/ Pháp luật - Đời sống
/ Hành vi trục lợi tiền từ thiện xử lý thế nào, căn cứ để Công an vào cuộc điều tra?

Hành vi trục lợi tiền từ thiện xử lý thế nào, căn cứ để Công an vào cuộc điều tra?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trục lợi tiền từ thiện có bị xử lý hình sự hay không? Khi nào thì Công an vào cuộc để điều tra, làm rõ? Bạn đọc H.H.K. hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hoạt động kêu gọi từ thiện hiện tại được điều chỉnh bởi các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP, theo Nghị định này, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi.

Nghiêm cấm gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp. Căn cứ Điều 5 của Nghị định này nêu rõ các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm: “1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. 2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép”.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, hiện tại pháp luật không cho phép bất cứ một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trong trường hợp những người thực hiện kêu gọi quyên góp và đứng ra tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, quà từ thiện “một cách tự phát” là các hoạt động xã hội được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự là hợp đồng tặng cho tài sản và ủy quyền thực hiện việc tặng cho tài sản, đây là hoạt động hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (2015) và phù hợp với đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các đối tượng có "hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện" của các mạnh thường quân thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 174 hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm (2015), với nhiều tình tiết tăng nặng thì khung hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Ngoài ra, về vấn đề khi nào thì Công an vào cuộc để điều tra, làm rõ, Luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng, nếu có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp từ thiện thì cơ quan CSĐT – Bộ Công an hoàn toàn có thể vào cuộc  xem xét, xử lý các đối tượng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Riêng trong các trường hợp dù “chưa có người đứng ra tố giác” thì cơ quan Công an vẫn sẽ chủ động nắm thông tin, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nếu sự việc đó có dấu hiệu gây bất ổn xã hội, cơ quan Công an sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ mà không cần đơn thư tố giác của công dân. Còn việc tiếp nhận tin báo, nắm bắt thông tin tố giác của các cá nhân, tổ chức được thực hiện theo Điều 145, 146, 147, Bộ luật Tố tụng Hình sự (2015) và Thông tư 28/2020/TT-BCA của Bộ Công an về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

VŨ QUÝ

Xử lý nghiêm việc trục lợi từ quyên góp, ủng hộ của người dân

Lê Minh Hoàng