Ảnh minh hoạ.
1. Các tội phạm về hành vi khai báo, giám định, định giá, cung cấp tài liệu
Khai báo, giám định, định giá, cung cấp tài liệu là các hành vi độc lập nhau, do một hoặc các chủ thể khác nhau thực hiện, nhưng có chung tính chất phục vụ cho hoạt động tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì tính chất quan trọng và sự ảnh hưởng trực tiếp của các hành vi này mang lại đối với việc giải quyết vụ án, vụ việc nên Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định là tội phạm, ngay cả trong trường hợp hành vi này chưa gây ra hậu quả trên thực tế.
BLHS quy định các tội danh như sau: Tội “cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” (Điều 382); tội “Từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu”(Điều 383) và tội “Mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu” (Điều 384). Giữa các tội phạm này nhìn chung là độc lập nhưng vẫn có mối liên hệ nhất định.
Điều 367 BLHS năm 2015 quy định khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Theo đó, các tội phạm này là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Hoạt động tố tụng là quá trình (trình tự) giải quyết vụ án, vụ việc ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính - lao động - kinh doanh thương mại… bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân góp phần vào việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.
Các tội phạm này không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mặt chủ quan của các tội phạm này đều là lỗi cố ý, khi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, từ chối khai báo, kết luận giám định, từ chối cung cấp tài liệu, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật thì người đó biết rõ hậu quả có thể xảy ra, nhưng họ vẫn thực hiện vì mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.
2. Một số hạn chế, bất cập cần hoàn thiện
2.1. Về chủ thể của tội phạm
Như đã phân tích ở trên, giữa các tội phạm này tồn tại mối liên hệ nhất định. Tuy nhiên, các điều luật lại quy định về chủ thể rất khác nhau. Điều 382 quy định “người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa”, Điều 383 quy định “người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật”, Điều 384 quy định chủ thể là “người nào” và đối tượng bị mua chuộc hặc cưỡng ép gồm “người làm chứng, bị hại, đương sự, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật”. Hiểu đơn giản, nếu Điều 384 ghi nhận có hành vi mua chuộc hoặc cưỡng ép đối với “bị hại, đương sự” thì hoàn toàn có xảy ra việc “bị hại, đương sự” mặc dù không bị mua chuộc hay cưỡng ép nhưng cố tình khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật ở Điều 382, nhưng Điều 382 lại không quy định đây là chủ thể của tội phạm.
Tác giả cho rằng quy định như trên là chưa đầy đủ bởi lẽ có người lý giải việc này là do “trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng” nhưng nguyên tắc này chỉ áp dụng trong tố tụng hình sự đối với việc chứng minh tội phạm trong khi các tội phạm này áp dụng cho cả hoạt động tư pháp (dân sự, hành chính). Đồng thời, bị hại, đương sự mặc không có trách nhiệm chứng minh nhưng họ cũng không được phép cản trở, cố ý “đổi trắng thay đen”, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với người bào chữa, Điều 382 quy định người bào chữa là chủ thể của tội phạm nếu người này cung cấp tài liệu sai sự thật. Nhưng Điều 384 lại không quy định hành vi mua chuộc hoặc cưỡng ép người bào chữa cung cấp tài liệu sai sự thật là tội phạm. Người bào chữa cũng là người tham gia tố tụng, cũng là đối tượng hoàn toàn có thể bị mua chuộc hoặc cưỡng ép. Do đó, việc không quy định hành vi này là tội phạm của Điều 384 là chưa đầy đủ.
Một vấn đề nữa là việc xác định “chủ thể” của tội phạm còn chưa rõ ràng. Đối với người làm chứng, đây là chủ thể của Điều 382, 283 và nằm trong phạm vi chủ thể của Điều 384. Tuy nhiên, xác định ai là người làm chứng có trường hợp còn vướng trên thực tế, đó là việc xác định tư cách của “một người nào đó” có phải “người làm chứng” hay không? Ví dụ điển hình là trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, ngay sau khi tai nạn xảy ra, mặc dù B là người điều khiển phương tiện nhưng A đã khai báo gian dối để nhận tội thay cho B. Ngay sau đó lực lượng chức năng trích xuất camera, phát hiện sự thật. Có người cho rằng, lúc này chưa xác định A là người làm chứng trong vụ án (vì vụ án chưa được khởi tố) nên không thể truy cứu trách nhiệm A về tội khai báo gian dối. Có người cho rằng, có thể truy cứu trách nhiệm A về tội này bởi Điều 66 BLTTHS quy định, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng, chỉ cần có hành vi khai báo những tình tiết có liên quan đến nguồn tin tội phạm, vụ án thì được coi là người làm chứng khai báo gian dối.
Do đó, để khắc phục hạn chế, bất cập về chủ thể thì cần sửa quy định tại khoản 1 Điều 382 theo hướng không liệt kê các tư cách mà quy định “người nào khai báo gian dối…”. Bổ sung vào Điều 384 theo hướng “…người làm chứng, bị hại, đương sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp…”.
2.2. Về tình tiết định khung tăng nặng
Tại Điều 382 quy định 04 tình tiết định khung tăng nặng, trong đó có hai tình tiết “Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch” và “Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội”. Xét rõ nghĩa thì có thể thấy “việc kết án oan, bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội” cũng chính là “giải quyết vụ án, vụ việc sai lệch”. Ngoài ra, sai lệch là cụm từ có nghĩa rất rộng, chỉ cần bất cứ vấn đề gì của vụ án, vụ việc được quyết định không phù hợp thì đều được coi là sai lệch, trong đó có thể có những sai lệch rất nhỏ, nhưng cũng có những sai lệch rất lớn như sai tội danh, sai tình tiết tăng nặng, sai mức bồi thường… Do đó, việc quy định chung chung như hiện nay là chưa bảo đảm mà cần có hướng dẫn rõ ràng tình tiết “dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch” ở khoản 2 là ngoại trừ các trường hợp kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội; hướng dẫn rõ “sai lệch” là gì, trong phạm vi nào, đến mức nào, những vấn đề nào của vụ án, vụ việc…
Đối với tình tiết “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực” tại khoản 2 Điều 384 thì cần phải xem xét lại. Ở tội danh này có hai hành vi khách quan là “mua chuộc” và “cưỡng ép”. Mua chuộc là dùng vật chất, địa vị để lôi kéo người khác sa ngã theo ý mình, thì sẽ không xuất hiện việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. Còn cưỡng ép được hiểu là sử dụng sức mạnh vật chất hoặc tinh thần một cách bất hợp pháp, hoặc buộc người khác phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc trái với ý chí hay mong muốn của họ. Do vậy, đã gọi là cưỡng ép, thì tính đe dọa, ép buộc thể hiện rất rõ ràng, để cưỡng ép được thì người cưỡng ép phải có hành vi, lời nói, cử chỉ làm cho người bị cưỡng ép sợ, lệ thuộc. Do đó, nếu quy định dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực là tình tiết tăng nặng thì trong rất nhiều trường hợp sẽ không khách quan, không phản ánh đúng bản chất và tính nguy hiểm của hành vi.
2.3. Về dấu hiệu “mà không có lý do chính đáng”
Không có lý do chính đáng là “lý do” để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu quy định tại Điều 383. Điều này là hợp lý bởi trên thực tế sẽ có nhiều lý do như liên quan bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, không còn tài liệu để cung cấp… Nhưng việc quy định này lại chính là cái cớ để bao biện và trên thực tế cũng gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác định “lý do chính đáng” để xem xét yêu cầu, xử lý các hành vi này. Có nhiều quy định khác của pháp luật cũng đề cập đến “lý do chính đáng”, nhưng liên ngành trung ương cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất nhận thức trong việc đánh giá “chính đáng” để có căn cứ áp dụng chung.
2.4. Về hình phạt
Đối với hình phạt chính: Điều 382 và 384 quy định mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, Điều 383 quy định mức cao nhất là 01 năm tù. Hành vi từ chối khai báo, giám định, định giá, cung cấp tài liệu mặc dù không nguy hiểm như hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hay hành vi mua chuộc, cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; nhưng so với các hành vi này thì mức phạt 01 năm tù của Điều 383 là quá thấp và không tương xứng. Hành vi từ chối, mặc dù không đưa ra các thông tin sai để làm nhiễu loạn, sai lệch sự đánh giá của các cơ quan chức năng, nhưng trong nhiều trường hợp cũng gây rất nhiều khó khăn, các cơ quan chức năng không thể tiếp xúc được tài liệu cần thiết nếu không được cung cấp, gây chậm trễ, kéo dài, thu thập không đầy đủ, đánh giá thiếu toàn diện… Vì vậy, mức hình phạt tại Điều 383 cần phải được nâng lên tối đa là 03 năm tù.
Đối với hình phạt bổ sung: Điều 384 không quy định hình phạt bổ sung, Điều 382, 383 quy định hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Đây là hình phạt để ngăn chặn nguy cơ tiếp tục phạm tội, xóa bỏ điều kiện phạm tội. Nhưng đối với người phạm tội không có chức vụ, nghề nghiệp hoặc công việc không liên quan thì không thể áp dụng. Trong khi đó, việc khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật luôn hướng đến một lợi ích nào đó; việc từ chối khai báo, giám định, định giá, từ chối cung cấp cũng có thể hướng đến lợi ích hoặc bảo tồn lợi ích nào đó. Do đó, việc quy định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền sẽ là căn cứ để áp dụng, đánh vào lợi ích của chính người đó, làm tăng hiệu quả răn đe, giáo dục người phạm tội. Riêng đối với Điều 384, việc không quy định hình phạt bổ sung là chưa phù hợp. Rõ ràng hành vi mua chuộc và cưỡng ép thể hiện tính “cao thế”, “lợi thế” và “điều kiện” của người đó, nên cần ngăn chặn nguy cơ, điều kiện phạm tội thông qua các hình phạt bổ sung là phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
VĂN LINH
Tòa án quân sự khu vực Quân chủng Hải quân