TANDCC tại Đà Nẵng xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Vũ Phong.
Điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 326) quy định: “b) Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”.
Trường hợp vợ chồng vừa có tranh chấp chia tài sản chung vừa phải thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba, điểm e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326 quy định: “Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng”.
Điểm b khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326 quy định: “Trường hợp đương sự đề nghị chia tài sản chung, chia di sản thừa kế mà cần xem xét việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba từ tài sản chung, di sản thừa kế đó thì: Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba; các đương sự phải chịu một phần án phí ngang nhau đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết định của Tòa án…”
Theo quy định này thì nghĩa vụ với bên thứ ba được hiểu ở đây là nghĩa vụ chung của các chủ sở hữu tài sản chung đang được xem xét chia.
Vấn đề đặt ra, nếu vợ chồng được chia tài sản chung vợ chồng mà phải thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba thì khi tính án phí đối với phần tài sản mà họ được chia có trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba hay không?
Có hai trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp 1: Vợ chồng được chia tài sản chung, nợ chung: vợ chồng được chia tài sản chung thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia (điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326). Nếu vợ chồng phải thực nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba, khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326 (đối với vụ án hôn nhân và gia đình) không đề cập có trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba khi tính án phí.
Có quan điểm cho rằng: Có thể áp dụng điểm b khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326, trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba khi tính án phí, bởi vì bản chất của quan hệ vẫn là chia tài sản chung, vẫn là nợ chung của các bên.
Theo quan điểm tác giả: Trên thực tế, trong khối tài sản chung vợ chồng thì không phải lúc nào vợ, chồng cũng được chia phần bằng nhau (mà chia theo công sức đóng góp của các bên), và không phải lúc nào nghĩa vụ cũng như nhau. Do đó việc áp dụng khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326 để xác định các bên phải chịu án phí ngang bằng nhau là chưa phù hợp. Tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 01) quy định: “3. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ về tài sản đối với người khác và người này có yêu cầu độc lập, yêu cầu vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu độc lập đó thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:
a) Người có yêu cầu độc lập không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng;
b) Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập;
c) Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.”
Hiện nay, TANDTC chưa có văn bản hướng dẫn thay thế. Theo tác giả, trong trường hợp vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung mà có yêu cầu độc lập của người thứ ba và yêu cầu này được Tòa án chấp nhận thì có thể áp dụng khoản 3 Điều 13 Nghị quyết 01, nếu không có yêu cầu độc lập thì áp dụng điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326.
Trường hợp 2: Vợ chồng được chia tài sản chung, một/một số khoản nợ được xác định là nợ riêng của vợ/chồng và có yêu cầu độc lập của người thứ ba được Tòa án chấp nhận.
Có quan điểm cho rằng: Có thể áp dụng Nghị quyết 01 để giải quyết như đối với trường hợp 1, nghĩa là tính án phí đối với phần tài sản mà họ được chia sau khi trừ đi giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.
Theo quan điểm tác giả: Chia tài sản chung vợ chồng và nghĩa vụ trả nợ riêng của vợ/chồng thực chất là hai quan hệ pháp luật khác nhau. Tòa án thụ lý, giải quyết chung một vụ án nhằm mục đích giải quyết triệt để các vấn đề tài sản và nợ của vợ chồng và đơn giản hóa các thủ tục tố tụng. Do đó, khi tính án phí vẫn phải tính như đối với hai vụ án khác nhau. Nghĩa là vợ chồng phải chịu án phí đối với phần tài sản mà họ được chia và đồng thời phải chịu án phí đối với giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.
Do đó, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, cần có hướng dẫn của ngành cấp trên về cách tính án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp có tranh chấp chia tài sản chung vợ chồng và thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với người thứ ba, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, đúng pháp luật.
LÊ THỊ NGỌC LỢI
VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp
Theo Tạp chí Tòa án
Xung đột chung cư – Nhận diện pháp lý và trình tự giải quyết