/ Trao đổi - Ý kiến
/ Áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền gốc cho vay

Áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền gốc cho vay

10/05/2024 06:11 |

(LSVN) - Vay tài sản là một dạng hợp đồng thông dụng thường xuyên được sử dụng trong các giao dịch dân sự. Khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay sẽ khởi kiện ra Toà án yêu cầu bên vay hoàn trả tài sản. Trong trường hợp này, bên vay có quyền được yêu cầu Toà án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền gốc cho vay hay không. Đây là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, tranh luận của các Luật sư trên diễn đàn luật học.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật hiện hành

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định[1]. Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó[2]. Như vậy, giao dịch cho vay tiền bản chất là hợp đồng vay tài sản, chủ sở hữu của tiền (bên cho vay) đã định đoạt tài sản của mình (tiền) bằng cách cho người khác vay (mượn), quyền sở hữu của bên cho vay đối với tiền của mình được chuyển giao sang bên vay kể từ thời điểm bàn giao tài sản (tiền), sau khi giao tiền thì bên vay trở thành chủ sở hữu mới của tài sản (tiền vay).

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện[3]. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm[4]. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu[5]. Trong giao dịch vay tài sản, nếu coi số tiền gốc là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên vay và việc khởi kiện yêu cầu hoàn trả số tiền gốc là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Ngược lại, nếu không coi việc khởi kiện yêu cầu hoàn trả số tiền gốc là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì sẽ phải áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Về vấn đề này, tại điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản. Ví dụ: Ngày 01/01/2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01/01/2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03/4/2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Toà án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Toà án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung. Nghị quyết này hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đến ngày 01/7/2016, bộ luật này đã hết hiệu lực nên văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành của bộ luật cũng đồng thời hết hiệu lực[6].

Bên cạnh đó, ngày 15/02/2023, khi trả lời về thời hiệu khởi kiện, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã giải thích trong Công văn số 443/VKSTC-V9 như sau: “Đối với yêu cầu trả tiền nợ gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện do đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015”. Mặc dù Công văn không phải văn bản quy phạm pháp luật, không có giá trị áp dụng bắt buộc nhưng đã thể hiện quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về vấn đề “yêu cầu trả tiền nợ gốc chính là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu”.

Từ những viện dẫn pháp lý nêu trên, đại đa số các cơ quan tiến hành tố tụng khi xét xử vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản đều không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu hoàn trả số tiền gốc đã cho vay. 

Quan điểm lý luận của tác giả

Tác giả cho rằng, việc khởi kiện yêu cầu trả tiền nợ gốc không phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, mà là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ. Do đó, Toà án phải áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền gốc đã cho vay khi đương sự có yêu cầu.

Về mặt lý luận, lý thuyết vật quyền, trái quyền xuất hiện trong Luật La Mã vào thế kỷ thứ VI, được các nhà làm luật Việt Nam sử dụng làm nền tảng khi sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005. Quyền tài sản được chia thành hai nhánh là vật quyền (quyền đối vật) và trái quyền (quyền đối nhân). Vật quyền (jus in re) là quyền của một người được tác động trực tiếp lên một vật, quyền này là tuyệt đối, không chịu sự chi phối của bất cứ một chủ thể nào khác. Trái quyền (jus ad rem) là quyền của một người với một người, quyền này được sinh ra dựa trên sự thoả thuận giữa các chủ thể, chủ thể có quyền được phép yêu cầu một chủ thể khác phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó cho mình. 

Vật quyền được vận hành dựa trên mối quan hệ giữa chủ thể của quyền (con người) và đối tượng chịu quyền (tài sản). Vật quyền cho phép chủ thể của quyền được truy đòi tài sản bất kể vật đó đang bị chủ thể nào nắm giữ. Vật quyền chỉ tồn tại khi tài sản (vật chịu quyền) còn tồn tại, nếu vật không còn hoặc không thể xác định thì không có vật quyền. Vật quyền được chia thành hai nhóm là vật quyền chính và vật quyền hạn chế. Quyền sở hữu là vật quyền chính. Vật, tiền đều là tài sản, cũng đều là đối tượng chịu quyền trong vật quyền. Tuy nhiên khác với vật, tiền không chỉ là một tài sản mà còn là một phương tiện thanh toán trong lưu thông hàng hoá. Tiền cũng có tính chất đặc định riêng biệt của một vật nhưng trong giao dịch dân sự, tiền thường được đem ra để trao đổi ngang giá.

Chủ tài sản (tiền) có quyền sở hữu đối với tiền của mình. Khi cho chủ thể khác vay tiền, chủ sở hữu đã định đoạt tài sản của mình bằng cách chuyển giao quyền sở hữu đó cho chủ thể khác. Tại thời điểm chuyển giao tài sản, quyền sở hữu (vật quyền) đối với tiền cho vay biến mất, thay thế vào đó là quyền đòi nợ (quyền yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình, đó là trái quyền). Do đó, không thể coi việc yêu cầu trả nợ gốc là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu do quyền sở hữu đã không còn (vì được chuyển giao cho người khác), quyền yêu cầu trả nợ là trái quyền (quyền yêu cầu một chủ thể khác thực hiện một nghĩa vụ) và không thể đòi lại được vật gốc (tiền gốc cho vay đã bị đem đi lưu thông trên thị trường, tuy vẫn còn tồn tại vật gốc nhưng không thể xác định và cũng không thể truy đòi quyền sở hữu).

Về mặt pháp luật thực định, Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó (Điều 464). Như vậy, quyền sở hữu tài sản (số tiền gốc) đã được chuyển giao từ bên cho vay sang bên vay, kể từ thời điểm giao tài sản (tiền gốc), bên cho vay đã không phải là chủ sở hữu của tài sản (tiền gốc) theo quy định của luật. Bên vay (chủ sở hữu mới) của tài sản vay (tiền gốc) đã xác lập quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật. Khi đã không còn là chủ sở hữu của tài sản, thì bên cho vay không có quyền khởi kiện ra Toà án yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu vì quyền sở hữu đã bị chấm dứt kể từ thời điểm bàn giao tài sản (cho vay). Cũng chính bởi bên cho vay không còn quyền sở hữu đối với khoản tiền cho vay nên bên vay chỉ có nghĩa vụ hoàn trả tiền (vật có giá trị tương đương) hoặc trả vật cùng loại khi đến hạn (Điều 466), bên vay không có nghĩa vụ phải hoàn trả lại đúng tài sản mặc định đã vay.

Như vậy, lý thuyết về vật quyền, trái quyền hoàn toàn phù hợp với nội dung của pháp luật thực định (Bộ luật Dân sự 2015) đều khẳng định một nội dung nhất quán, chủ sở hữu của tiền cho vay đã chuyển giao quyền sở hữu của mình sang cho bên vay và chỉ có quyền yêu cầu trả nợ, không còn quyền sở hữu tài sản đã cho vay. Việc bên cho vay khởi kiện yêu cầu trả tiền nợ gốc không phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, mà là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ. Do đó, Toà án phải áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền gốc đã cho vay khi đương sự có yêu cầu.

[1] Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Điều 464 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[3] Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[5] Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[6] Quyết định số 126/QĐ-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao ban hành ngày 06/4/2023.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật’: Vướng mắc và kiến nghị

Nguyễn Mỹ Linh