/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về tình tiết 'Người bị hại có lỗi' trong xét xử án hình sự

Bàn về tình tiết 'Người bị hại có lỗi' trong xét xử án hình sự

26/07/2024 06:20 |

(LSVN) - Lỗi là yếu tố quan trọng trong xét xử án hình sự, bởi theo khoa học luật hình sự nước ta lỗi là yếu tố bắt buộc trong mọi cấu thành tội phạm; không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ bởi hành vi khách quan mà không phải xem xét đến yếu tố lỗi. Không những vậy, lỗi còn là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội làm căn cứ cho việc cá thể hóa hình phạt.

Ảnh minh họa.

Trước hết phải nhận thức rằng nói đến lỗi là nói đến vi phạm pháp luật cụ thể, không thể nói lỗi một cách chung chung, cảm tính, bởi như vậy sẽ dẫn đến sai lầm hoặc tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Lỗi là dấu hiệu quan trọng trong cấu thành vi phạm pháp luật.

Tuy vậy, thực tiễn công tác nhiều năm trong ngành, chúng tôi thấy rằng nhận thức về yếu tố lỗi của Thẩm phán thiếu sâu sắc, dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu chính xác, làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua hoạt động xét xử của ngành Tòa án. Biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là nhận thức không đúng hoặc không đầy đủ về vấn đề lỗi của người bị hại trong các vụ án hình sự. "Người bị hại cũng có lỗi" mà theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2000/NQ- HĐTP ngày 4 tháng 8 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về áp dụng một số  quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự được vận dụng áp dụng tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện hành. Do đó, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ đi sâu phân tích vấn đề này.

Trước hết cần phải nhận thức rằng người bị hại thường có lỗi đối với tội phạm đang bị điều tra, truy tố, xét xử trong trường hợp bị can, bị cáo phạm vào các tội mà dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm là lỗi vô ý; còn đối với các cấu thành tội phạm mà dấu hiệu lỗi của bị can, bị cáo là lỗi cố ý thì người bị hại không thể có lỗi trong hành vi cấu thành tội phạm đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Bởi lẽ một người ngoài việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho bản thân, còn thể hiện sự nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi, đồng thời mong muốn hoặc để mặc hậu quả nguy hiểm xảy ra đối với mình, thì người đó không còn là người bị hại.

Các vụ án có yếu tố lỗi của người bị hại trong hành vi phạm tội đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế thường xảy ra là các vụ án với lỗi cố ý như "Giết người", "Cố ý gây thương tích", hay lỗi vô ý như "Vô ý làm chết người", "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác", "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ''… Đối với các vụ án loại này, tình tiết "người bị hại cũng có lỗi" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo bởi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo phụ thuộc rất lớn vào tỉ lệ lỗi của người bị hại trong vi phạm pháp luật hình sự đang xem xét. Tình tiết "người bị hại cũng có lỗi" là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo  theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2000/NQ- HĐTP ngày 04/8/2000 về áp dụng một số  quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999, hiện nay được vận dụng áp dụng tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, yếu tố "người bị hại cũng có lỗi" chỉ được xem xét trong quá trình phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo để cá thể hóa hình phạt.

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là đối với các vụ án có bồi thường dân sự, tình tiết  "người bị hại cũng có lỗi" có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự qui định tại chương XX về "Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".

Như vậy, đối với các vụ án loại này, trong quá trình xét xử, Tòa án phải xác định tính chất và mức độ lỗi của bị cáo, người bị hại để xác định mức bị cáo phải bồi thường. 

Xin nêu dẫn chứng về vụ án cụ thể sau:

 VD1: Khoảng hơn 17 giờ ngày 20/10/2015, Nguyễn Văn P. điều khiển xe mô tô BKS: 20M7 - 4521 phía sau đèo Tạ Văn D. đi trên quốc lộ 37 hướng Thái Nguyên - Bắc Giang. Khi đi đến km 97 + 980 QL 37 thuộc địa phận xóm K, xã KS, huyện P., tỉnh Thái Nguyên, thấy phía trước cùng chiều có một ô tô tải (không rõ biển kiểm soát), P có ý định vượt xe ô tô lên điều khiển xe đi ra giữa đường để quan sát, khi xe đến giữa đường thì cùng lúc đó xe mô tô do Nguyễn Văn H. (Quân nhân công tác tại Lữ đoàn N. - Quân khu 1) điều khiển đi hướng Bắc Giang - Thái Nguyên do khoảng cách quá gần P. đã không kịp xử lý để hai xe đâm va vào nhau ở khu vực giữa đường. Hậu quả: H. chết tại chỗ, D. và P. bị thương, hai phương tiện bị hư hỏng.

Trong vụ án này, cả hai bên đều có lỗi (tránh xe ngược chiều) tức là lỗi hỗn hợp, nhưng khi quyết định buộc bị cáo bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình bị hại thì HĐXX lại buộc bị cáo bồi thưởng 100% tháng lương cơ sở. Như vậy, việc tuyên bồi thường cho bị cáo vừa dựa theo cảm tính của Thẩm phán để áp dụng một cách tùy nghi, vừa không đúng qui định của pháp luật.

VD2: Vụ án Nguyễn Văn P. bị Tòa án Quân sự X. xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tóm tắt nội dung vụ án: Nguyễn Văn P. và Nguyễn Ngọc L. cùng công tác tại Trung đội cảnh vệ - Ban Tham mưu - Kho Kn - Bộ Tư lệnh Pháo Binh. Đến tháng 10/2018, L. nhận nhiệm vụ mới tại Phân kho - Kho Kn- Bộ Tư lệnh Pháo Binh, cách trung đội cảnh vệ 02km. Khoảng tháng 10 năm 2018, L. có nợ P. số tiền 2.800.000 đồng P. đã đòi tiền một số lần nhưng L. không trả. Ngày 13/11/2018, P. được giao nhiệm vụ nấu ăn cho đơn vị. Khoảng 08h15 phút cùng ngày, P. cầm dao ra vườn tăng gia để lấy gia vị là riềng, xả về kho cá thì gặp L. cởi trần, đang ngồi nghỉ giải lao cùng với Trương Văn T., còn Phạm Văn C. vẫn đang nhặt cỏ cách vị trí của L. và T. ngồi khoảng 4m. P. chào hỏi mọi người xong thì quay ra hỏi L. "Bao giờ mày trả tiền tao", L. bảo "Bao giờ có tao trả". Hai bên quay ra đôi co, L. bảo P. "cút". Sau đó, L. dùng chân phải đạp trúng vào sườn của P. T. kéo L. để can ra. Hai bên tiếp tục cãi nhau, L. đi xuống luống rau cách đó khoảng 01m lấy cuốc bàn làm vườn, định dùng cuốc đập vào người P. thì T. giật cuốc vứt đi. L. nhặt một đoạn gậy đập vào vai phải của P. rồi vứt gậy xuống đất. P. vừa nói "mày đánh tao à", vừa dùng dao đi lấy riềng xả (loại dao chọc tiết lợn): đâm một nhát vào mạng sườn phải L. rồi rút dao ra. L. ôm bụng chạy được 30m thì gục xuống, P. cầm dao đi thẳng về bếp nấu ăn. Sau đó L. được đưa đi Bệnh viện cấp cứu, quá trình điều trị đến ngày 03/12/2018 xác định tỉ lệ thương tật của L. là 86%, đến ngày 07/12/2018 do vết thương quá nặng L. đã tử vong.

Trong vụ án này, Thẩm phán đã không căn cứ đúng tính chất và mức độ lỗi của bị hại để xác định TNHS cũng như bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, nhận thức đúng vấn đề lỗi và tình tiết "người bị hại có lỗi" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực tiễn xét xử án hình sự, cụ thể là ở các vấn đề sau:

Thứ nhất, khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "người bị hại cũng có lỗi", Tòa án phải chỉ rõ lỗi này là lỗi trong vi phạm pháp luật nào, tránh áp dụng một cách chung chung, cảm tính, thiếu căn cứ, như một câu nói nặng lời của bị hại đối với bị can, bị cáo cũng coi là lỗi.

Thứ hai, vì người bị hại chỉ có lỗi trong các vi phạm pháp luật khác với tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang điều tra, truy tố và xét xử đối với bị can, bị cáo, nên mức giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo là không nhiều. Trường hợp này rất khác với trường hợp người bị hại có lỗi trong các vụ án có lỗi vô ý, như các vụ án "vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ" đã nêu ở phần trước. Cũng chính vì vậy, mà Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 51 và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chỉ coi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Thứ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này là căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại. Theo qui định tại khoản 4 Điều 594 BLDS: "Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra". Thuộc trường hợp cụ thể của các vụ án mà tình tiết "người bị hại cũng có lỗi" là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, đó là bị cáo phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Về giải quyết bồi thường dân sự trong trường hợp này, Điều 594 Bộ Luật dân sự quy định như sau: "Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại".

Thẩm phán HOÀNG THANH PHONG

Tòa án Quân sự Quân khu 1

Nhãn hiệu xung đột với bản quyền: Cơ chế xử lý theo quy định tại Luật SHTT

Nguyễn Hoàng Lâm