Bảo đảm vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

06/08/2018 11:07 | 5 năm trước

LSVNO - Để thực hiện được tốt nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ của mình, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, luật sư cần được tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự c...

LSVNO - Để thực hiện được tốt nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ của mình, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, luật sư cần được tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự càng sớm càng tốt.

Bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đương sự là một trong những hoạt động quan trọng, và trong nhiều trường hợp là quy định bắt buộc không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bị hại; người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Thực tiễn cho thấy, không phải người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự nào cũng có khả năng tự bào chữa, tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Do vậy, pháp luật tạo điều kiện để họ thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc có thể nhờ người khác, trong đó có luật sư. Có thể nói rằng, quyền của luật sư khi tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự bắt nguồn từ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự.

Để thực hiện được tốt nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ của mình, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, luật sư cần được tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự càng sớm càng tốt.

Ảnh minh họa.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định luật sư được tham gia tố tụng từ trước khi có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ. Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.

Như vậy, kể cả khi chưa có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra thì người bào chữa là luật sư được quyền tham gia tố tụng từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra.

Đây là điểm khác biệt của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 so với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, người bào chữa là luật sư chỉ có thể tham gia bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội kể từ khi có quyết định khởi tố bị can. Trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam hoặc bắt người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 81, 82 thì luật sư tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ.

Theo quy định mới, từ ngày 01/01/2018, công dân có quyền mời luật sư tham gia bào chữa cho mình trước khi có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra nhằm bảo đảm quyền lợi trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dụng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đòi hỏi việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện là một nhiệm vụ cấp bách và đang được chúng ta khẩn trương thực hiện. Theo đó, pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư ngày càng đầy đủ, chặt chẽ; quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng của luật sư liên tục được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng là cơ sở pháp lý quan trọng để luật sư hành nghề.

Tuy nhiên, qua thực tế hành nghề, đặc biệt là tham gia tranh tụng trong các vụ án hình sự với tư cách là luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, chúng tôi nhận thấy rằng, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập trong thực tiễn, gây khó khăn cho luật sư thực hiện công việc của mình. Mặt khác, sự thiếu thiện chí, hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người có thẩm quyền của các cơ quan này, người tiến hành tố tụng, nhận thức pháp luật của các bị can, bị cáo, của công dân Việt Nam còn nhiều hạn chế, góp phần làm giảm vai trò của luật sư trong đời sống xã hội, trong hoạt động bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN nói chung và trong giai đoạn điều tra một vụ án hình sự nói riêng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là do trình độ của đội ngũ luật sư còn yếu, trách nhiệm với công việc chưa cao, tư duy về vai trò của mình trong hoạt động tố tụng chưa đúng. Phần lớn các luật sư chưa mạnh dạn đấu tranh nhằm bảo đảm thực hiện quyền của mình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ của mình đã được pháp luật quy định; đấu tranh với hành vi sách nhiễu, tiêu cực, những việc làm sai trái của những người được Nhà nước trao cho thẩm quyền tiến hành giải quyết vụ án.

Thực tế cũng cho thấy, sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra còn mang tính hình thức; việc áp dụng chế tài, xử lý những vi phạm đối với những người có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư hầu như chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, thực hiện. Bởi các lẽ đó, luật sư chưa được bảo đảm vai trò của mình trong sự nghiệp bảo vệ công lý, nên chưa góp phần để việc điều tra được đầy đủ, vô tư, khách quan, đúng quy định của pháp luật, là cơ sở pháp lý để tòa án xét xử đúng người, đúng tội; hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Có thể nói rằng giai đoạn điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn này, cơ quan điều tra sử dụng các biện pháp của luật tố tụng hình sự để thu thập chứng cứ làm sáng tỏ sự việc phạm tội và người thực hiện tội phạm, cũng như các tình tiết khác có liên quan đến vụ án. Như vậy, thu thập chứng cứ là nhiệm vụ trọng tâm và có tính đặc thù trong giai đoạn này so với các giai đoạn khác. Việc thu thập chứng cứ có đầy đủ, khách quan hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả giải quyết vụ án. Không ai có thể bảo đảm rằng trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, mọi việc đều được làm theo đúng quy định của pháp luật và kết quả thu được từ hoạt động này hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc tiếp theo được chuẩn mực.

Xuất phát từ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn như vậy, việc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của thực trạng, từ đó có giải pháp nhằm bảo đảm vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, mà còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Kết quả tổng kết của ngành tòa án về hoạt động xét xử cho thấy tỷ lệ án sửa, án hủy, án oan sai vẫn còn nhiều… đã minh chứng điều đó.

Thực tế án hình sự oan sai không chỉ gây bất bình trong xã hội, gây thiệt hại cho người dân mà còn gây thiệt hại cho Nhà nước do việc hoàn trả tài chính từ người thi hành công vụ hầu như không được thực hiện. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, năm 2017 tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường từ các bản án, quyết định của tòa án là gần 33 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền hoàn trả từ người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại chưa đầy 170 triệu đồng…”[1]. 

Nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh lỗi của cơ quan điều tra, của viện kiểm sát, của tòa án, cũng phải thấy rằng đội ngũ luật sư và sự tham gia của họ vào quá trình tố tụng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là giai đoạn điều tra.

Cùng với sự đi lên của đất nước, trong công cuộc xây dựng, cải cách, đổi mới mọi mặt của đời sống xã hội sao cho phù hợp với nhu cầu của thời đại, đáp ứng nhu cầu của hội nhập nền kinh tế quốc tế, vai trò của luật sư ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, làm thế nào để luật sư ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình là câu hỏi không dễ trả lời.

Với sự gia tăng không ngừng về số lượng (cả nước hiện tại có khoảng 13.200 luật sư tính đến đầu tháng 6/2018), điều kiện học tập, thực hành ngày càng thuận lợi. Quy định về hành nghề của luật sư nói chung và quy định về việc tham gia tố tụng trong giai đoạn  điều tra vụ án hình sự nói riêng ngày càng đầy đủ và rõ ràng, theo xu hướng tạo điều kiện thuận lợi, nhưng vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự vẫn rất “mờ nhạt”, rõ ràng là một dấu hỏi lớn?

LS Nguyễn Đăng Khoa

 

[1]https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/boi-thuong-oan-sainguoi-thi-hanh-cong-vu-lam-sai-trach-nhiem-den-dau-717414.vov