/ Pháp luật - Đời sống
/ Vũ 'nhôm' lập luận thế nào trong đơn kêu oan về chứng cứ buộc tội?

Vũ 'nhôm' lập luận thế nào trong đơn kêu oan về chứng cứ buộc tội?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong đơn kêu oan gửi tới các cơ quan chức năng, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cho rằng, các chứng cứ buộc tội của cơ quan tố tụng đối với mình là chưa thuyết phục.

Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") cho rằng các chứng cứ buộc tội của cơ quan tố tụng đối với mình là chưa thuyết phục. 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) vừa chuyển đơn kêu oan và tố cáo của Phan Văn Anh Vũ tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao… cùng nhiều cơ quan, cá nhân. Vũ bị toà án các cấp tuyên phạt 65 năm tù và có trách nhiệm bồi thường 3,1 ngàn tỉ đồng cho nhà nước.

Về nội dung tội danh, Phan Văn Anh Vũ cho rằng, Tòa án các cấp đã quy kết Vũ phạm tội theo Điều 219 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", và Điều 229 tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" là không có căn cứ thuyết phục. Vũ cho rằng, chủ thể của tội phạm quy định tại hai điều luật nói trên phải là người có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, phải mang quyền lực nhà nước.

Trong khi đó, Vũ chỉ là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đồng thời là một công dân bình thường, hoàn toàn không mang quyền lực Nhà nước. Do đó, theo Vũ, nếu anh ta phạm tội thì chỉ có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm giúp sức.

Cũng liên quan đến việc xác định Vũ có quyền lực, trong đơn kêu oan, bị án này cho rằng, phần nhận định của Bản án số 158 của TAND Cấp cao tại Hà Nội chỉ dựa trên nhận định chủ quan, phiến diện khi cho rằng: “… căn cứ vào lời khai của các bị cáo thuộc khối Ủy ban đều khẳng định bị cáo Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ mật thiết với các lãnh đạo TP. Đà Nẵng….”, rồi từ đó kết luận “Phan Văn Anh Vũ có quyền lực rất lớn”.

“Lời khai chỉ có thể trở thành chứng cứ thuyết phục khi được kiểm chứng hoặc đối chất. Làm sao có thể đối chất các lời khai về sự tồn tại mối quan hệ thân thiết giữa tôi với lãnh đạo Đà Nẵng”, Vũ nêu trong đơn.

Về việc Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ được mua nhiều nhà đất, công sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Vũ cho rằng, chủ trương bán nhà, đất công sản trong thời gian từ 2006 đến 2014 không phải là chính sách, chủ trương mới có trong giai đoạn này và mục đích áp dụng cũng không phải chỉ để bán nhà công sản cho Vũ. Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng đã bán trên 3.500 nhà, đất công sản từ năm 2002 đến 2016. Trong khi đó, theo Bản án của Tòa, Vũ chỉ mua 15 nhà, đất và 04 dự án.

Về việc được hưởng ưu đãi giảm 10% giá trị quyền sử dụng đất trên tổng số tiền phải nộp và nộp một lần trong vòng 30 ngày, Vũ cho rằng đây là chủ trương của Thành ủy, HĐND thành phố đã thông qua và được UBND TP. Đà Nẵng áp dụng cho tất cả các cá nhân, tổ chức. Kể từ năm 2002 đã có hàng trăm đối tượng được hưởng chính sách này chứ không riêng gì Vũ.

Phan Văn Anh Vũ cho rằng, việc lập luận như trong Cáo trạng, các Bản án thì có hàng trăm, hàng ngàn người mua khác vướng vào vòng lao lý, trở thành bị can, bị cáo trong các vụ án tương tự. “Tại sao hàng trăm, hàng ngàn cá nhân, tổ chức cũng được hưởng chính sách, chủ trương giảm 10% trên tổng số tiền phải nộp khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong vòng 30 ngày lại không bị cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hình sự?”, Vũ nêu câu hỏi trong đơn.

Sau khi đưa ra các lập luận nêu trên, Phan Văn Anh Vũ cho rằng, HĐXX các cấp sơ thẩm và phúc thẩm, có dấu hiệu “ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 370, Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời, căn cứ vào Điều 371, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cần phải kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án số 20 ngày 13/01/2020 của TAND TP. Hà Nội và Bản án số 158 ngày 12/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

V. KHÁNH

Phan Văn Anh Vũ bị đề nghị truy tố về tội 'Đưa hối lộ'

Lê Minh Hoàng