Ảnh minh họa.
Trong giao dịch dân sự, không phải lúc nào chủ thể cũng có thể trực tiếp thực hiện giao dịch. Pháp luật cho phép các chủ thể cử đại diện thực hiện công việc nhất định thay cho mình thông qua cơ chế ủy quyền. Chế định ủy quyền đã hình thành lâu đời và được coi là một trong những chế định điển hình của pháp luật dân sự(1).
Trên thực tế, đương sự trong đa số các vụ án/vụ việc không hiểu biết rõ về pháp luật hoặc có hiểu biết pháp luật nhưng do điều kiện, hoàn cảnh, họ không thể tự mình trực tiếp tham gia thực hiện. Chính vì vậy, việc họ giao kết hợp đồng ủy quyền cho người khác có hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn để đại diện cho họ thực hiện các công việc nhất định hoặc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước cơ quan có thẩm quyền là Tòa án hoặc các cơ quan nhà nước khác. Trong hoạt động hành nghề luật sư, đại diện cho khách hàng là một dịch vụ pháp lý được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư. Tuy nhiên, thực tế hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí là nhầm lẫn khi đồng nhất hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý đại diện cho khách hàng của Luật sư với hoạt động đại diện theo ủy quyền của cá nhân (có thể là Luật sư hoặc cá nhân không phải Luật sư).
Ở bài viết này, tác giả bàn về dịch vụ pháp lý đại diện cho khách hàng được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư/Luật sư thông qua hợp đồng ủy quyền trên cơ sở so sánh với hoạt động đại diện theo ủy quyền của cá nhân.
Đại diện theo ủy quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Chế định đại diện được quy định từ Điều 134 đến Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong đó, căn cứ xác lập quyền đại diện tại Điều 135 quy định: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật)”.
Đối với hoạt động đại diện theo ủy quyền có thể được xác lập bằng hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền. Các bên tham gia xác lập giao dịch đại diện theo ủy quyền theo Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm cá nhân, pháp nhân mà không chỉ giới hạn là cá nhân như đã quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Hợp đồng ủy quyền được quy định tại Mục 13 Chương XVI, từ Điều 562 đến Điều 569 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng ủy quyền cũng phải tuân theo các quy định về đại diện theo ủy quyền từ Điều 134 đến Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bản chất pháp lý của hợp đồng ủy quyền là giao cho người khác thực hiện một công việc nhất định, người được giao thực hiện công việc nhân danh người giao việc (người ủy quyền)(2).
Giấy ủy quyền là một hình thức đại diện, ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định một người khác được đại diện cho mình thực hiện một hoặc một vài công việc trong phạm vi ủy quyền.
Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định cụ thể về giấy ủy quyền mà chỉ có quy định về hợp đồng ủy quyền. Giấy ủy quyền của cá nhân là một hình thức văn bản ủy quyền phát sinh và được chấp nhận trên thực tế với tính chất pháp lý là một hành vi pháp lý đơn phương phù hợp với quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự.
Dịch vụ pháp lý đại diện do tổ chức hành nghề luật sư/Luật sư thực hiện và đại diện của cá nhân, pháp nhân khác thực hiện
Trong thực tế đời sống xã hội, phổ biến việc cá nhân, pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện một số công việc nhất định nên đã ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác đại diện thực hiện. Giao dịch đại diện đó được xác lập thông qua văn bản ủy quyền (hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền).
Trong hoạt động của Luật sư thì nghiệp vụ thực hiện đại diện theo ủy quyền cho khách hàng là một dịch vụ pháp lý được quy định trong Luật Luật sư năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2015 (sau đây gọi là Luật Luật sư). Việc đại diện được quy định cụ thể tại Điều 4 về dịch vụ pháp lý của Luật sư, Điều 22 về phạm vi hành nghề của Luật sư và Điều 29 về hoạt động đại diện ngoài tố tụng của Luật sư.
Trong đó, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
Đối với hoạt động đại diện ngoài tố tụng, Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà Luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động(3).
Dịch vụ đại diện cho khách hàng của Luật sư có thể được xác lập thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý khi các khách hàng là cá nhân, tổ chức tìm đến tổ chức hành nghề luật sư/Luật sư để được cung cấp dịch vụ pháp lý và hai bên thỏa thuận về hình thức cung cấp dịch vụ đại diện. Ngoài ra, hoạt động đại diện này cũng có thể được xác lập từ văn bản ủy quyền của cơ quan, tổ chức mà Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động khi hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định tại Điều 49 Luật Luật sư.
Khi thực hiện dịch vụ pháp lý đại diện cho khách hàng, Luật sư thực hiện đại diện chịu sự điều chỉnh của pháp luật về Luật sư, tuân theo Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, pháp luật có liên quan.
Mặt khác, trong đời sống xã hội, ngoài việc cung cấp dịch vụ pháp lý đại diện của Luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì còn tồn tại hình thức đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân cho cá nhân, pháp nhân khác để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự hoặc thực hiện các công việc khác bao gồm cả đại diện trong tố tụng và đại diện ngoài tố tụng.
Trong hoạt động đại diện này, từ thực tiễn và quy định của pháp luật cho thấy, chủ thể tham gia nhận thực hiện việc đại diện theo ủy quyền là các cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện đại diện theo quy định. Đối với cá nhân thực hiện việc đại diện theo ủy quyền thường phải là người có hiểu biết pháp luật, có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực nhận thực hiện đại diện ủy quyền như các luật gia, chuyên gia… trong đó không ít trường hợp là Luật sư nhưng khi nhận đại diện ủy quyền không với chức danh/ tư cách Luật sư mà chỉ với tư cách là một cá nhân. Trong trường hợp này, việc xác lập giao dịch đại diện theo ủy quyền chỉ là một giao dịch dân sự thông thường được cung cấp trên cơ sở nhu cầu và khả năng của các bên mà không phải là một hợp đồng dịch vụ pháp lý được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư/Luật sư.
Sự khác nhau giữa dịch vụ đại diện được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư/ Luật sư với đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân khác
Trên thực tế, hoạt động đại diện được xác lập theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân cả trong tố tụng và ngoài tố tụng nhiều khi không được các bên chủ thể tham gia xác lập và ngay cả cơ quan có thẩm quyền như cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, tòa án phân biệt một cách rõ ràng giữa dịch vụ đại diện được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư/Luật sư với đại diện theo ủy quyền được cung cấp bởi cá nhân, pháp nhân khác. Đôi khi hoạt động này được nhận diện theo cách hiểu đồng nhất như hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư dẫn tới sự nhầm lẫn trong việc xác định tư cách tham gia, ứng xử với chủ thể, việc xác định quyền và nghĩa vụ trong khi tham gia tố tụng hoặc xung đột trong cách hiểu về diện chủ thể được tham gia đại diện khi người nhận đại diện ủy quyền cho đương sự đồng thời là người đang tập sự hành nghề luật sư.
Một trường hợp cụ thể là trong tố tụng dân sự, khi một người được sự ủy quyền tham gia tố tụng tại tòa án, họ có thể cùng một lúc đóng nhiều “vai”: (i) là đương sự trong vụ việc dân sự với các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS); (ii) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và thực tế, sự phân định các tư cách này còn chưa thực sự rõ ràng(4).
Sự phân định giữa tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người đại diện theo ủy quyền của đương sự có ý nghĩa quan trọng. Có thể thấy sự khác nhau về bản chất, đó là, khi tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có vị trí pháp lý độc lập với đương sự, không bị ràng buộc bởi việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự như người đại diện theo ủy quyền của đương sự(5). Về quyền trong tố tụng dân sự, người đại diện theo ủy quyền có nhiều quyền hơn nếu họ được đương sự ủy quyền toàn bộ quyền tố tụng của mình. Chỉ duy nhất quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án (hồ sơ gốc) là đặc quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà người đại diện không thể có được theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự)(6).
Đặc biệt, trong trường hợp người thực hiện đại diện theo ủy quyền là cá nhân không phải Luật sư hoặc là Luật sư nhưng khi thực hiện đại diện theo ủy quyền họ không sử dụng tư cách Luật sư mà chỉ lấy tư cách một cá nhân, không với vai trò là người của tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp này, xét trên quy định của pháp luật họ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng, theo phạm vi ủy quyền mà không bị điều chỉnh bởi pháp luật về Luật sư, đặc biệt là những hạn chế của luật liên quan đến những điều Luật sư không được làm và Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Tóm lại, dịch vụ đại diện pháp luật cho khách hàng của Luật sư (trong tố tụng và ngoài tố tụng) cũng giống như ủy quyền trong quan hệ pháp luật dân sự. Đặc điểm khác nhau ở đây là, người đại diện khi được cung cấp với tính chất là một dịch vụ pháp lý của Luật sư thì người đại diện là người có chức danh (Luật sư đại diện theo ủy quyền), có hiểu biết pháp lý, được pháp luật chuyên ngành (Luật Luật sư) cho phép thực hiện các công việc mà khách hàng ủy quyền. Văn bản ủy quyền trong trường hợp này chính là hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa người đại diện và khách hàng(7).
Một trường hợp nữa là quy định tại đoạn đầu khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư: “Người tập sự hành nghề luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật”. Vấn đề này hiện nay đang có quan điểm không thống nhất trong cách hiểu, nhận định quy định của luật từ phía các Luật sư cũng như một số cơ quan tiến hành tố tụng.
Một quan điểm cho rằng, quy định này áp dụng cho toàn bộ những người đang tập sự hành nghề luật sư. Theo đó, nếu là người đang tập sự hành nghề luật sư thì không được nhận đại diện theo ủy quyền cho đương sự tại phiên tòa bao gồm cả ủy quyền với tư cách cá nhân và ủy quyền với phương thức là một dịch vụ pháp lý được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư/ Luật sư.
Quan điểm khác cho rằng, quy định của luật chỉ giới hạn trong việc người đang tập sự hành nghề luật sư không được đại diện cho khách hàng khi đó là đại diện trong phạm vi dịch vụ pháp lý của Luật sư được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư mà người đó đang đăng ký tham gia tập sự và trong trường hợp này, tổ chức hành nghề luật sư đang nhận người tập sự hành nghề luật sư không được phép giao (hoặc cử thực hiện vụ việc) và người tập sự hành nghề không được phép thực hiện dịch vụ pháp lý đại diện. Những người này vẫn có thể thực hiện đại diện theo ủy quyền với tư cách cá nhân và khi đó là một giao dịch dân sự, không bị điều chỉnh bởi pháp luật về hành nghề luật sư. Tác giả cho rằng, xét trên quy định của Luật Luật sư về việc cung cấp dịch vụ pháp lý đại diện cho khách hàng tại phiên tòa, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về đại diện theo ủy quyền, hợp đồng ủy quyền là một giao dịch dân sự cũng như những phân tích trong bài viết về sự khác nhau về tư cách tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện đại diện theo ủy quyền khi là một dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư/ Luật sư với đại diện theo ủy quyền là một giao dịch dân sự do cá nhân, pháp nhân khác thực hiện (không phải do tổ chức hành nghề luật sư cung cấp, cá nhân không phải Luật sư hoặc cá nhân là Luật sư nhưng không sử dụng tư cách pháp lý/ chức danh Luật sư) và pháp luật điều chỉnh đối với mỗi chủ thể đại diện này là khác nhau thì việc luật quy định người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện cho khách hàng tại phiên tòa phải được hiểu là một dịch vụ pháp lý của Luật sư và vì người tập sự hành nghề luật sư chưa phải là Luật sư nên không được thực hiện.
Khi không sử dụng tư cách pháp lý là người tập sự hành nghề luật sư thì họ hoàn toàn có thể nhận thực hiện đại diện theo ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác mà không bị ràng buộc bởi quy định của Luật Luật sư. Trong trường hợp này họ thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phạm vi ủy quyền và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật có liên quan.
Kết luận
Trong đời sống xã hội, khi yêu cầu chuyên môn hóa ngày càng cao thì nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý đại diện của cá nhân, pháp nhân ngày càng nhiều. Điều này là sự tất yếu và phù hợp với xu thế của xã hội khi một cá nhân, pháp nhân sẽ sử dụng thời gian của mình một cách hợp lý và hiệu quả. Thay vì tự mình thực hiện những giao dịch, những công việc cần sử dụng kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về pháp luật mà mình không đủ kiến thức hoặc vì lý do khác không thuận lợi thì cá nhân, pháp nhân sẽ thuê những người chuyên cung cấp dịch vụ, thường là tổ chức hành nghề luật sư/Luật sư hoặc cá nhân, pháp nhân khác đại diện cho mình thực hiện những công việc đó.
Việc phân biệt dịch vụ pháp lý đại diện được cung cấp bởi tổ chức hành nghề luật sư/ Luật sư với giao dịch đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân khác có ý nghĩa quan trọng. Nhìn từ phía người ủy quyền đại diện, hiểu được sự khác nhau đó sẽ có căn cứ để lựa chọn và sử dụng được dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm tốt nhất cho quyền lợi của người ủy quyền hay là người sử dụng dịch vụ. Nhìn từ phía người nhận đại diện hay là người cung cấp dịch vụ cũng sẽ hiểu và phân biệt rõ quyền, nghĩa vụ của mình khi đứng ở những tư cách chủ thể khác nhau. Nhưng quan trọng hơn cả là trong khi xác lập, thực hiện dịch vụ hoặc giao dịch đó, việc tuân thủ các quy định của pháp luật điều chỉnh trong thực tế bảo đảm chính xác, không nhầm lẫn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào quan hệ pháp luật.
(1) TS Đinh Trung Tụng (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 (quyển 2), NXB Tư pháp, Hà Nội, 2021, tr.260. (2) TS Đinh Trung Tụng (chủ biên), tlđd, tr. 261. (3) Khoản 1 Điều 29 Luật Luật sư, Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH ngày 31/12/2015. (4) TS Đặng Thanh Hoa - NCS. ThS Nguyễn Huy Hoàng, Người đại diện theo ủy quyền là pháp nhân trong pháp luật tố tụng dân sự, Tạp chí Tòa án nhân dân số 18/2021, tr.25. (5) TS Đặng Thanh Hoa - NCS. ThS Nguyễn Huy Hoàng, tlđd, tr.25. (6) TS Đặng Thanh Hoa - NCS. ThS Nguyễn Huy Hoàng, tlđd, tr.26. (7) TS Nguyễn Văn Tuân, Thể chế về Luật sư và hành nghề luật sư trong Nhà nước pháp quyền, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2021, tr.105. |
Luật gia THIỀU HỮU MINH
Hội Luật gia tỉnh Gia Lai
Một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật về tội “Làm nhục đồng đội” tại Điều 397 Bộ luật Hình sự 2015