc xác định sai tư cách người giám hộ của bị hại B. và người làm chứng là em ruột của bị hại trong vụ án nên không đảm bảo tính khách quan và quy định bắt buộc phải có người đại diện tham gia tố tụng của bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về các mâu thuẫn trong vụ án, Luật sư Diễm cho rằng: Thứ nhất, việc xác định thời gian không chính xác mà chỉ mang tính ước lượng trong vụ việc như : “Vào buổi chiều một ngày trong tháng 5/2020”; “Khoảng 02 ngày sau”… là chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác và toàn diện của vụ án. Bởi lẽ, việc xác định tính chính xác của thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là rất quan trọng vì cùng tại một thời điểm, một cá nhân chỉ có thể có mặt và thực hiện hành vi tại một địa điểm duy nhất.

Thứ hai, có mâu thuẫn giữa hành vi, lời khai và các chứng cứ vật chất. Trong một số biên bản ghi lời khai Tùng và bị hại B. đều khai nhận về việc có sự xâm nhập được giữa dương vật của Tùng vào âm đạo của B. và sau khi quan hệ xong vùng âm đạo của B. có dấu hiệu chảy máu. Tuy nhiên, tại các biên bản Kết luận pháp y số 708/C09-TT1 và số 787/C09-TT3  của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đều cho kết quả: Màng trinh không rách và đồng thời tiền đình âm đạo không sây sát, không trượt, không bầm tụ máu; hậu môn, tầng sinh môn không tổn thương.

Luật sư cho rằng việc chỉ sử dụng lời khai, lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội mà không thu giữ được bất kì chứng cứ vật chất nào đã vi phạm khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Từ những lập luận và phân tích nêu trên và căn cứ vào Điều 6 Thông tư Liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP để xác định các vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và điểm b, c khoản 1 Điều 358 quy định về hủy bản án sơ thẩm để điều trả lại, xét xử lại, Điều 360 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về điều tra lại hoặc xét xử lại, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng bị cáo Phạm Thanh Tùng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên huỷ Bản án hình sự sơ thẩm số 278/2021/HSST ngày 07/10/2021 để điều tra và xét xử lại do việc điều tra tại cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, chưa khách quan và còn tồn tại nhiều vi phạm trong tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, có nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ và có nhiều chứng cứ vật chất chưa được thu thập mà không thể khắc phục được tại cấp xét xử phúc thẩm là có cơ sở.

PV

Bàn về tội ‘Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh’ trong BLHS 2015

Lê Minh Hoàng