/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bài 3: Những cuộc thanh tra sai phạm tại ACV vô bổ, tốn kém?

Bài 3: Những cuộc thanh tra sai phạm tại ACV vô bổ, tốn kém?

05/01/2021 17:57 |4 năm trước

LSVNO - Nhiều cuộc thanh tra liên quan đến hàng loạt sai phạm về tài chính của ACV đã có kết luận chính thức, đi cùng với đó là những kiến nghị cần xử lý. Thế nhưng, sự nghiêm minh về thực thi phá...

LSVNO - Nhiều cuộc thanh tra liên quan đến hàng loạt sai phạm về tài chính của ACV đã có kết luận chính thức, đi cùng với đó là những kiến nghị cần xử lý. Thế nhưng, sự nghiêm minh về thực thi pháp luật đối với những gì đã diễn ra tại ACV vẫn đang là một dấu hỏi.

Chi phí tăng do lập thẩm định và phê duyệt dự toán chưa đúng,… tiền chảy túi ai?

Đối với đầu tư xây dựng, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán một số hạng mục của một số dự án. Qua công tác này, thanh tra phát hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán đã vận dụng định mức đối với một số hạng mục công việc bảo dưỡng bê tồng xi măng chưa phù hợp.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC lập dự toán và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP phê duyệt đã căn cứ vào một số định mức quy định tại Quyết số 162/QĐ-CHK-XD ngày 29/3/2002. 

Theo Công văn số 328/BXD-VKT (ngày 12/03/2002) của Bộ Xây dựng gửi Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã đề nghị “Cục hàng không dân dụng Việt Nam chỉ đạo và triển khai xây dựng định mức chuyên ngành cho công tác chưa có trong hệ thống định mức của Nhà nước để đưa vào áp dụng từ năm 2002 cho các dự án xây dựng sân bay của ngành hàng không, không thỏa thuận riêng cho từng công trình ngành hàng không nào như hiện nay”.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra đã kiểm tra hạng mục công tác “thi công bảo dưỡng BTMX M150/40 và M350/45 bằng chất tạo màng và bao tải” thấy có những bất hợp lý khiến cho chi phí dự án tăng.

Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán giá một số loại vật liệu và chi phí nhân công, các dự án nêu trên thực hiện chưa đúng số tiền hơn 12 tỷ đồng: Dự án “Mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất”, dự toán tính tăng không đúng số tiền hơn 4,9 tỷ đồng; dự án nâng cấp sân bay đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng dự toán tăng chưa đúng số tiền hơn 345,8 triệu đồng; dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc và xây dựng mới đường lăn E7 – Cảng hàng không Quốc tế Đà Năng dự toán tăng không đúng số tiền hơn 403 triệu đồng; dự án đầu tư xây dựng Hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc dự toán tính tăng chưa đúng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.

Bắt tay công ty không rõ năng lực trúng thầu nhằm trục lợi?

Gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku được giao cho Liên danh Cienco 4 và Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu gói thầu số 6 với giá trị hợp đồng là hơn 606 tỷ đồng.

Nhưng sau đó, Cienco 4 và ACC đã chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120 tỷ đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P để thi công nhưng không có văn bản chấp thuận của Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Sau đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. 

Thanh tra Chính phủ khẳng định, Công ty Thái Sơn của Út trọc không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành.

Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) người đứng đầu Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.

Vậy người đứng đầu Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là ai: Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn), người bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” với tổng hình phạt 12 năm tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm, theo đại diện Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, bị cáo Hệ kháng cáo tập trung 6 nội dung là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; hành vi sử dụng bằng giả; hành vi hợp thức nguồn xăng dầu kém chất lượng.

Ngày 1/11/2018, Tòa án Quân sự Trung ương đã xử phúc thẩm vụ án hình sự Út “trọc” và đồng phạm.

Theo đó, Tòa án Quân sự Trung ương đã bác bỏ toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ giữ nguyên hình phạt tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST ngày 31/7/2018 của Tòa án quân sự Quân khu 7.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Toà án Quân sự Quân khu 7 đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” với tổng hình phạt 12 năm tù… đó là một số thông tin liên quan đến người đứng đầu công ty có tên gọi Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. 

Từ đó những hoài nghi về mối quan hệ giữa Đinh Ngọc Hệ, người đứng đầu một công ty “ma” với lãnh đạo của ACV: Có hay không lợi ích trong việc ACV, một công ty không đủ năng lực lại dễ dàng lọt vào những gói thầu do ACV là chủ đầu tư? Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm gì trong việc này hay không...?

Nhiều cuộc thanh tra, sai phạm vẫn tồn tại…vô bổ, tốn kém

Cụ thể, Kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải số 5045/KL-BGTVT nêu rõ theo ACV báo cáo, giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, đã đầu tư xây dựng 85 dự án với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng. 

Dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt. Cùng với đó, ACV đã để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. 

Tại Kết luận Thanh tra Chính phủ đáng chú ý trong hai năm 2014-2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 mét vuông, tổng số tiền thu về 701,1 tỉ đồng. 

Tất cả đều qua chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai. Bên cạnh đó, sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không theo Thanh tra Chính phủ, việc thu này vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, có tới 21 trong tổng số 22 sân bay do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào sân bay với các ôtô đưa, đón trả khách không sử dụng dịch vụ giữ xe: Liệu việc thanh tra rồi chỉ ra sai phạm có đang làm nền cho sai phạm tồn tại?

Thanh tra Chính phủ kết luận việc thu phí đường dẫn ra vào sân bay là sai. Ảnh minh họa.

Trong những bài phản ánh trước đó, Luật sư Việt Nam Online đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng về tài chính tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)  và nhiều kiến nghị xử lý đối với những sai phạm được nêu rõ tại kết luận thanh tra số 72/KL – TTr (ngày 22/01/2019) của Bộ Tài chính.

Không chỉ mắc phải sai phạm nghiêm trọng trong việc tự ý xóa nợ nhiều tỷ đồng không đúng quy định; Hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định; Trốn nghĩa vụ ngân sách nhà nước (NSNN) để trục lợi? mà ACV còn mắc phải những sai phạm lộ rõ sự thiếu trong thu chi…

Mục đích hoạt động thanh tra được quy định rõ tại Điều 2 Luật thanh tra 2010, cụ thể:

Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mục đích hoạt động thanh tra được quy định rõ là vậy, nhưng tại ACV (mối chúa đục khoét ngân sách) đã diễn ra nhiều cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính sau mỗi kết luận thanh tra là môt mớ sai phạm khủng.

Thế nhưng, đến giờ, những kiến nghị tại những bản kết luận thanh tra đã được thực hiện, mục đích của hoạt động thanh tra  có đạt được kết quả hay mới chỉ dừng ở chỉ ra sai phạm? Từ đó, đơn vị thanh tra cần có câu trả lời thỏa đáng, công khai.

Phạm Sỹ