Ảnh minh họa.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 709/BC-ĐGS ngày 4/12/2023 của Đoàn giám sát với những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo nêu trên và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025; nhóm nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục 1 về Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong lĩnh vực năng lượng.
Cụ thể, có 14 luật tại Phụ lục 1 được đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong lĩnh vực năng lượng bao gồm:
- Luật Điện lực;
- Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Luật Dự trữ quốc gia;
- Luật Đầu tư;
- Luật Đất đai;
- Luật Quy hoạch;
- Luật Các tổ chức tín dụng;
- Luật Lâm nghiệp;
- Luật Hóa chất;
- Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Luật Quản lý nợ công;
- Luật Khoáng sản;
- Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
- Nghiên cứu, xem xét xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo, Luật Biến đổi khí hậu.
Với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.
Về nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết nêu rõ: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật về năng lượng tái tạo, về biến đổi khí hậu.
DUY ANH
Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí