/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ Triệu Quân Sự vượt ngục lần thứ 3 và bị bắt: Có phải chịu thêm trách nhiệm hình sự?

Vụ Triệu Quân Sự vượt ngục lần thứ 3 và bị bắt: Có phải chịu thêm trách nhiệm hình sự?

01/06/2022 08:43 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, Triệu Quân Sự sẽ phải chịu thêm các trách nhiệm hình sự về hành vi trốn trại lần thứ 3 theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án Hình sự. Hình phạt cao nhất của Triệu Quân sự là tù chung thân, các hình phạt ở các tội khác là tù có thời hạn thì vẫn áp dụng tù chung thân. Tuy nhiên, do sự ngoan cố và chống đối nên đối tượng này sẽ không được xem xét giảm án trong các đợt ân xá của Nhà nước, không được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Triệu Quân Sự đã bị bắt sau 01 ngày trốn khỏi trạm giam ở Thanh Hóa. Ảnh: Hà Trung - Bỉm Sơn Beat.

Chiều 01/6, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết ông vừa nhận được thông tin lực lượng chức năng đã bắt giữ được Triệu Quân Sự.

Theo Thiếu tướng Trần Phú Hà, Triệu Quốc Sự bị bắt ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, cho biết đang tiếp tục phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.

Liên quan đến vụ việc, vào chiều 31/5, Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam của Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Đây là lần thứ 3 tù nhân này vượt ngục. Trước đó, Sự đang chấp hành bản án chung thân về các tội "Giết người", "Cướp tài sản", "Đào ngũ", "Trốn khỏi nơi giam giữ" và "Trộm cắp tài sản".

Lực lượng Công an, Quân sự, dân quân tự vệ địa phương đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng truy bắt Sự. Chính quyền cũng phát đi thông tin cảnh báo đến người dân. Nhiều chốt chặn được lập tại các cửa ngõ ra, nút giao.

Được biết, Triệu Quân Sự từng là quân nhân Quân khu 1. Khi là binh nhì, Sự thường xuyên trộm cắp vặt rồi đào ngũ. Năm 2012, Sự sát hại chủ quán cà phê ở quận Long Biên (Hà Nội) để cướp tài sản. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên phạt Sự tù chung thân về các tội Giết người, Cướp tài sản và Đào ngũ.

Cuối năm 2015, khi chấp hành án phạt ở Quảng Ngãi, Sự đã vượt ngục. Sau khi bị bắt, năm 2016, Sự bị tuyên phạt 03 năm tù về tội "Trốn khỏi nơi giam giữ" và 03 năm tù tội "Trộm cắp tài sản". Tổng hình phạt tù là chung thân.

Đến chiều 03/6/2020, khi đang chấp hành án tù tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung, Quân khu 5 đóng tại Quảng Ngãi, Triệu Quân Sự trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước xuống đất trốn ra ngoài. Sau 15 ngày lẩn trốn, Sự bị bắt khi đang ở một quán điện tử tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Vậy, phạm nhân Triệu Quân Sự vượt ngục bị bắt lại có phải chịu thêm trách nhiệm hình sự không và pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi vượt ngục, trốn khỏi nơi giam giữ thể hiện việc phạm nhân không có thái độ ăn năn, hối cải, việc cải tạo, giáo dục phạm nhân của trại giam không có hiệu quả đối với phạm nhân này, nên cần áp dụng hình phạt và chế tài đủ mạnh để răn đe.

Luật sư cũng cho biết, Triệu Quân Sự sẽ phải chịu thêm các trách nhiệm hình sự về hành vi trốn trại lần thứ 3 theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án Hình sự. Hình phạt cao nhất của Triệu Quân sự là tù chung thân, các hình phạt ở các tội khác là tù có thời hạn thì vẫn áp dụng tù chung thân. Tuy nhiên, do sự ngoan cố và chống đối nên đối tượng này sẽ không được xem xét giảm án trong các đợt ân xá của nhà nước, không được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Theo Luật sư, việc giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn được thực hiện theo quy định tại Luật Thi hành án Hình sự năm 2019.

Cụ thể, Điều 42, Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn đã nêu rõ, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.

Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Ngoài ra, phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phạm nhân bỏ trốn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, chế tài được quy định cụ thể tại Điều 43, Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Điều 43. Xử lý phạm nhân vi phạm

1. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

2. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người già yếu.

3. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ phạm nhân.

4. Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Giám thị trại giam thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì phải kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân đang giam giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an cấp huyện có dấu hiệu của tội phạm thì Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đặc biệt, hành vi trốn trại giam của phạm nhân Triệu Quân Sự được lặp đi lặp lại nhiều lần, theo đó sẽ phải chịu thêm chế tài hình sự quy định tại Điều 386, Bộ luật Hình sự về tội "Trốn khỏi nơi giam, giữ". 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng, đây là đối tượng phạm nhân nguy hiểm bởi hành vi phạm tội đã gây ra của đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng nhưng vẫn rất ngoan cố, chống đối tới cùng, khó cải tạo, cảm hóa và giáo dục.

"Đáng ra sau việc trốn trại giam lần thứ 2 (năm 2020) thì cán bộ trại giam cần rút kinh nghiệm và chú ý tới đối tượng này. Nhưng vẫn để xảy ra lần thứ 3 đối tượng này trốn trại, cho thấy hai vấn đề là hoạt động cải tạo, cảm hóa đối tượng đã thất bại và việc giám sát, canh giữ đối tượng này còn quá lỏng lẻo. Trách nhiệm này thuộc về cán bộ giám thị trại giam và người đứng đầu trại giam đã buông lỏng quản lý, giám sát để cho đối tượng có cơ hội trốn trại thể hiện sự yếu kém trong công tác thi hành án hình sự, tốn kém cho nhà nước trong việc huy động lực lượng truy tìm và thời gian dài phải truy bắt, gây nguy hiểm cho người dân nếu đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo", Luật sư Khuyên nhận định.

HOÀNG NGUYỄN

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ rơi thang máy khiến hai công nhân tử vong

Lê Minh Hoàng