/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vướng mắc về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Vướng mắc về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

06/02/2023 10:53 |

(LSVN) - Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhiều trường hợp Tòa án, Viện Kiểm sát hoặc Cơ quan điều tra không xác định được rõ tung tích của người được cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng. Ngoài ra, còn có một số trường hợp các đương sự cần cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm rất nhiều thành phần trong xã hội, cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau, di chuyển nhiều nơi do tính chất công việc nên không thể thực hiện được việc tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho họ làm ảnh hưởng đến hoạt động giải quyết các vụ án hình sự. Vì vậy, để vụ án được giải quyết kịp thời, đúng thời hạn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác thì pháp luật tố tụng hình sự có quy định về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của pháp luật

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhiều trường hợp Tòa án, Viện Kiểm sát hoặc Cơ quan điều tra không xác định được rõ tung tích của người được cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng. Ngoài ra, còn có một số trường hợp các đương sự cần cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm rất nhiều thành phần trong xã hội, cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau, di chuyển nhiều nơi do tính chất công việc nên không thể thực hiện được việc tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho họ làm ảnh hưởng đến hoạt động giải quyết các vụ án hình sự. Vì vậy, để vụ án được giải quyết kịp thời, đúng thời hạn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác thì pháp luật tố tụng hình sự có quy định về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự.

Bản chất thủ tục này chính là dán các văn bản tố tụng hình sự cần cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo tại nơi công cộng, đông người qua lại, để mọi người ai cũng đọc được văn bản, thông báo. Thông qua đó, người được cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng cũng biết được nội dung của văn bản, biết được quyền, nghĩa vụ của mình để thực hiện, đồng thời đây cũng được coi là bằng chứng để chứng minh người có nghĩa vụ cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng đã thực hiện đúng trách nhiệm của mình để từ đó Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra có cơ sở để giải quyết các vụ án trong thời hạn luật định, không để án tồn đọng, kéo dài.

Hiện nay, việc niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự được quy định tại Điều 140, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

“1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu.

2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cuối cùng người được cấp, giao văn bản tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi cuối cùng người đó làm việc, học tập.

Văn bản tố tụng phải được niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết công khai được lập biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết thúc việc niêm yết”.

Theo quy định này thì việc niêm yết công khai văn bản tố tụng chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích, không rõ nơi cư trú chính thức hoặc không thể thông báo trực tiếp cho người nhận. Tức là, ngoài các trường hợp trên, người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng hình sự không được phép thực hiện việc niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự; việc niêm yết công khai không thỏa mãn những điều kiện trên sẽ bị coi là không hợp lệ. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định rõ trường hợp thế nào là không thể thực hiện được việc cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng trực tiếp. Hiện tại chỉ có khoản 3, Điều 138, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “3. Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, giao, có xác nhận của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc, học tập..”. Ngoài trường hợp này thì Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định trường hợp nào khác. Do vậy, việc xác định trường hợp nào là không thể thực hiện được việc cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng để thực hiện thủ tục niêm yết còn gặp nhiều khó khăn.

Việc niêm yết công khai là nhằm để người được cấp, tống đạt và thông báo biết được nội dung văn bản tố tụng. Có thể do họ tình cờ thấy hoặc những người biết được tung tích của họ thấy và báo lại cho họ biết. Trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (nơi cư trú cuối cùng) của người được cấp, thông báo, tống đạt chính là nơi mà người được cấp, tống đạt và thông báo hoặc người thân thích của họ có nhiều khả năng nắm bắt thông tin nhất. Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt và thông báo cũng không thể thực hiện việc niêm yết ở tất cả mọi nơi. Do vậy, việc niêm yết ở những nơi như vậy là phù hợp với thực tế giải quyết vụ án trong giai đoạn hiện nay.

Điều kiện để thực hiện việc niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự đó là: việc niêm yết công khai chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích hoặc nơi cư trú chính thức của người được cấp, tống đạt và thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt và thông báo trực tiếp.

Chủ thể thực hiện niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự: Chủ thể thực hiện việc niêm yết chỉ có thể là Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng được Tòa án ủy quyền.

Khi thực hiện việc niêm yết công khai thì người thực hiện phải lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo. Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng hình sự không quy định địa điểm nào phải niêm yết bản chính, địa điểm nào phải niêm yết bản sao, do đó tạo sự thuận lợi cho quá trình niêm yết, vì mục đích của việc niêm yết công khai chính là để người được cấp, tống đạt và thông báo biết được nội dung của văn bản cần cấp, tống đạt, thông báo. Việc niêm yết ở trụ sở cơ quan ban hành văn bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt và thông báo cũng là để họ biết được nội dung của văn bản. Do vậy, về nguyên tắc thì các văn bản niêm yết này phải giống nhau.

Về vấn đề thời hạn niêm yết: Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ. Việc niêm yết công khai cần có một thời gian hợp lý để người được cấp, tống đạt và thông báo biết được nội dung thông tin của văn bản được niêm yết công khai. Thực tế thì thời gian để người được cấp, tống đạt và thông báo văn bản tố tụng dân sự nắm bắt được thông tin của văn bản niêm yết ở mỗi trường hợp lại khác nhau. Có trường hợp sau khi niêm yết công khai một thời gian ngắn là người đó đã nắm bắt được nội dung của văn bản, nhưng có trường hợp sau khi niêm yết công khai thì vì một lý do khách quan nào đó họ cũng không biết được nội dung văn bản trong thời hạn quy định. Do đó, việc niêm yết công khai cần có một thời hạn nhất định để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các bước tiếp theo trong hoạt động của mình.

2. Vướng mắc

Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự thì thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng có quy định phân biệt ra thủ tục cấp, giao chuyển trực tiếp cho người nhận là cá nhân (khoản 1, Điều 152) và thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp cho cơ quan, tổ chức (khoản 4, Điều 153). Tuy nhiên, trong thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng (Điều 140) lại không có quy định riêng ra cho hai loại đương sự như trên, mà chỉ có thủ tục niêm yết công khai đối với đương sự là cá nhân. Bởi lẽ, khoản 1, Điều 140, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu”. Vậy, trường hợp nếu đương sự là cơ quan, tổ chức thì tiến hành theo thủ tục như thế nào? Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức hay tại nơi cư trú của đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó? Đây là vấn đề vướng mắc đặt ra hiện nay cần có quy định cụ thể để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng.

3. Kiến nghị

Bộ luật Tố tụng hình sự cần bổ sung thêm quy định về việc niêm yết công khai đối với trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức, để giúp khắc phục tình trạng cấp, tống đạt và thông báo trực tiếp đối với cơ quan, tổ chức không thể thực hiện được như hiện nay. Theo đó, đề nghị sửa lại khoản 1, Điều 140, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng “1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người, cơ quan, tổ chức được cấp, giao đang ở đâu” để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất.

Tóm lại, tiễn áp dụng các quy định về cấp, giao, chuyển, gửi văn bản tố tụng hình sự hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được điều kiện, tình hình nước ta hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn có  quy định thể hiện sự chưa đầy đủ, rõ ràng gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Do đó, cần thiết phải bổ sung để hoàn thiện quy định về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng đối với “cơ quan, tổ chức” là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG

Toà án Quân sự Khu vực Quân khu 9

Bàn về xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam

 
Nguyễn Hoàng Lâm