Vướng mắc và kiến nghị về quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện

07/10/2020 23:03 | 3 năm trước

(LSO) - Tha tù trước thời hạn có điều kiện là thể hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo của Nhà nước, đồng thời tạo cho phạm nhân có cơ hội được sớm trở về với gia đình và cộng đồng, trở thành người công dân tốt và có ích cho xã hội.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS sửa đổi bổ sung năm 2017) có nhiều điểm mới so với BLHS năm 1999, Nhà nước đã ban hành quy định tha tù trước thời hạn, phạm nhân được tha tù trước thời hạn phải bảo đảm được các điều kiện để được tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66 BLHS 2015 như phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù thời hạn... và thời gian hình phạt tù còn lại được tính là thời gian thử thách.

Khi BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật (01/01/2018) TANDTC và Bộ Công an đã có một số văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Điều 66 và Điều 106 BLHS, tuy nhiên quá trình giải quyết các vụ án thực tiễn còn có một số vướng mắc và cách hiểu để áp dụng luật còn khác nhau. 

Điều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
1. Người chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Có nơi cư trú rõ ràng;
d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;
đ) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn;
e) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.
3. Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
4. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
5. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Thứ nhất, vướng mắc thời điểm tính thời gian thử thách

Khoản 3 Điều 66 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung  năm 2017) quy định người được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chịu một thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù, tức là thời gian thử thách còn lại bằng thời gian mức án đã tuyên trừ đi thời gian thực tế đã chấp hành án. Như vậy, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là thời điểm người đang chấp hành án chính thức được trả tự do từ cơ sở giam giữ, tức là ngày cơ sở giam giữ tổ chức công bố quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án cho phạm nhân và tiến hành tha tù cho phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Tại mục 2 Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01/8/2018 về việc thực hiện quy định của BLHS 2015: "Thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành và thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách kể từ ngày Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật".

Điều 59 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: "… Ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có hiệu lực pháp luật, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện và tha phạm nhân. Thời gian thử thách được tính từ ngày quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật”.

Tại Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 07/5/2018 quy định: “Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ tổ chức công bố quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Toà án cho phạm nhân đang chấp hành án biết và tiến hành tha phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện”.

Như vậy, cơ sở giam giữ phải tiến hành công bố quyết định và tha tù ngay sau khi nhận quyết định của Tòa án. Cho nên việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách chưa có sự thống nhất với nhau, từ đó sẽ dẫn đến việc hiểu và áp dụng quy định này của các cơ quan pháp luật không thống nhất, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Nếu sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì quyết định này vẫn chưa có hiệu lực pháp luật vì chưa đủ 15 ngày trong khi đó khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định, như vậy khi quyết định tha tù bị kháng nghị và Tòa án cấp trên chấp nhận kháng nghị đồng nghĩa tòa án cấp trên hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì đến thời điểm này chưa thấy có văn bản pháp luật nào đề cập thủ tục bắt giữ lại người vừa được cơ sở giam giữ tha tù trong tình huống này và cơ quan nào có thẩm quyền ra lệnh bắt lại phạm nhân đã được tha tù. 

Thứ hai, đối với trường hợp phạm tội lần đầu

Ví dụ bị cáo bị xét xử về các tội Vận chuyển, Buôn bán hàng cấm, Lưu hành tiền giả. Bản án nhận định, ngoài lần phạm tội này, bị cáo khai còn thực hiện hành vi vận chuyển, buôn bán nhiều lần trước đó (có đủ yếu tố cấu thành tội phạm), tuy nhiên không xác định được trọng lượng, chủng loại và cũng không xác định được bị hại nên không có căn cứ để xử lý trong vụ án này. Như vậy hành vi của bị cáo có được coi là phạm tội lần đầu hay không và hành vi mà tự bị cáo khai ra đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có đủ điều kiện xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không?

Thứ ba, thẩm quyền xác minh về điều kiện “Không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”

Về điều kiện “Không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” theo quy định khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội...". Quy định này chưa chặt chẽ và không phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Khi người có thẩm quyền nhận xét, xác nhận có thể chủ quan, cảm tính.

Do đó, nếu phạm nhân được nơi chấp hành án đánh giá có nhiều tiến bộ, xếp loại cải tạo tốt ở nhiều quý liền kề hoặc có thành tích xuất sắc, lập công trong quá trình lao động, cải tạo trước thời điểm lập hồ sơ xét, đề nghị tha tù thì không cần thiết phải xác minh, bởi vì lúc này phạm nhân đang ở trong cơ sở giam giữ chứ không phải ở địa phương nên không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên hiện nay luật cũng chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm và thẩm quyền xác minh, và xác minh như thế nào khi phạm nhân đang chấp hành án trong cở sở giam giữ và nếu chỉ dựa vào địa phương xác nhận "Ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự" thì không khách quan và phạm nhân không được xem xét tha tù, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đang chấp hành án phạt tù.

Từ những quan điểm trên tác giả đề xuất kiến nghị như sau:

 Tòa án nhân dân tối cao và Bộ công an cần thống nhất về thời điểm tính thời gian thử thách đối với phạm nhân khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Sửa khoản 9 Điều 368 BLTTHS và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2018 của Bộ Công an sửa đổi thành: “Ngay sau 15 ngày kể từ ngày quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật, cở sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và tiến hành tha ngay phạm nhân, thời gian thử thách tha tù trước thời hạn có điều kiện tính từ ngày cơ sở giam giữ tha phạm nhân...”.

Trường hợp không sửa đổi khoản 9 Điều 368 BLTTHS và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 07/5/2018 thì sau 03 ngày nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cơ sở giam giữ công bố quyết định và tiến hành tha phạm nhân khi quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện khi chưa có hiệu lực pháp luật, nếu trường hợp quyết định này có kháng nghị và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị hủy quyết định thì cơ quan nào có quyền ra lệnh bắt lại phạm nhân đã được tha tù. Cho nên cần có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể nếu trường hợp này xảy ra.

Về điều kiện“Không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản quy định thẩm quyền cơ quan xác minh đối với điều kiện trên. Theo quan điểm của tác giả, ví dụ: Khi một phạm nhân đang chấp hành phạt tù 3 năm trong cơ sở giam giữ được nhận xét chấp hành cải tạo tốt, có nhiều thành tích trong lao động, học tập và khoảng thời gian 3 năm đó ở địa phương không ảnh hưởng gì về an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhưng có trường hợp phạm nhân được xem xét đề nghị tha tù, trước đó có xích mích, mâu thuẫn cá nhân với người có thẩm quyền nhận xét, xác nhận ở địa phương hoặc người thân của họ, từ đó ảnh hưởng đến mặt chủ quan, cảm tính trong quá trình xác minh. Cho nên chỉ dựa vào nhận xét của địa phương là không khách quan và sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi được tha tù của phạm nhân. Cho nên cơ quan pháp luật cần quy định cơ quan nào có quyền thẩm tra, xác minh một cách khách quan hoặc không cần thiết phải thẩm tra, xác minh tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Đối với trường hợp phạm tội lần đầu khi xét xử xét thấy việc bị cáo tự nguyện khai báo, nhưng không có đủ các tài liệu, chứng cứ khác vì lời khai của bị can, bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội bị cáo mà phù hợp với các chứng cứ tài liệu khác và áp dụng theo hướng có lợi nên các trường hợp này đủ điều kiện để xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Thượng úy PHAN VĂN VUI
Thư ký TAQS Khu vực Quân khu 1
/quy-dinh-ve-tien-luong-tinh-dong-bhxh-bat-buoc-bhyt-bhtn.html