/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

Bàn về hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

07/11/2023 06:01 |

(LSVN) - Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định cụ thể về hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được tại Điều 408, nhưng qua nghiên cứu cho thấy nội dung của điều luật này còn thiếu chặt chẽ, chưa xác định rõ bản chất của tình huống nêu trên, gây khó khăn cho quá trình áp dụng trên thực tế. Bài viết tập trung phân tích, chỉ ra những điểm còn hạn chế của quy định này, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật dân sự ở nước ta.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật hiện hành

Để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng thực sự mang lại lợi ích cho các bên, cũng như không xâm hại đến những giá trị mà pháp luật cần bảo vệ, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ban hành một số quy định mang tính bắt buộc đối với các chủ thể này trong quá trình thực hiện hợp đồng(1). Một trong những chế định mang đậm tính khái quát cho quan điểm trên được thể hiện thông qua các điều khoản về vô hiệu hợp đồng. Nhìn chung, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không hợp pháp, không có giá trị pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên(2). Các nội dung liên quan đến căn cứ áp dụng và hậu quả pháp lý đối với vấn đề này được ghi nhận cụ thể tại Chương VIII Bộ luật Dân sự hiện hành. Dẫu vậy, ta có thể dễ dàng nhận ra có tồn tại thêm một tình huống mà ở đó hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu nhưng không được sắp xếp vào nội dung các điều khoản trên. Đó là trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được, quy định tại Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ áp dụng

Khoản 1 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu”. So sánh với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005, rõ ràng điều khoản về hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được trong văn bản mới không có đề cập đến việc tình huống trên phải phát sinh từ những lý do khách quan(3). Dựa trên nguyên tắc suy lý(4), có thể hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận cả các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được để tuyên vô hiệu hợp đồng. Thấy rằng, nội hàm trong quy định của văn bản mới so với văn bản trước đó đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng hơn phạm vi áp dụng của trường hợp trên và điều này được cho là một sự sửa đổi tích cực trong quy định về pháp luật dân sự tại nước ta, nó giúp xác định một cách chính xác và bao quát hơn các trường hợp mà một giao dịch dân sự mang tính thống nhất ý chí như hợp đồng sẽ không làm phát sinh tính ràng buộc giữa các bên(5).

Quay lại quy định tại khoản 1 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015, ta thấy điều khoản trên ghi nhận hai căn cứ bắt buộc để một hợp đồng đã giao kết có thể bị tuyên vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được hay không. Nó bao gồm các cơ sở liên quan đến đối tượng của hợp đồng và thời điểm xảy ra sự kiện trên.

Liên quan tới đối tượng của hợp đồng, trước hết cần phải phân biệt giữa đối tượng hợp đồng không thể thực hiện được với đối tượng hợp đồng không tồn tại. Đối tượng hợp đồng không tồn tại được hiểu là trường hợp khi hợp đồng được giao kết hoàn toàn không có sự hiện hữu của đối tượng đó trên thực tế. Ngược lại, đối tượng hợp đồng không thể thực hiện được có nội hàm rộng hơn, nó hàm chứa cả trường hợp không có tồn tại đối tượng hợp đồng và trường hợp mặc dù đối tượng có tồn tại nhưng lại không thể tiến hành giao dịch như cam kết. Ví dụ, A và B ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo như cam kết thì A có nghĩa vụ thanh toán tiền cho B và B có nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất cho A sau khi nhận đủ tiền. Tuy nhiên, trên thực tế quyền sử dụng đất được đề cập đến trong nội dung hợp đồng lại thuộc quyền sở hữu của C, do đó, tình huống trên đối tượng của hợp đồng được xác định là có tồn tại nhưng không chuyển giao được và trường hợp này không được xem là trường hợp đối tượng hợp đồng không tồn tại mà phải coi đây là tình huống hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

Vấn đề tiếp theo cần làm rõ đó là điều kiện về thời điểm viện dẫn trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được. Căn cứ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng chỉ bị tuyên vô hiệu trong trường hợp trên khi và chỉ khi đối tượng của hợp đồng không tồn tại tại thời điểm giao kết. Đây là cơ sở quan trọng giúp phân biệt trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được với các trường hợp đã giao kết nhưng sau đó mới không thực hiện được. Trong trường hợp hợp đồng có đối tượng không còn sau khi hợp đồng được giao kết thì hợp đồng chấm dứt chứ không vô hiệu(6).

Trách nhiệm thông báo

Khoản 2 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ thông báo đến bên kia. Cụ thể, trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Khi tiến hành giao kết hợp đồng, mỗi bên đều mong muốn đạt được những mục đích riêng mà mình đã đề ra. Dẫu vậy, ngoài việc hướng đến lợi ích bản thân thì những chủ thể này còn phải tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực(7). Tức là, họ phải bước vào quan hệ hợp đồng một cách trong sáng và tích cực. Việc một bên biết rõ thông tin làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên kia nhưng lại không thông báo cho bên kia nhằm để bên đó tiến hành giao kết hợp đồng với mình đã thể hiện rõ sự không thiện chí của họ trong quan hệ hợp đồng. Và trong trường hợp này, bên không thông báo được xác định là người có lỗi, nếu hành vi trên gây thiệt hại cho bên bị vi phạm, họ mặc nhiên phải có nghĩa vụ bù đắp những tổn thất mà mình gây ra.

Ngoài việc ghi nhận trách nhiệm cho bên có nghĩa vụ thông báo, quy định trên còn đề cập đến một ngoại lệ, đó là “trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được”(8). Nghĩa vụ thông báo được đặt ra để nhằm buộc bên có thông tin ảnh hưởng đến ý định giao kết hợp đồng của bên còn lại phải trình bày rõ các lợi ích và bất lợi trước bên kia để các bên có thể thỏa thuận, đàm phán hợp đồng một cách khách quan và trung thực. Việc một bên vi phạm nguyên tắc trên sẽ được xác định là có hành vi vi phạm. Dẫu vậy, không thể phủ nhận trong một số trường hợp bên còn lại trong hợp đồng có nhận thức hoặc có nghĩa vụ phải nhận thức được vấn đề trên, tức là dù bên kia có thông báo hay không thì chủ thể này vẫn có thể biết chính xác được thông tin liên quan đến đối tượng của hợp đồng. Trong hoàn cảnh này, nếu bên này vẫn đồng ý tham gia vào hợp đồng thì pháp luật cho rằng họ đã đồng thuận về mặt ý chí với nhau. Và trường hợp này trách nhiệm của bên đã không thông báo trước đó sẽ được miễn trừ.

Hậu quả pháp lý

Quy định tại Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 không có ghi nhận hậu quả pháp lý sau khi hợp đồng bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được. Tuy vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật này thì quy định tại Điều 131 sẽ được áp dụng để xác định hậu quả pháp lý khi phát sinh trường hợp trên. Cụ thể, khi hợp đồng này bị tuyên vô hiệu thì “không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập”(9). Do đó, các bên có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, pháp luật về dân sự không bắt buộc lúc nào các bên cũng phải trả lại chính xác những gì đã thụ hưởng từ bên kia. Trong một số trường hợp, nếu việc hoàn trả bằng hiện vật là bất khả thi thì bên có nghĩa vụ sẽ có thể hoàn trả bằng tiền có giá trị tương đương.

Cần lưu ý rằng, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Và việc vô hiệu hợp đồng sẽ không làm chấm dứt trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì lẽ đó, nếu một bên có lỗi trong việc gây tổn hại cho các bên còn lại thì họ vẫn buộc phải bồi thường(10).

Thực tế cho thấy, hợp đồng không phải lúc nào cũng chỉ được thực hiện một lần duy nhất mà phụ thuộc vào tính chất và mục đích giao kết hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ giữa các bên có thể được thực hiện thông qua nhiều giai đoạn(11). Vì vậy, khoản 3 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định thêm một số vấn đề liên quan đến hậu quả pháp lý của trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được. Theo đó, quy định tại Điều 408 “cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực”.

Một số bất cập

Việc sử dụng từ ngữ không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn

So sánh quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 với Bộ luật Dân sự năm 2005 về thời điểm phát sinh căn cứ vô hiệu hợp đồng trong trường hợp có đối tượng không thể thực hiện được, có thể thấy văn bản cũ sử dụng cụm từ “trong trường hợp ngay từ khi ký kết”, còn trong Bộ luật hiện hành lại dùng cụm từ “trường hợp ngay từ khi giao kết”. Thấy rằng, cách dùng từ của Bộ luật Dân sự năm 2005 hẹp hơn so với nội hàm cần diễn đạt. Theo đó, cụm từ “khi ký kết” thường chỉ gợi nên trường hợp hợp đồng được giao kết thông qua hình thức văn bản. Tuy nhiên, thực tế thì các bên còn có thể giao kết hợp đồng thông qua hai hình thức khác là bằng lời nói hoặc hành vi. Vậy nên, việc điều chỉnh lại câu chữ thông qua việc sử dụng cụm từ “khi giao kết” như trong Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ trở nên phù hợp hơn.

Dẫu có sự tiến bộ hơn so với văn bản trước đó, nhưng việc sử dụng cụm từ “khi giao kết” tại Điều 408 Bộ luật này cũng đang tỏ ra nhiều hạn chế. Cụ thể, phải hiểu cụm từ “khi giao kết” như thế nào cho hợp lý? Đây là thời điểm diễn ra trước hay tại thời điểm giao kết hợp đồng?

Khoản 1 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định “Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu”. Quy định trên cho thấy rằng, thời điểm được xác định để viện dẫn chế tài vô hiệu phải được diễn ra ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng. Bởi lẽ, trước mốc thời gian trên mặc dù đối tượng của hợp đồng không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thực hiện được, nhưng tại thời điểm giao kết hợp đồng đối tượng trên lại hiện hữu hoặc thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các bên giao kết thì hợp đồng vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, khoản 2 Điều này lại có quy định rằng “Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được”. Có thế thấy, lúc này cụm từ “khi giao kết” lại được hiểu là vào trước thời điểm giao kết hợp đồng. Bởi lỗi này chỉ xuất hiện trước khi bên kia thực hiện giao kết hợp đồng. Thấy rằng, tuy cùng sử dụng cụm từ “khi giao kết” nhưng cách hiểu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại cho ra hai ý nghĩa khác nhau. Việc này cho thấy rõ sự chưa hợp lý trong cách dùng từ, dễ gây “lúng túng” cho chủ thể tài phán trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, quy định tại khoản 3 Điều này cũng cho thấy thêm điểm hạn chế về kỹ thuật lập pháp liên quan đến vấn đề trên: “Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực”. Câu hỏi đặt ra là quy định này phải hiểu như thế nào cho phù hợp? Có thể hiểu khi hợp đồng được thực hiện thành nhiều phần thì trường hợp một hoặc một số phần của hợp đồng rơi vào căn cứ vô hiệu, các phần còn lại vẫn có hiệu lực hay phải hiểu rằng đã vô hiệu thì toàn bộ nội dung hợp đồng đều bị vô hiệu. Việc khởi xướng nên hai cách hiểu trên thực chất là do quy định tại khoản 3 Điều 408 không ngắt câu đúng chỗ, làm người đọc bối rối, khó hiểu.

Tính chất của trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được không được ghi nhận hợp lý trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Căn cứ quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng bị vô hiệu khi và chỉ khi nó không đáp ứng đầy đủ điều kiện có hiệu lực tại Điều 117(12). Các điều kiện được nhắc tới bao gồm: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội(13). Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về hình thức hợp đồng thì vấn đề trên cũng được xem là một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng(14).

So sánh với quy định này thì hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được không vi phạm bất kỳ điều kiện có hiệu lực nào. Do đó, xếp trường hợp này vào nhóm hợp đồng vô hiệu là không thỏa đáng. Có ý kiến cho rằng trường hợp quy định tại Điều 408 vẫn được xem là điều kiện để vô hiệu hợp đồng.

Do đối tượng hợp đồng nằm trong nội dung hợp đồng, mà căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nội dung hợp đồng thuộc một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Vậy nên, việc xem xét trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được là xác đáng. Tác giả bài viết không đồng tình với quan điểm trên, do mặc dù có đề cập đến việc nội dung hợp đồng là điều kiện để có hiệu lực hợp đồng, tuy nhiên, cần lưu ý rằng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có ghi nhận rõ tính chất của căn cứ trên, đó là “nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Mà thực tế thì việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được không có nghĩa là nó phải vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Quy định tại Điều 408 thực chất là sự cụ thể hóa “gượng ép” các trường hợp vốn đã có thể giải quyết bằng những chế định đang tồn tại khách quan và hợp lý trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, khi đối tượng hợp đồng không thể thực hiện được xuất phát từ yếu tố chủ quan, nếu không áp dụng quy định tại điều khoản trên thì ta có thể viện dẫn một trong hai chế tài là vô hiệu do không đáp ứng điều kiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng theo từng trường hợp cụ thể. Trường hợp vô hiệu sẽ được áp dụng khi có hành vi lừa dối hoặc nhầm lẫn trong hợp đồng. Còn khi phát sinh một vi phạm cơ bản nghĩa vụ ta sẽ áp dụng Điều 425 để hủy bỏ hợp đồng do hợp đồng không có khả năng thực hiện. Mặt khác, trong tình huống hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được là vì lý do khách quan, ta sẽ không thể quy vào trường hợp vô hiệu nhưng sẽ có thể giải quyết theo con đường hủy bỏ hợp đồng và trường hợp này bên vi phạm sẽ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm.

Rõ ràng, trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vốn dĩ đã có thể giải quyết bằng những quy định hiện có trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc ghi nhận tình huống này thành một chế định cụ thể trong khi nó lại có thể phát sinh tại những chế định khác nhau sẽ làm quy định trở nên khó áp dụng, không phù hợp với tính chất hành vi.

Không quy định cụ thể thời hiệu áp dụng

Một vấn đề nữa đáng bận tâm liên quan đến trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được tại Điều 408 là thời hiệu để yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng trong trường hợp trên sẽ được thực hiện như thế nào? Xuất phát từ việc Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định cụ thể nội dung trên, nên hiện nay có tồn tại rất nhiều cách áp dụng trên thực tế. Có quan điểm cho rằng, do luật không có quy định nên trường hợp này sẽ không áp dụng thời hiệu. Cách giải quyết trên xảy ra bất cập ở chỗ việc áp dụng không tính thời hiệu sẽ không có cơ sở pháp lý rõ ràng, do đó, khó thuyết phục được các bên tham gia. Ý kiến khác lại cho rằng trường hợp tại Điều 408 sẽ áp dụng thời hiệu theo quy định tại Điều 429 (thời hiệu khởi kiện về hợp đồng). Người viết cho rằng, trường hợp này được xác định là trường hợp vô hiệu hợp đồng, do đó nó chỉ có thể bị tuyên vô hiệu. Xét về bản chất của chế tài vô hiệu thì nó sẽ không làm phát sinh quan hệ hợp đồng, nên không thể giải quyết theo quy định về tranh chấp hợp đồng.

Ngoài ra, cũng có thêm một quan điểm khác liên quan đến vấn đề trên. Theo đó, thời hiệu áp dụng cho trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được sẽ tuân theo quy định tại Điều 132 (thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu). Thực chất, việc phát sinh cách hiểu này là do sự bất cẩn của người áp dụng pháp luật. Bởi vì, toàn bộ quy định trong Điều 132 không hề đề cập đến bất kỳ cách áp dụng thời hiệu nào cho trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

Có thể thấy, đối với những cách hiểu đã nói ở trên, không có biện pháp nào chỉ ra được cách giải quyết thỏa đáng cho việc áp dụng thời hiệu tại Điều 408. Nguyên nhân chính là do quy định hiện tại của Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa ghi nhận vấn đề trên một cách rõ ràng. Điều này vô hình trung tạo nên các cách hiểu không thống nhất, chưa phù hợp. Trong một chừng mực nào đó, hiện tượng trên cũng đã vi phạm nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng của văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan xét xử cũng như các bên tham gia trong hợp đồng(15).

Ảnh minh họa.

Kiến nghị

Nhìn chung, những bất cập liên quan đến chế định hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được tại Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều bắt nguồn từ việc pháp luật dân sự ghi nhận sự tồn tại một cách quá cụ thể của trường hợp vô hiệu này. Xét về bản chất, quy định tại Điều 408 chỉ là sự “gượng ép” các trường hợp vốn đã có thể giải quyết triệt để bằng những điều khoản tồn tại trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, người viết cho rằng nên bỏ quy định trên trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để thực tế khi phát sinh trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, việc giải quyết sẽ hợp lý và linh hoạt hơn; tùy hoàn cảnh cụ thể mà tình huống trên sẽ được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng hay hợp đồng vô hiệu.

(1) Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng (phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.30.

(2) Đỗ Văn Đại (2017), Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, tr.227.

(3) Khoản 1 Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2005.

(4) Nguyễn Ngọc Điện (2019), Phương pháp phân tích luật viết, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, TP. Hồ Chí Minh, tr.123.

(5) Trần Quang Cường, Vấn đề áp dụng thời hiệu khi hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được - Nghiên cứu so sánh pháp luật Việt Nam và Pháp (https://tapchitoaan.vn/van-de-ap-dung-thoi-hieu-khi-hop-dong-vo-hieu-do-co-doi-tuong- khong-the-thuc-hien-duoc-nghien-cuu-so-sanh-phap-luat-viet-nam-va-phap#:~:text=N%E1%BA%BFu%20t%E1%BA%A1i%20 th%E1%BB%9Di%20%C4%91i%E1%BB%83m%20giao,5%20%C4%90i%E1%BB%81u%20422%20BLDS%202015).

(6) Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), Nxb Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, tr.781.

(7) Yalim, Ayse Nihan Karadayi (2019), Interpretation and gap filling in international commercial contracts, Intersentia Publication, UK, pg. 107.

(8) Khoản 2 Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(9) Khoản 1 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(10) Khoản 3 và 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(11) Nguyễn Minh Tuấn (2016), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.434.

(12) Thân Văn Tài, Nguyễn Thị Phi Yến (2021), Bàn về xác định lý do vô hiệu hợp đồng theo pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam, Tạp chí Công thương, số 12, tr.38.

(13) Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(14) Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(15) Phí Thị Thanh Tuyền (13/6/2018), Bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay (https://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/bao-dam-tinh-thong-nhat-giua-cac-quy-pham-phap-luat-trong-he-thong- phap-luat-viet-nam-hien-nay-53811.htm).

NGUYỄN MINH PHÚ 

Đại học Cần Thơ

Bùi Thị Thanh Loan