Ảnh minh hoạ.
Vấn đề pháp lý
Khi nghiên cứu vấn đề này, tác giả thấy rằng trong Giải đáp số 212 ngày 13/9/2019 của Toà án nhân dân Tối cao đã giải đáp “Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341)”. Do vậy, trong trường hợp của câu hỏi trên, theo tác giả ngoài hành vi buôn lậu ra thì hành vi làm giả các giấy tờ của cơ quan tổ chức phải cấu thành tội phạm độc lập vì đã xâm phạm vào hai khách thể khác nhau.
Tuy nhiên, trong cũng vấn đề này, Vụ pháp chế Tòa án nhân dân Tối cao lại có Công văn số 50 ngày 07/4/2020 của Vụ pháp chế Tòa án nhân dân Tối cao trả lời cho Tòa án Hà Giang về một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cho rằng “Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (như sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả...) để chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, thế chấp... Nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu đặc trưng trong mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây cũng là hành vi khách quan của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Vấn đề này, theo hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233/TANDTC- PC ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân Tối cao thì trường hợp người thực hiện một hành vi phạm nhiều tội, nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Do đó, trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Cũng cần lưu ý rằng, trường hợp này khác với trường hợp làm giả giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ, tài liệu đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua nội dung của Công văn số 50 nêu trên thì có thể hiểu ý kiến của Vụ pháp chế là:
- Trường hợp người phạm tội sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phạm vào tội nặng hơn là tội lừa đảo và chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Nếu chứng minh được việc người phạm tội là người vừa làm giả giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức và sau đó lại sử dụng giấy tờ, tài liệu này để lừa đảo thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS và tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Đề xuất giải pháp, kiến nghị
Theo tác giả, để thống nhất trong việc áp dụng thì tác giả đề nghị Toà án nhân dân Tối cao cần hướng dẫn cụ thể như sau:
Tất cả các trường hợp sử dụng giấy tờ, tài liệu giả (như vô tình có được hoặc mua lại giấy tờ giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật của tất cả các tội chứ không riêng gì là tội lừa đảo thì cần coi đây là một thủ đoạn phạm tội để hút vào tội nặng hơn.
Còn trường hợp vừa làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức rồi lại sử dụng giấy tờ, tài liệu đó để phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội là phù hợp (kể cả trường hợp thuê người khác làm giả).
Và như vậy thì trường hợp câu hỏi trên: Trong vụ án về tội “Buôn lậu“ hoặc lừa đảo, ngoài hành vi buôn lậu, lừa đảo, bị cáo còn thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức để hợp thức hóa việc buôn lậu hoặc sử dụng giấy tờ giả là thủ đoạn gian dối để lừa đảo thì chỉ nên xử về một tội “Buôn lậu” theo Điều 188 và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
VŨ VIỆT PHƯƠNG
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất