9 nhóm nội dung được sửa đổi trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

08/11/2022 23:04 | 1 năm trước

(LSVN) - Dự thảo Luật giá (sửa đổi) trình Quốc hội sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn.

 

 

Ảnh minh họa.

Luật Giá 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013 đã đạt được nhiều kết quả. Qua 10 năm thực hiện, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Giá 2012 cũng đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.

Do đó, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã đánh giá, tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật Giá và hiện nay đang được thảo luận tại Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về những nội dung được sửa đổi tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết, Luật Giá sửa đổi lần này vẫn kiên trì mục tiêu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn về:

(1) Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá;

(2) Phương pháp định giá;

(3) Bình ổn giá;

(4) Kê khai giá;

(5) Hiệp thương giá;

(6) Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường;

(7) Điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá;

(8) Điều kiện đối với thẩm định viên về giá;

(9) Hoạt động thẩm định giá của nhà nước.

Công tác quản lý giá hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Giá và nhiều luật chuyên ngành. Trong Luật Giá (sửa đổi) lần này sẽ bao quát, tổng hợp để đảm bảo công tác quản lý giá được bao quát, tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá.

Qua rà soát hiện nay có 52 nhóm mặt hàng do Nhà nước định giá, sẽ rà soát đưa ra khỏi danh sách 14 nhóm mặt hàng, dịch vụ, bổ sung 2 nhóm mặt hàng là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ an ninh quốc phòng do nhà nước đặt hàng.

Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố thêm các quy định và phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nhất là các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý giá. Một trong các thay đổi lớn tại dự thảo là đã điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cho Chính phủ nhằm tăng cường tính linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch thông qua việc củng cố, quy định rõ về trường hợp, phạm vi, quy trình thực hiện bình ổn giá.

Ngoài ra, đối với công tác thẩm định giá, Luật Giá sửa đổi cũng quy định để đảm bảo tính chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá theo các lĩnh vực gắn với việc tăng cường điều kiện về thành lập, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá; quy định rõ giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá đồng thời quy định trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá.

MAI HUỆ

Luật sư trong thời đại 4.0: Thời cơ và thách thức