Ảnh minh họa.
Mới đây nhất là vụ một địa phương đã gửi văn bản "xin" tiền hỗ trợ đến nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó 1 doanh nghiệp bị "xin" hỗ trợ đến 500 triệu đồng. Mặc dù sau khi sự việc bị đưa ra công luận thì được giải thích là ủng hộ cho địa phương "xử lý công việc" nhưng thực chất đa số vụ việc tương tự đã qua thì chỉ một số người được hưởng lợi, chia chác nhau mà thôi. Trong khi cơ quan nhà nước, người dân địa phương bị lấy ra làm bình phong, bị mang tiếng đi "xin" tiền nhưng chẳng được hưởng lợi lộc gì.
Do "không có chủ trương" của địa phương nên việc ngang nhiên "xin" tiền doanh nghiệp bằng văn bản có đóng dấu như vậy có thể coi là hành vi cưỡng đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân. Bởi, theo giải thích từ người có trách nhiệm của địa phương thì vụ việc này xuất phát "tự ý" của một số cá nhân. Địa phương không giao nhiệm vụ "xin" tiền cho họ nhưng họ lại mang con dấu, nhân danh cơ quan nhà nước, chính quyền ra để "xin" tiền là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Những người này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương.
Mặt khác, việc "xin" tiền còn có thể bị coi là hành vi tham nhũng, vòi vĩnh, tiêu cực theo cách gọi hiện nay là "tham nhũng vặt". Bởi cố tình vận động quyên góp, ủng hộ mà không có chủ trương của cơ quan quan có thẩm quyền, không có kế hoạch sử dụng khoản tiền quyên góp được, nhất là không có đối tượng được thụ hưởng cụ thể, không có thanh, quyết toán theo quy định thì đó là hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Ngoài ra, vận động ủng hộ theo kiểu "chui" như thế này chính quyền, cơ quan chức năng rất dễ bị doanh nghiệp "bắt thóp", điều khiển, khống chế làm theo yêu cầu, ý muốn của họ. Bởi khi đã nhận lợi ích, bị ràng buộc về lợi ích từ các doanh nghiệp sẽ bị họ đưa vào vòng cương tỏa, khống chế để gây sức ép phải bỏ qua, làm ngơ khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc thực hiện theo yêu sách không hợp lý của họ.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân thực hiện hành vi trái quy định, trái thẩm quyền này. Tuyệt đối không nên dừng lại chỉ xử lý phần ngọn, giải quyết "khủng hoảng truyền thông", tình huống rồi cho qua, "chìm xuồng" "đâu lại vào đấy". Bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, tạo tiền lệ xấu nếu không giải quyết rốt ráo, dứt điểm để răn đe, hòng ngừa các trường hợp tương tự về sau.
Nếu để tệ nạn này tồn tại dai dẵng sẽ như thứ ung nhọt rất nguy hiểm cho xã hội; không được "giải phẫu", xử lý dứt điểm sẽ làm mất lòng tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật. Đây cũng là biểu hiện tiêu cực, tha hóa của một số cán bộ, công chức làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước và rất có thể là mầm mống các vụ đại án tham nhũng, tiêu cực lớn về sau.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum