Ảnh minh họa.
Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên không phải cứ có nhiều người tham gia thì coi là đồng phạm, mà nhiều người đó phải cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Chế định đồng phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể chia ra thành hai trường hợp: đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Theo đó, đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện tội phạm đều là người thực hành. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Trong một vụ án đồng phạm, tuỳ vào quy mô tính chất mà có thể có những người giữ vị trí, vai trò sau:
- Người tổ chức: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Chỉ trong trường hợp đồng phạm phức tạp mới có người tổ chức. Đây là người có những hành vi như khởi xướng việc phạm tội, lên kế hoạch, rủ rê, lôi kéo người khác tham gia phạm tội,...
- Người thực hành: người trực tiếp thực hiện tội phạm (thực hiện những hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm).
- Người xúi giục: người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi kích động, dụ dỗ thúc đẩy người khác phải có liên quan trực tiếp đến hoạt động tội phạm, và ý thức chủ quan của người thực hiện trước khi bị xúi giục chưa có ý định phạm tội, thì mới được coi là người xúi giục trong trường hợp phạm tội có đồng phạm.
- Người giúp sức: người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Sự trợ giúp có thể mang yếu tố tinh thần (lời khuyên, chỉ dẫn, lời hứa hẹn sẽ chịu trách nhiệm hộ hoặc che giấu hành tung nếu chẳng may bị phát hiện,...) hoặc là sự giúp đỡ về mặt vật chất (công cụ, phương tiện, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội). Người giúp sức không trực tiếp thực hiện tội phạm, và chỉ có vai trò thứ yếu trong vụ án đồng phạm. Vì vậy trong thực tiễn xét xử phải phân biệt rõ người chủ mưu và người giúp sức, nhằm xét xử đúng người đúng tội đúng pháp luật.
Khi giải quyết vụ án đồng phạm, nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự là tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã xảy ra. Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm đồng phạm về tính chất liên kết hành vi cùng thực hiện một tội phạm, hành vi của mỗi người đồng phạm đều là nguyên nhân gây ra hậu quả tác hại chung. Vì vậy, luật hình sự quy định những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện, đều bị áp dụng hình phạt của tội phạm mà tất cả những người đồng phạm đã cùng thực hiện. Mọi người đồng phạm trong vụ án đều phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng nếu có, đều bị áp dụng nguyên tắc chung về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xác định hình phạt.
Sau khi xem xét toàn bộ tội phạm đồng phạm thì mới xác định theo tính độc lập của trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm. Pháp luật hình sự quy định mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm. Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất, mức độ tham gia gây án của người đồng phạm khác nhau, đặc điểm nhân thân khác nhau, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người khác nhau. Trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm ở chỗ: mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm đến đó. Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nhằm tạo ra sự công bằng, đánh giá đúng, chính xác để quyết định hình phạt phù hợp cho tất cả đồng phạm trong vụ án. Có thể định nghĩa nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự chính là “việc tách biệt từng người một trong vụ án đồng phạm để xem xét vị trí, vai trò của từng người trong vụ án, từ đó quyết định hình phạt sao cho phù hợp”.
Đối với tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", áp dụng tình tiết đồng phạm khi có từ hai người trở lên cùng thực hiện tội phạm này. Nhưng giữa những người thực hiện hành vi phạm tội phải có sự bàn bạc, nhất trí từ trước về nội dung hành vi phạm tội. Nếu không, không thể áp dụng tình phạm tội có đồng phạm, mà phải áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Nhiều người hiếp một người” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi áp dụng yếu tố đồng phạm trong vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cá nhân khi phạm tội, qua đó xác định rõ mức độ lỗi cũng như hậu quả do từng cá nhân gây ra, đưa ra quyết định hình phạt một cách hợp lý, trên tinh thần cá thể hoá trách nhiệm hình sự “hậu quả đến đâu thì xử lý đến đó”, theo nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm”.
Cũng cần lưu ý rằng, trong thực tiễn xét xử tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" có yếu tố đồng phạm, rất nhiều trường hợp người thực hành thực hiện không đúng những hành vi đã thoả thuận, bàn bạc với những đồng phạm khác. Có những trường hợp người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng cũng có trường hợp người thực hành tự ý thực hiện những hành vi vượt ra khỏi sự thoả thuận bàn bạc với những thành viên khác, là hành vi mà những thành viên khác không mong muốn. Khoa học luật hình sự gọi đó là hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm. Chế định “vượt quá” này cũng là một điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, khi lần đầu tiên được ghi nhận tại khoản 4 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Vì vậy, trong thực tiễn xét xử vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi có yếu tố đồng phạm, cần xác định rõ hành vi phạm tội của người thực hành có “vượt quá” sự thoả thuận, bàn bạc trong kế hoạch ban đầu, và là yếu tố không mong muốn không, nhằm cá thể hoá trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn xét xử và định tội danh, tác giả nhận thấy có hai trường hợp được luật hình sự Việt Nam coi là vượt quá:
- Trường hợp 1: Hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm đã cấu thành một tội phạm khác, không có cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện (vượt quá về chất lượng hành vi). Trong trường hợp này, người thực hành sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh: tội danh thực hiện với những đồng phạm khác, và tội danh do hành vi vượt quá của mình gây ra.
Ví dụ: A, B, C đều là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đều sinh sống tại huyện M, tỉnh K. A, B, C bàn nhau vào lúc 12 giờ trưa ngày 16 tháng 5 năm 2019, nhân lúc gia đình nhà chị D là hàng xóm của A đi vắng, cả ba người sẽ lẻn vào nhà chị D để ăn trộm. Tuy nhiên, khi A, B, C lẻn vào nhà chị D thì thấy cháu E là con gái chị D đang ngủ trong phòng một mình. Lúc này dục vọng trong lòng C nổi lên, C vào phòng trói chân tay cháu E lại và thực hiện hành vi hiếp dâm, mặc cho A và B can ngăn. Sau khi thực hiện xong hành vi hiếp dâm, đã thỏa mãn dục vọng, C còn doạ cháu E không được nói cho ai biết, nếu không sẽ giết cả nhà cháu. Vụ việc sau đó được Công an huyện M điều tra xử lý. Thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, cháu E chưa đủ 16 tuổi. Vì vậy, A, B, C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, có yếu tố đồng phạm. Riêng C còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015. A và B trong trường hợp này chỉ là đồng phạm với C khi phạm tội "Trộm cắp tài sản", không phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi vượt quá của C – hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nhận định như vậy là đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như chủ trương cá thể hoá trách nhiệm hình sự.
- Trường hợp 2: Hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm cùng tính chất với hành vi của những người đồng phạm khác có ý định thực hiện (vượt quá về số lượng hành vi). Hành vi vượt quá trong trường hợp này có thể cấu thành một tội phạm khác có cùng tính chất với tội phạm có yếu tố đồng phạm; cũng có thể chưa cấu thành tội phạm khác, mà hành vi vượt quá có thể chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: X, Y, Z, K là bốn tân binh mới nhập ngũ tại Quân khu H. Vào ngày 12 tháng 6 năm 2017, em gái của K là P, sinh năm 2002 lên đơn vị thăm anh trai. Do thấy P xinh đẹp nên X, Y, Z đã cùng nhau lên kế hoạch hiếp dâm P. Vào 14 giờ chiều ngày 12 tháng 6 năm 2017, nhân lúc P đi vệ sinh, X đã lén đánh vào gáy khiến P ngất đi, rồi cả ba tên khiêng P ra cánh rừng phía sau đơn vị và thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau khi chờ Y và Z thoả mãn dục vọng, X mới tiến hành hành vi giao cấu với P (lúc này vẫn ngất). Nhưng trong quá trình giao cấu, do quá hưng phấn, X đã đẩy P đập đầu vào hòn đá dưới đất. Hậu quả khiến P tử vong. Vụ việc sau đó được phát hiện. Toà án Quân sự Quân khu H đã tuyên ba bị cáo X, Y, Z phạm tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" có tính chất đồng phạm. Trong đó Y và Z bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, riêng X bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “Làm nạn nhân chết hoặc tự sát”. Bản án đã tuyên hai bị cáo Y, Z mười năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", riêng bị cáo X phải chịu hình phạt hai mươi năm tù vì hành vi vượt quá của mình. Y và Z chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi, không phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả nạn nhân bị chết.
Tóm lại, vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác (không phải người thực hành) trong vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi có yếu tố đồng phạm không chỉ liên quan đến hành vi vượt quá của người thực hành mà còn liên quan đến nhiều chế định khác (tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, vấn đề lỗi, các điều kiện của đồng phạm và phạm tội có tổ chức,...). Hành vi “vượt quá” của người thực hành lại liên quan trực tiếp đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác, nên có thể coi đây chính là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác trong một số trường hợp cụ thể.
LÊ THÀNH PHƯƠNG
Tòa án Quân sự Quân khu 1
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa