/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ban hành văn bản trái pháp luật: Cần áp dụng chế tài xử lý kỷ luật cụ thể

Ban hành văn bản trái pháp luật: Cần áp dụng chế tài xử lý kỷ luật cụ thể

11/06/2022 09:42 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, trước khi ban hành một văn bản nói chung hay một công văn nói riêng, cần xác minh, thẩm định xác thực nội dung công văn nhằm tránh việc hướng dẫn sai gây hiểu nhầm cho cơ quan cấp dưới và người dân. Theo đó, cần áp dụng chế tài xử lý kỷ luật cụ thể đối với những người tham mưu, soạn thảo và ký ban hành những văn bản trái quy định pháp luật dẫn đến phải thu hồi, bởi hệ lụy khiến cả hệ thống cơ quan cấp trên mất uy tín, giảm sút niềm tin của nhân dân, cơ quan cấp dưới thì thực hiện sai, hiểu không đầy đủ, người dân thì hiểu nhầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc diễn ra ngay sau đó. Những văn bản có nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành nếu trái luật sẽ bị Bộ Tư pháp kiến nghị thu hồi, hủy bỏ.

Ảnh minh họa.

Ngày 09/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 3590/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Cụ thể, xét Báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có ý kiến đồng ý với đề xuất, kiến nghị của Bộ Tư pháp tại Báo cáo nêu trên. Bộ Tư pháp gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương Báo cáo nêu trên để triển khai thực hiện.

Đồng thời, giao Bộ Công thương và UBND các tỉnh: Bình Định, Bình Phước khẩn trương xử lý dứt điểm 03 văn bản có quy định trái pháp luật (Thông tư số 53/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của  Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26/12/2018 quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 ban hành quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ về nhà, vật kiến trúc, cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước) và gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/6/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, kịp thời xử lý các quy định trái pháp luật theo kết luận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm đúng pháp luật và tiến độ theo quy định. Bộ Tư pháp tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, các kiến nghị, phản ánh về các mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn trong hệ thống pháp luật; tổng hợp kết quả xử lý, báo cáo theo quy định.

Trước sự việc trên, dư luận đã đặt ra một câu hỏi lớn về trách nhiệm của người ra văn bản trái pháp luật sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay rất nhiều công văn mang tính nội bộ ngành dọc của các bộ ngành, chính quyền địa phương được ban hành, một số văn bản quy phạm pháp luật khi soạn thảo và ban hành do các nguyên nhân khách quan như thời gian gấp gáp, nguyên nhân chủ quan là trình độ chuyên môn của người tham mưu, soạn thảo yếu kém dẫn đến một số văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, thậm chí ban hành trái pháp luật dẫn đến hậu quả sau đó là phải thu hồi một cách chớp nhoáng, việc thu hồi và hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến: Sự tham mưu yếu kém bất hợp lý của cá nhân - tổ chức cơ quan cấp dưới; Sự nóng vội - chủ quan trong việc duyệt văn bản của thủ trưởng cơ quan; Nội dung không phù hợp với đối tượng tiếp nhận do xây dựng và ban hành quá vội vàng; Nội dung ban hành không được kiểm chứng và xác thực, thẩm định theo đúng trình tự.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Việc soạn thỏa và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái quy định pháp luật hiện nay chỉ có thể bị xem xét trách nhiệm nội bộ và yêu cầu thu hồi, hủy bỏ văn bản trái pháp luật. Căn cứ khoản 3, Điều 165, Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật (2020) về trách nhiệm của Chính phủ trong “Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật” của Chính phủ thì: “3. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”.

Cũng tại khoản 1, khoản 2, Điều 166, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (2020) về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong “Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật” thì:

“1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành và do bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản. 

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, UBND cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nội dung trái pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBTV Quốc hội bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh có nội dung trái pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách”.

Bên cạnh đó, tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư cũng nêu rõ trách nhiệm của người soạn thảo văn bản (khoản 4, Điều 10); Trách nhiệm của người kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành (khoản 1, khoản 2, Điều 12); Trách nhiệm của người ký ban hàng văn bản (khoản 5, Điều 13). Thì việc xử lý trách nhiệm cũng chỉ nêu chung chung; Người tham mưu, người soạn thảo và người ký ban hành cũng chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, chứ chưa nêu rõ về hình thức, biện pháp xử lý người ra văn bản trái pháp luật. Nhưng chắc chắn rằng, những cá nhân – tổ chức tham mưu; Cá nhân – tổ chức soạn thảo, cá nhân – tổ chức ký ban hành sẽ bị đánh giá về việc không hoàn thành nhiệm xếp loại cán bộ, công chức, viên chức yếu kém chuyên môn. Cao nhất có thể bị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 7, Điều 15, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng theo Luật sư, hiện nay việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật (2020), tại Điều 4 đã quy định chi tiết 15 loại văn bản được xem là văn bản quy phạm pháp luật. Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành.

Luật sư cho hay, hiện nay đã có Luật, Nghị định hướng dẫn kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ, nên cán bộ, công chức, viên chức cần lưu ý nắm chắc các quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (2020) về kỹ thuật trình bày, hình thức, nội dung… để tham mưu và soạn thảo nhằm tránh sai sót đang tiếc xảy ra; Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ký duyệt thông qua văn bản cũng cần nắm rõ các quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (2020) về kỹ thuật trình bày, hình thức, nội dung… để biết được cấp dưới tham mưu, soạn thảo nội dung, hình thức có sai sót gì không trước khi ký quyệt để ban hành.

"Trước khi ban hành một văn bản nói chung hay một công văn nói riêng, cần xác minh, thẩm định xác thực nội dung công văn nhằm tránh việc hướng dẫn sai gây hiểu nhầm cho cơ quan cấp dưới và người dân. Cần áp dụng chế tài xử lý kỷ luật đối với những người tham mưu, soạn thảo và ký ban hành những văn bản trái quy định pháp luật dẫn đến phải thu hồi, bởi hệ lụy khiến cả hệ thống cơ quan cấp trên mất uy tín, giảm sút niềm tin của nhân dân, cơ quan cấp dưới thì thực hiện sai, hiểu không đầy đủ, người dân thì hiểu nhầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc diễn ra ngay sau đó. Những văn bản có nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành nếu trái luật sẽ bị Bộ Tư pháp kiến nghị thu hồi, hủy bỏ", Luật sư bày tỏ quan điểm.

VŨ TRẦN

Ông Lê Tùng Vân bị truy tố liệu còn được tại ngoại không?

Lê Minh Hoàng