/ Luật sư - Bạn đọc
/ Sản xuất, rao bán các mẫu quần áo in hình tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật?

Sản xuất, rao bán các mẫu quần áo in hình tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật?

04/03/2021 08:57 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, việc sản xuất, rao bán các mẫu quần áo với tên gọi “Tài lộc” in hình ảnh giống các tờ tiền Việt Nam được xác định là hành vi “Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”. Theo đó, hành vi trên tuy không bị xử lý hình sự nhưng có thể bị phạt hành chính với số tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được.

Các bộ quần áo in hình tờ tiền Việt Nam đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tình trạng rao bán các mẫu quần áo với tên gọi "Tài lộc" in hình ảnh giống các tờ tiền Việt Nam mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng.

Được biết, giá bán các bộ quần áo in hình tiền Việt Nam này dao động từ 150 đến 180 nghìn đồng một bộ, các tài khoản Facebook rao bán loại mặt hàng trên khẳng định, những bộ quần áo "Tài lộc" này có sẵn phục vụ người mua ở mọi lứa tuổi và giới tính.

Nhiều ý kiến từ cư dân mạng thắc mắc, liệu hành vi bán quần áo in hình các loại tiền của Việt Nam trên có vi phạm pháp luật không? Và chế tài cho hành vi này như thế nào?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty TNHH Sao Sáng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, tiền Việt Nam đồng là đơn vị tiền tệ chính thức của nước Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và đảm bảo, là thước đo giá trị, phương tiện trao đổi, phương tiện thanh toán cho toàn bộ hàng hóa và dịch vụ, là phương tiện tích lũy trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Theo Luật sư Hồng Dương, về phương diện pháp lý, tiền Việt Nam đồng là phương tiện thanh toán pháp quy duy nhất tại Việt Nam. Tiền cũng là một hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Kế thừa các quy định trước đây, Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/08/2017 về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đã xác định Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được độc quyền về in, đúc tiền trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Việc in, đúc tiền chỉ được thực hiện duy nhất bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty TNHH Sao Sáng.

Pháp luật cũng đã có quy định cụ thể để bảo vệ sự độc quyền về việc in, đúc Tiền Việt Nam. 

Cụ thể, Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/06/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam đã quy định rõ về “Những hành vi bị nghiêm cấm” như sau:

1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.

2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.

3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam

“Căn cứ vào quy định trên, khi đối chiếu với sự việc, dễ dàng có thể thấy, việc sản xuất, rao bán các mẫu quần áo với tên gọi “Tài lộc” in hình ảnh giống các tờ tiền Việt Nam là hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam, được xác định là hành vi “Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đã xâm phạm tính độc quyền của Nhà nước về in, đúc tiền”, Luật sư Hồng Dương cho biết.

Luật sư Dương cũng cho hay, hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của một số mênh giá tiền Việt Nam, là hành vi có tính chất phản cảm, được thực hiện với mục đích theo đuổi lợi nhuận không chính đáng, cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh. 

Khoản 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì người có hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.  

Bên cạnh hình thức phạt tiền, người vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được (khoản 5, khoản 6, Điều 31). 

Điều 31, Nghị định 88/2019/NĐ-CP đã quy định về “Vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam” cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

b) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

c) Bố trí cán bộ làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ hoặc giao dịch viên chưa qua đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả;

d) Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

b) Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

c) Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, Luật sư Dương cũng lưu ý, trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện bởi tổ chức thì mức xử phạt tiền hành chính cho tổ chức đó sẽ gấp đôi so với cá nhân vi phạm, căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”

Hiện nay, xu hướng kinh doanh mua bán hàng hóa qua các ứng dụng công nghệ và mạng xã hội ngày càng phổ biến, số lượng người kinh doanh nhỏ lẻ tăng nhanh, không có đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định nên rất khó kiểm soát. Thêm nữa, vì lợi nhuận cao, số tiền tiền thu về được lớn hơn mức tiền xử phạt, do đó có nhiều người vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh trái pháp luật. Vấn đề này không chỉ giới hạn trong phạm vi sản xuất, rao bán các mẫu quần áo in hình tiền Việt Nam nêu trên mà mở rộng ra cả đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có kiểm định chất lượng, hàng nhái, hàng giả...

Luật sư Hồng Dương cho rằng, để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, chúng ta cần đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân mà trực tiếp nhất là những cá nhân, tổ chức đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đối với các cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường công tác quản  lý, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, dứt khoát, triệt để các hành vi vi phạm xảy ra.

Về góc độ hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, Luật sư Dương cho biết, do hiện nay hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam đang dừng lại ở biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

“Vì vậy, để đảm bảo công cụ pháp luật có tính răn đe, tự giác chấp hành, nhà làm luật cần đanh giá, xem xét, điều chỉnh, nâng cao mức xử phạt hành chính hoặc hình sự hóa đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng cao hoặc vi phạm nhiều lần”, Luật sư Đặng Hồng Dương cho hay.   

TRẦN MINH 

Giám sát hoạt động lực lượng chức năng thế nào cho đúng?

Lê Minh Hoàng