Còn nhiều ý kiến trái chiều
Tọa lạc tại phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, Chùa KomPong có lịch sử hàng ngàn năm tuổi, có giá trị về kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trải qua thời gian ngôi chùa nhiều lần được sửa chữa.
Ngày 27/11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có Văn bản số 4429/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Trà Vinh về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Bodhisălarăja (KomPong). Bộ VHTT&DL thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Bodhisălarăja (KomPong), với nội dung tu bổ Chánh điện và Thư viện. Tuy nhiên, Bộ VHTT&DL lưu ý, đối với hạng mục Chánh điện, cần bổ sung phương án hạ giải, tu bổ, bảo tồn các trang trí trên mái và kỹ thuật, vật liệu tu bổ, bảo tồn tranh tường. Bên cạnh đó, hồ sơ dự án cần bổ sung, hoàn thiện phương án xây dựng nhà bao che công trình trong quá trình thi công và phương án bảo vệ hiện vật; phần thuyết minh dự án cần bổ sung nội dung giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và làm rõ quá trình xây dựng, tu bổ di tích.
Hình ảnh Chánh điện tại thời điểm trước khi tu bổ.
Ngày 29/12/2020, UBND tỉnh Trà Vinh đã có Quyết định số 4070/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bodhisălarăja (KomPong)phường 1, thành phố Trà Vinh. Tổng mức đầu tư dự án là 26.555.000.000 đồng (Hai mươi sáu tỷ, năm trăm năm mươi lăm triệu đồng).
Việc Tu bổ Chánh điện và Thư viện di tích chùa KomPong, tỉnh Trà Vinh nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, người dân. Sau gần 3 năm đi vào triển khai, trùng tu, tôn tạo đến nay khi dự án đang đi vào những công đoạn cuối cùng nghiệm thu để đưa vào sử dụng thì đơn vị tư vấn thiết kế và cả những du khách chiêm bái đều nhận ra sự khác biệt ở phần mái ngói của Chánh điện chùa KomPong có màu sắc khác nhau.
Theo đó, hiện trạng mái Chánh điện của chùa Bodhisălarăja (KomPong), tại thời điểm trước và sau khi tu bổ, tôn tạo có màu “khác lạ”. Nếu như màu ngói Chánh điện của di tích chùa KomPong trước khi đưa vào tu bổ có màu cổ kính, rêu phong theo màu của thời gian thì sau khi tu bổ màu ngói có phần ngả sang màu hồng gạch (viên gạch) không còn màu cũ. Điều này khiến không ít người ngỡ là ngôi chùa này được làm lại mới hoàn toàn.
Về màu sắc của mái ngói Chánh điện chùa này, mức độ phản ứng khác nhau tùy vào độ hiểu biết về chuyên môn cũng như dự án này, người gay gắt, người ôn hòa hơn, nhưng với những người làm công tác chuyên môn thì đều cho rằng màu ngói Chánh điện “chưa đạt yêu cầu” mà công trình đang được hoàn thiện. Ghi nhận tại thực tế chùa KomPong, Chánh điện của chùa đã được hoàn thiện, sơn sửa lại. Phần mái ngói của Chánh điện đúng như phản ánh có hai màu khác nhau, một màu vàng ngả và một màu vàng đậm. Bên trong của Chánh điện cũng đã được tu sửa lại từ gạch đá hoa…
“Nếu làm sai thiết kế thì phải làm lại”
Theo tìm hiểu, Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh là đơn vị chủ đầu tư của dự án Tu bổ tôn tạo Chùa KomPong; liên danh nhà thầu Công ty TNHH Nội thất xây lắp Trà Vinh và Công ty TNHH một thành viên Hacota là đơn vị trúng thầu với tư cách theo năng lực liên danh.
Điều 34 Luật Di sản văn hóa quy định: "Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích...
Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về VHTT&DL cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân”.
Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó quy định khá đầy đủ và chi tiết về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ thực hiện công việc này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn còn rất nhiều địa phương, nhiều di tích "bị" tu bổ theo kiểu đập cũ làm mới.
Ngói Chánh điện tại Di tích Quốc gia chùa KomPong có hai màu khác nhau sau khi trùng tu.
Theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định: Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, di sản văn hóa, các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan. Phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khu vực quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hài hòa về cảnh quan và kiến trúc khu vực. Bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Quy hoạch di tích phải được lập, phê duyệt với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.
Tổ chức, cá nhân tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi là nhiệm vụ lập quy hoạch di tích), lập quy hoạch di tích, lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích phải có đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng.
Còn theo Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTD ngày 31/12/2019 về quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có nêu rõ: Phục chế các thành phần bị hỏng, bị mất của di tích là hoạt động tạo ra sản phẩm mới theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật để thay thế thành phần bị hỏng, bị mất của di tích.
Tại Điều 4, nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích cũng quy định rõ cần tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động và các quy định pháp luật có liên quan. Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích. Được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích.
Trường hợp điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình. Cùng với đó, các vật liệu phục vụ công tác tu bổ là vật liệu được phục chế theo nguyên mẫu. Vì vậy, phải được làm mẫu được duyệt mẫu sau đó mới cho đặt hàng sản xuất. Do đó, tính chính xác là yêu cầu bắt buộc.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, vấn đề về di tích lịch sử, nếu di tích lịch sử đã xếp hạng thì quy trình sửa chữa và phương án sửa chữa đã có theo quy định. Do đó, khi tiến hành trùng tu cần làm rõ đơn vị chủ đầu tư là ai? Ai là đơn vị thi công? Ai là đơn vị giám sát? Chủ đầu tư đã làm đúng trình tự thủ tục để duyệt các hạng mục sửa chữa hay chưa? “Cần phải kiểm tra hồ sơ tổng thể, nếu đã làm đúng phê duyệt mà đơn vị thi công làm sai thì sai ở khâu nào phải xác minh ngay ở khâu đó. Còn về màu sắc cũng cần xem quy định cụ thể trong hồ sơ, xem xét nguyên nhân thiếu sót, sai hay cố tình làm sai thiết kế. Nếu làm sai thiết kế thì phải làm lại”, Luật sư Vinh nói và khẳng định hiện nay các văn bản quy định pháp luật về trùng tu, sửa chữa tôn tạo di tích đã được xếp hạng có quy định rất rõ ràng.
Nhìn nhận về vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng vấn đề bảo tồn di tích, di sản văn hóa là một vấn đề cực kỳ quan trọng, và hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và sự hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương. Theo đó, việc bảo tồn tối đa yếu tố gốc và ưu tiên bảo quản, gia cố trước khi tu bổ, tôn tạo đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng ban đầu để đảm bảo rằng bất kỳ can thiệp nào không ảnh hưởng đến giá trị gốc của di tích. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia bảo tồn di tích, cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương.
Cùng với đó, việc "khoác áo mới" cho các di tích cũ cũng cần được tiến hành cẩn trọng. Khi di tích được tôn tạo hoặc trùng tu, việc giữ nguyên và bảo vệ giá trị gốc của nó là trọng tâm hàng đầu. "Khoác áo mới" không nên làm mất đi bản sắc văn hóa của di tích mà thay vào đó nên thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết sâu sắc về lịch sử và nghệ thuật của nó.
Theo đại biểu, trong quá trình trùng tu và tôn tạo di tích, cần phải có sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo rằng công trình được thực hiện đúng theo kế hoạch và không ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị văn hóa của di tích. “Năng lực thi công cũng rất quan trọng. Các nhà thầu và công nhân tham gia vào việc trùng tu, tôn tạo di tích cần phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách cẩn trọng và chính xác”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng hoạt động trùng tu và tôn tạo di tích cần phải được hướng dẫn bởi các chuyên gia bảo tồn di tích có kinh nghiệm để đảm bảo rằng quá trình bảo tồn, tu bổ được thực hiện theo các quy chuẩn chất lượng và kỹ thuật cao nhất. Khi công trình kiến trúc được trùng tu, tôn tạo, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng quá trình này không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa của di tích mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Việc hòa nhập các yếu tố hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc gốc của di tích có thể tạo ra một sự kỳ vọng mới và tạo nên một điểm nhấn văn hóa độc đáo trong cộng đồng.
Trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, việc thông tin và tương tác với cộng đồng địa phương cũng rất quan trọng. Sự thấu hiểu về quan điểm và mong muốn của cộng đồng đối với di tích có thể giúp xây dựng sự đồng thuận và hỗ trợ cho quá trình bảo tồn. Cộng đồng địa phương nên được đưa vào quá trình ra quyết định và thực hiện để đảm bảo rằng mọi can thiệp vào di tích được thực hiện một cách nhất quán với mong muốn và nhu cầu của cộng đồng. Việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và sự hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương. Việc trùng tu và tôn tạo di tích cần phải được thực hiện một cách khoa học, cẩn trọng và có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng giá trị gốc của di tích được bảo vệ và vinh danh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia bảo tồn di tích, cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương cũng rất quan trọng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích.
Nhìn về một số di tích như chùa KomPong, với lời giải thích của trụ trì “màu sắc ngói Chánh điện là chấp nhận được”, một câu hỏi được dư luận đặt ra rằng nếu ngôi chùa nào khi tiến hành trùng tu cũng chỉ phiên phiến, màu không như bản gốc mà xuề xòa chấp nhận thì phải chăng chúng ta coi việc “hiện đại hóa”, “thay áo mới” cho các di tích là điều hiển nhiên? Liệu có hay không năng lực thi công của các nhà thầu còn hạn chế?
Hòa thượng Thạch Oai – Trụ trì chùa Kompong.
Liên quan đến dự án trùng tu đang gây nhiều luồng ý kiến, Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Trụ trì chùa KomPong khẳng định mái ngói Chánh điện vẫn giữ được nét cổ kính, hoang sơ. “Do kỹ thuật của lò gốm, đặt màu ngói như cũ nhưng khi ra sản phẩm thì toàn bộ phần mái ra như vậy. Màu vàng hơi lệch chút, nhưng không làm thay đổi gì cả, từng viên ngói hình vuông ngày xưa có kích thước bao nhiêu thì nay kích thước vẫn giống như vậy. Chỉ có màu vàng hơi đậm một chút, đây là điều chúng tôi chấp nhận được, bởi màu ngói cũ được đặt từ Campuchia chứ không phải ở Việt Nam”, Hòa thượng Thạch Oai cho biết đồng thời khoát tay về một số mái ngói khác đã được tu bổ trong chùa cũng bị ngả màu như phần ngói tôn tạo của Chánh điện. Theo Hòa thượng Thạch Oai, nhà chùa cũng đã thống nhất chấp nhận được màu sắc mái ngói Chánh điện có hơi đậm chút nhưng vẫn giữ được nét uy nghi, giữ được sắc thái của Chánh điện, màu không thay đổi nhiều. Thầy cũng cho biết vừa qua cũng nghe phản ánh rằng đơn vị thi công sai màu mái ngói Chánh điện. Nhưng, hiện không vấn đề gì vì nhà chùa đã chấp nhận, các chư tăng, phật tử đều đồng tình là thành công, còn nếu không công nhận thì lại là vấn đề khác. Trụ trì của chùa KomPong cũng cho biết trong suốt quá trình tu sửa Chánh điện, luôn luôn theo sát và nghiên cứu, kiểm tra kỹ càng từng phần, nếu bên thi công làm không đạt yêu cầu thì phải làm lại, bao giờ đúng thì mới được thay sửa theo nguyện vọng và nhà chùa. |
PV