Đến nay, sau 15 năm, đất Lô C/D13 Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang trong tình trạng chờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án. Ảnh: PC.
Hệ lụy không chỉ ách lại 15 năm triển khai dự án hàng trăm tỉ, mà là nỗi ám ảnh về sự trái ngược khó hiểu giữa các cơ quan tố tụng…
TANDTC và Hà Nội: 5 lần khẳng định Hợp đồng 458 vô hiệu!
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế và Đầu tư sản xuất (Cty CIRI) trúng đấu giá lô đất C/D13, diện tích 7.236m2 tại Cầu Giấy để thực hiện dự án nhà chung cư cao tầng.
Ngày 10/11/2006, Cty CIRI (Bên A) ký “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 458/HĐCNQSDĐ (gọi tắt là HĐ 458) với bên B là Cty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Vạn Niên (Cty Vạn Niên).
Nội dung: Bên A cam kết chuyển nhượng cho bên B 7.236m2 đất lô C/D13 sau khi bên A có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với giá chuyển nhượng 12,3 triệu đồng/m2, thành tiền là 89 tỉ đồng. Trong vòng 10 ngày, sau khi ký hợp đồng cam kết, Bên B chuyển 65,124 tỉ đồng vào tài khoản của bên A; Bên A có trách nhiệm hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong thời hạn tối đa không quá 5 ngày, kể từ khi bên A được cấp GCNQSDĐ, hai bên ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Để đảm bảo thực hiện, hợp đồng quy định: bên vi phạm phải chịu phạt 10% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, sau khi Vạn Niên chuyển 65,124 tỉ đồng theo cam kết, ngày 15/8/2007, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định 3206/UB-QĐ về việc thu hồi và giao đất C/D13 cho Cty CIRI, tại Điều 5 quy định: CIRI chỉ được thực hiện các quyền của người sử dụng đất sau khi nhận GCNQSDĐ và đầu tư vào đất theo đúng dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Quy định tại Điều 5 kể trên của Quyết định 3206 đã không cho phép 2 bên thực hiện nội dung HĐ 458.
Cty Vạn Niên có đơn và UBND thành phố Hà Nội trả lời 2 lần bằng văn bản: Quy định tại Quyết định 3206 của UBND thành phố Hà Nội là đúng pháp luật hiện hành; và chấm dứt trả lời Vạn Niên về nội dung này.
Ngày 20/11/2007, Vạn Niên làm đơn ra toà, khiếu nại rằng: CIRI vi phạm cam kết, đề nghị Tòa buộc CIRI phải thực hiện HĐ 458.
Bất ngờ là Bản án sơ thẩm số 03/2008/KD-TM, ngày 13,18/03/2008, của TAND quận Đống Đa sau khi tuyên nội dung HĐ 458 không trái pháp luật, đã buộc CIRI phải giao 7.236m2 và GCNQSDĐ cho Vạn Niên toàn quyền sử dụng.
Ngày 29/12/2008, tại Kháng nghị số 13/2008/KDTM-KN-KT, Chánh án TANDTC đã nhận định: Bản án sơ thẩm đã xử “không đúng pháp luật, vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự và thẩm quyền của Tòa án”. Sau đó, vụ án được xét xử lại, kết quả là ngày 28/01/2011, Tòa Kinh tế TAND thành phố Hà Nội ra Bản án số 12/2011/KDTM-ST (Bản án sơ thẩm 12) tuyên: HĐ 458 vô hiệu.
Ngày 21/12/2011, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội ra Bản án phúc thẩm 253/2011/KDTM-PT (Bản án Phúc thẩm 253) tuyên: HĐ 458 vô hiệu toàn bộ.
Tính ra, vụ án có tới 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm và 2 lần giám đốc thẩm; TANDTC và Hà Nội tại các kháng nghị, bản án và quyết định giám đốc thẩm, đã có tới 5 lần khẳng định: HĐ 458 trái pháp luật!..
VKSNDTC kháng nghị tái thẩm: Hợp đồng 458 không vô hiệu!?
Đây là lần thứ 2 trong vụ án, VKSNDTC kháng nghị. Lần 1, ngày 16/6/2009, tại Kháng nghị số 18/QĐ-KNGĐT-V12 đề nghị hủy Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa Kinh tế TANDTC, VKSNDTC đã cho rằng: HĐ 458 là hợp pháp, không thể tuyên vô hiệu.
Hội đồng thẩm phán TANDTC tại Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT, ngày 18/12/2009, đã không chấp nhận kháng nghị, đồng thời về nội dung HĐ 458, đã nhận định như sau: “HĐ 458, ngày 11/10/2006, giữa Cty CIRI và Cty Vạn Niên không phải là HĐ chuyển nhượng QSDĐ, mà chỉ là giao dịch dân sự có điều kiện, nhưng có nội dung trái pháp luật vì đã vi phạm Điều 62 Luật Đất đai quy định về điều kiện để đất tham gia thị trường bất động sản; Điểm e Khoản 2 Điều 7 Luật Kinh doanh BĐS quy định về điều kiện đối với BĐS đưa vào kinh doanh; Điểm a Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ quy định về việc chuyển nhượng QSDĐ của các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; và Điều 5 Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 15/8/2007 của UBND thành phố Hà Nội về việc thu hồi 7.220,9m2 đất tại lô C/D13 khu đô thị mới Cầu Giấy, giao cho CIRI để xây dựng nhà ở chung cư (căn cứ vào các quy định nêu trên thì CIRI không được phép chuyển nhượng QSDĐ lô đất đã được UBND thành phố Hà Nội giao để thực hiện dự án đầu tư là xây dựng nhà chung cư khi chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án được duyệt hoặc theo dự án thành phần của dự án đầu tư đã được xét duyệt), xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, nên vô hiệu ngay từ khi giao kết. Toà án các cấp phải xem xét giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.”
12 năm sau, ngày 12/8/2021, VKSNDTC lại kháng nghị, lần này là tái thẩm Bản án phúc thẩm 253, ngày 21/12/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC.
Cho rằng, Bản án phúc thẩm 253 và Bản án sơ thẩm số 12 (của TAND thành phố Hà Nội) đã “nhận định và kết luận trái pháp luật, được quy định tại khoản 3 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, Kháng nghị tái thẩm đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy cả hai bản án, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là Khoản 3 Điều 352 “căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm” được viện dẫn lại có nội dung: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật”.
Theo Thông tư liên tịch số 01, ngày 18/9/2012, của TANDTC - VKSNDTC - Bộ Tư pháp, để kết luận hành vi cố ý tại Khoản 3 Điều 352 nêu trên, phải có các văn bản quy định tại Khoản 2 Điều 3, đó là: Bản án, Quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do người đã tiến hành tố tụng cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án được miễn trách nhiệm hình sự...
Kháng nghị tái thẩm đã không đưa ra được một căn cứ nào như thế. Cho thấy, căn cứ để kháng nghị tái thẩm theo Khoản 3 Điều 352 là chưa thuyết phục. Việc bỏ đi 2 chữ “cố ý” trong nội dung kháng nghị càng làm tăng thêm tính thiếu thuyết phục.
Kháng nghị nêu: HĐ 458 là giao dịch dân sự có điều kiện, nhưng khi xét xử Tòa lại nhận định theo hướng đây là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để tuyên vô hiệu là đánh giá sai bản chất và kết luận trái pháp luật. Bởi lẽ: CIRI thỏa thuận và cam kết chuyển nhượng toàn bộ lô đất C/D13 cho Vạn Niên với điều kiện khi nào CIRI được Nhà nước cấp GCNQSDĐ thì giao dịch phát sinh hiệu lực để hai bên ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Căn cứ Điều 3, Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015 thì mọi cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và phải được các cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.Và, VKSNDTC cho rằng, HĐ 458 là hợp pháp, tuyên vô hiệu là trái pháp luật.
Tuy nhiên, ngày 18/12/2009, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã nhận định “HĐ 458 vô hiệu ngay từ khi giao kết” tại Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT.
Khoản 1, Điều 354, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 qui định: Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực, trừ Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Mặt khác, tái thẩm - theo Điều 351, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 - là xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật vì có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án mà Tòa án và đương sự không biết được khi ra bản án đó.
Ngoài căn cứ kháng nghị chưa rõ, “tình tiết mới” trong kháng nghị cũng không thuyết phục khi cho rằng: “Tòa nhận định theo hướng Hợp đồng cam kết là Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để tuyên vô hiệu Hợp đồng cam kết là kết luận trái pháp luật” .
Bởi lẽ, Kháng nghị chỉ nêu cam kết: “Hai bên chỉ ký Hợp đồng chuyển nhượng khi bên A có GCNQSDĐ do Nhà nước cấp” để cho rằng HĐ 458 là hợp pháp; nhưng lại “quên” cam kết khác trong HĐ 458: “tối đa không quá 5 ngày, kể từ khi bên A được cấp GCNQSDĐ, hai bên ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”, là cam kết trái các điều luật mà Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng như Bản án phúc thẩm 253 đã viện dẫn để kết luận “HĐ 458 vô hiệu ngay từ khi giao kết”.
“Tình tiết mới” do vậy không mới, không làm thay đổi nội dung bản án, mà tạo ra sự khó hiểu. Đó là với nội dung nằm sẵn trong bản án như thế, tại sao phải sau 10 năm án có hiệu lực pháp luật, VKSNDTC mới “phát hiện” để kháng nghị tái thẩm?
Trên thực tế, Vạn Niên đã làm đơn gửi TANDTC và VKSNDTC để đề nghị giám đốc thẩm, bị từ chối, lại xin tái thẩm.
Ngày 22/9/2020, TANDTC có Thông báo trả lời: Vạn Niên không cung cấp được chứng cứ mới theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên không có căn cứ để kháng nghị tái thẩm Bản án phúc thẩm 253.
Tuy nhiên, ngày 12/8/2021, VKSNDTC cũng căn cứ vào Điều 352 lại ra Kháng nghị tái thẩm Bản án phúc thẩm 253.
Kháng nghị tái thẩm của VKSNDTC đang làm nổi lên nhiều câu hỏi: Tại sao, chỉ là hợp đồng có điều kiện giữa 2 doanh nghiệp, mà suốt 15 năm trời VKSNDTC và TANDTC vẫn không thể nào làm rõ đúng sai? Pháp luật mà khó hiểu đến thế, doanh nghiệp và người dân biết thực hiện sao đây?
Còn nếu không phải khó hiểu thì vì sao chỉ là giá trị pháp lý của một cam kết dân sự mà 2 cơ quan pháp luật tối cao lại có sự đánh giá trái ngược nhau dai dẳng đến thế?
“Có hay không việc chạy án?”, “Một vụ án có vấn đề”, “Những chuyện kỳ quặc quanh vụ án”… là những loạt bài điều tra đăng trên các tờ báo của Đài TNVN, Hội Nhà báo Việt Nam, Thành ủy Hà Nội… phản ánh vụ án cách đây 10 năm. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã phải có ý kiến yêu cầu giải quyết vụ án theo đúng pháp luật. |
PV
Đề xuất quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng