Ảnh minh họa.
Đầu tiên cần phân biệt tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.
- Điểm giống nhau giữa cả hai tội này đều có những điểm giống nhau là xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
- Điểm khác nhau cơ bản và quan trọng nhất để phân biệt tội "Giết người" và "Cố ý gây thương tích" ở mục đích phạm tội và lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội, ngoài ra còn một số yếu tố khác:
- Mục đích của hành vi phạm tội:
Tội "Giết người": Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Cố ý gây thương dẫn đến chết người": Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
- Xác định mức độ, cường độ tấn công
Tội "Giết người": Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người.
Tội "Cố ý gây thương tích": Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn.
- Vị trí tác động trên cơ thể:
Tội "Giết người": Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thế như vùng đầu, ngực, bụng,…
Tội "Cố ý gây thương tích": Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân,...
- Vũ khí, hung khí sử dụng và các tác nhân khác:
Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy… cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.
- Yếu tố lỗi:
Tội "Giết người": Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp.
Tội "Cố ý gây thương tích": Người thực hiện hành vi thấy trước hành vi của mình có thể gây thương tích cho người khác nhưng vẫn mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Nếu "Cố ý gây thương tích" dẫn đến chết người thì người thực hiện hành vi thấy trước hành vi của mình có thể có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Ở đây người phạm tội chỉ có ý thức và mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả thương tích chứ không phải hậu quả chết người. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.
Như vậy, trong trường hợp phạm tội "Cố ý gây thương tích", người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội "Giết người" là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ (giết người chưa đạt).
Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội "Cố ý gây thương tích", nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội "Giết người".
Để có cái nhìn rõ hơn về sự khác nhau giữa hai tội danh này, tác giả xin đưa ra tình huống pháp lý mà trên thực tiễn còn nhiều quan điểm khác nhau khi định tội danh để độc giả và các chuyên gia nghiên cứu, trao đổi:
Ví dụ: Vào một buổi tối tháng 04/2021, Trần Đức T. đang trực ban ngoài cổng cơ quan về phòng ở của Trung đội để uống thuốc và thấy Lục Đức V. đang ngồi dưới nền nhà ăn cơm. T. hỏi V. “Chiều bỏ ca đi trực đúng không”, V. trả lời “Không”. T. .hỏi tiếp “Mày có biết bỏ trực là vi phạm kỷ luật không”, V. nói “không”. Nghe thấy vậy, T. dùng tay phải tát 01 cái vào má trái V. Sau đó, V. đẩy T. ra và đấm 01 cái vào vùng mặt trái gần mũi T., T. dùng chân phải đạp 01 cái vào người V., V. cũng đạp T. 01 cái vào bụng làm T. ngã xuống nền nhà. Sau đó, T. đứng dậy rút cọc màn bằng kim loại ở giường của mình. Sau khi lấy được cọc màn, T. nhìn thấy V. cũng đang giật cọc màn ở giường của V., sợ bị V. đánh nên T. đi về phía đầu giường của quân nhân Q. để có gì thì nhờ Q. can ngăn V. Lúc này, V. lấy được cọc màn và đi đến vị trí T. đang đứng. Thấy vậy, T. cũng tiến về phía V., khi cách V. khoảng 1,3m, bị cáo cầm cọc màn vung lên trên (tay cao sát tai bên phải) rồi vụt 01 cái về phía V theo hướng từ sau về trước, từ trên xuống dưới, từ phải sang trái vào vùng đầu bên trái của V., V. ngồi bệt xuống nền nhà, tay trái ôm đầu. Bị cáo T. tay vẫn cầm cọc màn đi ra phía cửa chính, khi đi qua chỗ V. ngồi 01, 02 bước chân, thấy tay phải V. chống vào thành giường định ngồi dậy, T. nghĩ V. đứng dậy để đánh mình nên T. quay lại vụt tiếp 01 cái vào đùi bên trái của V. Thấy vậy, quân nhân Q. đến can ngăn và đẩy T. ra cửa chính và bảo T. đi trực tiếp.
Qua kiểm tra vết thương của quân nhân V. thấy vùng đỉnh thái dương trái của V. có 01 vết xước dài khoảng 05cm, đang gỉ máu, vết thương không phồng, không hở, hỏi chuyện thấy V. trả lời rành mạch rõ ràng, không có biểu hiện gì bất thường. Quá trình ngủ nghỉ, cán bộ đi kiểm tra 03 lần thấy V. ngủ bình thường, vết thương không chảy máu. Đến 05 giờ 30 phút sáng ngày 21/4/2021, thấy mặt, môi V. nhợt nhạt, gọi, lay người không thấy phản ứng gì. Đến 07 giờ 10 phút, đơn vị đưa V. đi cấp cứu. Hậu quả: Lục Đức V. bị tổn thương cơ thể do thương tích là 99%.
Qua nghiên cứu và trao đổi, hiện tại có hai quan điểm về việc định tội danh đối với Trần Đức T. như sau:
Quan điểm thứ nhất:
Trần Đức T. phạm tội “Giết người”. Vì T. nghi ngờ, bức xúc, bực tức việc V. bỏ trực mà hai bên lời qua tiếng lại và xô sát với nhau, T. đã dùng tay tát vào má, chân đạp vào người, sau đó lấy cọc màn bằng kim loại là hung khí nguy hiểm, vụt vào phần đầu bên trái của V. với cường độ mạnh làm vỡ xương sọ, chấn thương sọ não, đây là vùng xung yếu của cơ thể của V., buộc T. phải nhận thức được rằng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân nhưng T. vẫn hành động với ý thức bỏ mặc, muốn ra sao thì ra. Hậu quả bị hại V. bị tổn hại 99% sức khỏe, V. không chết là do được cứu chữa, nhưng hậu quả thương tích của T. gây ra cho V. là đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, hành vi nêu trên của T. đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”. (thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt).
Quan điểm thứ hai:
Cũng là quan điểm của cá nhân tác giả, theo đó, T. chỉ phạm tội "Cố ý gây thương tích" vì cho rằng T. không có ý thức cố ý tước đoạt tính mạng của V., khi T. đi qua chỗ V. ngồi thấy tay phải V. chống vào thành giường định ngồi dậy, T. nghĩ V. đứng dậy để đánh mình nên T. quay lại vụt tiếp 01 cái vào đùi bên trái của V. như vậy T. không có ý định tước đoạt tính mạng của V. nên chỉ đánh vào đùi và hậu quả chết người chưa xảy ra. Hành vi nêu trên của T. phạm tội "Cố ý gây thương tích" mới bảo đảm đúng tính chất, đặc điểm của hành vi phạm tội và diễn biến sự việc.
Căn cứ vào các điểm khác nhau trong cấu thành tội phạm "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích" trên các yếu tố sau:
- Về hành vi khách quan: Chưa thể xác định được rằng bị can T. có nhằm đánh vào đầu quân nhân V. (vùng trọng yếu trên cơ thể hay không). Vì khi T. cầm cọc màn rồi đi về phía đầu giường của quân nhân Q. Thấy vậy, V. cũng dùng tay giật cọc màn ở cuối giường của mình rồi đi đến vị trí đứng của T. Lúc này, T. cũng tiến về hướng V., khi cách khoảng 01m T. bước chân trái lên, tay phải cầm cọc màn vung lên trên (tay cao sát tai bên phải) rồi vụt 01 cái về phía V. theo hướng từ sau về trước, từ trên xuống dưới, từ phải sang trái và T. cầm cọc màn vụt về phía V., lúc đó trong phòng đã tắt đèn điện, chỉ có ánh đèn điện bảo vệ ở bên ngoài, chỉ khi thấy V. ngồi bệt xuống nền nhà, tay ôm đầu thì T. mới biết vụt trúng vào đầu V. Ngoài ra, T. chỉ có vụt 01 cái trúng vào phần đầu của bị hại V. và đi ra ngoài hướng cửa chính, qua chỗ bị hại thấy bị hại ngồi nhổm dậy, T. nghĩ V. đứng dậy để đuổi đánh mình nên đã quay lại vụt tiếp 01 cái vào phần đùi bên trái V., quân nhân Q. cùng phòng đẩy bị can ra ngoài và bị can đi trực tiếp. Như vậy, hành vi của T. không thực hiện một cách quyết liệt.
- Về cường độ tấn công: T. chỉ vụt 01 cái trúng vào phần đầu V., rồi đi ra phía ngoài cửa chính, thấy V. ngồi nhổm dậy và sau đó mới vụt tiếp 01 cái vào phần đùi V. đã cho thấy hành vi của bị can T. có sự gián đoạn, cường độ tấn công không dồn dập, nhịp độ tấn công không liên tục. Khác hẳn với việc dùng vũ khí để giết người - phải thực hiện rất quyết liệt, tàn nhẫn với cường độ mạnh, liên tục cho đến khi nạn nhân chết hoặc được cho là chết.
- Về mục đích: T. có sự nghi ngờ, bức xúc việc quân nhân V. mà hai bên lời qua tiếng lại, sô xát với nhau và sợ bị hại V. đánh mình nên bị can T. tấn công V. nhằm mục đích để V. không đánh lại được chứ không nhằm tước đoạt tính mạng của V. Nếu muốn tước đoạt mạng sống của quân nhân V., thì bị can T. có thể thực hiện ngay từ lúc lấy được cọc màn mà đến đánh V., chứ không đợi đến khi V. cũng lấy được cọc màn đi về phía mình rồi mới đánh lại V. và phải thực hiện một loạt hành vi một cách mãnh liệt hơn nữa.
- Về hậu quả: V. bị chấn thương sọ não, vỡ xương sọ, máu tụ ngoài màng cứng, di chứng thần kinh sống kiểu thực vật, tỉ lệ 99%, hậu quả chết người chưa xảy ra. Trong khi đó, tội "Giết người" có cấu thành vật chất đòi hỏi hậu quả bắt buộc phải xảy ra trên thực tế (duy nhất trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành mặc dù hậu quả chết người không xảy ra nhưng người thực hiện hành vi có thể bị truy tố về tội "Giết người").
- Về yếu tố lỗi: Sau khi T. được can ngăn và tước hung khí (cọc màn kim loại) đã ngay lập tức dừng hành vi của mình lại, rồi tiếp tục đi trực. Điều này khẳng định bị can không quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, không tìm mọi cách để tước đoạt bằng được mạng sống của nạn nhân. Khi được can ngăn, T. cũng không đe dọa, chống trả. Đồng thời, cũng không quay lại tấn công bằng được, không tiếp tục hành vi phạm tội.
Đối với trường hợp gây hậu quả chết người, T. có thể không mong muốn nhưng có ý thức để mặc nếu hậu quả xảy ra, do đó có thể khẳng định, T. thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp. Nếu T. thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp thì chỉ phải chịu trách nhiệm về tội "Giết người" khi hậu quả chết người thực sự xảy ra, trong trường hợp này bị can chỉ gây ra thương tích cho bị hại nên chỉ phạm tội "Cố ý gây thương tích".
Từ những phân tích, lập luận như trên, bị can T. không phải chịu trách nhiệm về hành vi "Giết người", bởi vì trong trường hợp này, T. không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, không quyết tâm bằng được tước đoạt mạng sống của bị hại và Lục Đức V. bị tổn thương cơ thể do thương tích là 99% do chấn thương sọ não di chứng thần kinh sống kiểu thực vật.
Trên đây là tình huống pháp lý về vấn đề định tội danh giữa tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Tác giả mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp từ bạn đọc.
HOÀNG NGỌC CÔNG
Phó Chánh án Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 2
Các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động giúp việc gia đình