(LSVN) - Tội "Hành hạ trẻ em" sẽ bị xử lý thế ra sao quy định pháp luật hiện hành?
Ảnh minh họa.
Nhận diện các hành vi hành hạ trẻ em
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 1, Công ước quyền trẻ em, trong phạm vi Công ước này trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ các trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định dưới tuổi thành niên sớm hơn. Tuy nhiên, theo Luật trẻ em năm 2016 hiện nay lại quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Theo đó, dù là các luật quốc tế, các Công ước quốc tế hay tại Luật Trẻ em ở Việt Nam đều nghiêm cấm hành vi bóc lột, bạo lực, hành hạ trẻ em.
Tại khoản 6, Điều 4, Luật trẻ em 2016 quy định về các hành vi bạo lực trẻ em như sau:
"6. Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Theo quy định nêu trên, hành hạ trẻ em là một trong các hành vi bạo lực trẻ, đây là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình làm cho người đó đau đớn về thể xác hoặc khổ sở về tinh thần.
Hành vi hành hạ được thực hiện bằng các hình thức:
- Dùng sức mạnh thể chất như: Đánh đập, bắt trói, giam cầm...;
- Dùng lời nói như: Chửi mắng, sỉ vả, đe dọa, lăng mạ...;
- Bằng cách không hành động như bỏ mặc không cho ăn, không cho uống, không chăm sóc...".
Hành hạ trẻ em là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, do đó, người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu hình thức xử phạt tương ứng với tính chất, mức độ hành vi và hậu quả để lại.
Xử phạt thế nào?
Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi hành hạ trẻ em có thể bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Căn cứ theo Điều 52, Điều 53, Nghị định này, cha, mẹ, ông, bà, người thân trong gia đìn có hành vi hành hạ trẻ em sẽ bị xử phạt như sau:
- Trường hợp có hành vi đánh đập gây thương tích, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm: Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
- Trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định 130/2021/NĐ-CP cũng quy định nhiêu mức phạt cụ thể khác liên quan đến hành vi hành hạ trẻ em như:
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với các hành vi (khoản 1, Điều 22, Nghị định 130/2021/NĐ-CP):
+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng với hành vi bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em (khoản 1 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)…
- Đối với trường hợp hành hạ trẻ em là người thân trong gia đình:
Theo khoản 2, Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể đối với người dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù từ 02 - 05 năm.
- Đối với trường hợp hành hạ trẻ em không phải là người thân trong gia đình:
Với trường hợp này, theo quy định tại khoản 2, Điều 140 về tội "Hành hạ người khác", người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình là người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
QUÝ NGUYỄN