(LSVN) - Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, nhưng phải biết lắng nghe và suy ngẫm trước khi đưa ra những thông tin bình phẩm đối với bất cứ ai, bất cứ việc gì. Muốn quyền riêng tư của cá nhân được tôn trọng, trước hết mỗi người phải biết tôn trọng quyền riêng tư của người khác trong đời sống thật hay ảo. Việc tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của người khác, thực sự là nếp sống văn minh không thể thiếu trong xã hội ngày nay.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh về công nghệ thông tin, số người sử dụng Internet ngày một nhiều, sức ảnh hưởng to lớn của mạng xã hội đang là công cụ truyền thông phổ biến và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, đời sống xã hội cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng Tnternet càng lớn thì tỷ lệ phát sinh với tiêu cực càng cao và phổ biến nhất là thông tin giả, không đúng sự thật.
Năm 2020, ngay khi Việt Nam bắt đầu phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện rất nhiều thông tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh. Những thông tin đó làm người dân hoang mang, lo lắng, gây mất trật tự an toàn xã hội. Rất nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý hành chính và yêu cầu cam kết, gỡ bỏ. Trong đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua, các thông tin bịa đặt, sai sự thật tiếp tục gia tăng. Trong khi đồng bào phải chịu bao nhiêu đau thương, mất mát; cả nước gồng mình tập trung sức người, sức của cùng chia sẻ giúp miền Trung nhanh chóng vượt qua cơn hoạn nạn, thì không ít kẻ xấu lại lợi dụng tình hình thiên tai để tung tin bịa đặt, vu khống, sai sự thật, lừa đảo, trục lợi...
Trên thực tế, tại nhiều diễn đàn ở nước ta cũng như các nước, người ta đã cảnh báo từ lâu các trò câu like của chủ nhân những trang tin, fanpage trên mạng xã hội nhằm thu hút dư luận. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để các đối tượng xấu câu “like”, “view” một cách vô văn hóa, thậm chí là phương cách để họ kiếm tiền. Thời gian gần đây đã xảy ra các vụ camera gia đình, doanh nghiệp, trường học... bị đánh cắp dữ liệu, rồi phát tán thông tin, hình ảnh nhạy cảm ra bên ngoài, lên mạng xã hội để trục lợi, khiến người tiêu dùng lo lắng trước việc bảo đảm quyền riêng tư cá nhân. Còn với những đối tượng cơ hội chính trị, chống đối thì internet và mạng xã hội là phương tiện để chúng triệt để lợi dụng chống phá, gây mất lòng tin, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm xấu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Có thể khẩng định những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh, thiên tai, thông tin cá nhân, tập thể bị lợi dụng... vừa qua ở Việt Nam không những ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng, mà còn tạo nguy cơ bất ổn định xã hội, chia rẽ nội bộ, an ninh chính trị. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.
Sau Luật An ninh mạng năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (Nghị định 15) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Sự ra đời của Nghị định 15 làm cho môi trường không gian mạng trở nên lành mạnh hơn, bởi một lượng lớn thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… với động cơ, mục đích khác nhau đã và đang được ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đại dịch Corona và lũ lụt vừa qua.
Nghị định 15 quy định rõ cách xử lý đối với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…
Trước đây, Nghị định 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/01/2014 (Nghị định 174) đã có những quy định khá cụ thể về các hành vi thông tin sai sự thật (có 114 điều liên quan đến xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông). Tuy nhiên, tình trạng dùng mạng xã hội, trang thông tin cá nhân, tài khoản cá nhân để đăng thông tin sai lệch chưa thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng trong những năm gần đây.
Nghị định 15 quyết liệt hơn, quy định rõ hơn, chi tiết hơn với 224 điều. Trong đó việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội tương đối cụ thể, đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội.
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và biện pháp khắc phục hậu quả; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Nghị định 15 bổ sung nhóm hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp tại Điều 100.
Với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng, Nghị định 15 quy định rõ trách nhiệm, xử phạt đối với các hành vi liên quan tới: nảo vệ bí mật thông tin; thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm, rủi ro khi lưu trữ trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng; bảo đảm quyền cung cấp thông tin cho bên thứ ba; cung cấp không đầy đủ, chính xác thông tin về tổ chức quản lý mạng xã hội (như tên cơ quan chủ quản, địa chỉ, điện thoại liên hệ, người chịu trách nhiệm).
Xử phạt đối với hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó; không có hệ thống máy chủ cung cấp dịch vụ mạng xã hội đặt tại Việt Nam; không thực hiện lưu trữ các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP(địa chỉ đơn nhất mà những thiết bị điện tử hiện nay đang sử dụng để nhận diện và liên lạc với nhau trên mạng máy tính bằng cách sử dụng giao thức internet). của người sử dụng; lưu trữ, truyền đưa thông tin trái với quy định của pháp luật (thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc); thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm sai quy định.
Đồng thời, Nghị định 15 cũng quy định xử phạt đối với các hành vi: Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng) và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 8 tháng đến 12 tháng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn thông tin vi phạm pháp luật; buộc thu hồi tên miền…
Như vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam (Luật An ninh mạng, Nghị định 174 trước đây, nay là Nghị định 15; Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự...) về cơ bản đã có các quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ công dân khi bị xúc phạm, bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi xâm phạm làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, người bị xâm phạm có thể khởi kiện dân sự yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất tinh thần theo Điều 592 (Bộ luật Dân sự năm 2015).
Thậm chí, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vu khống" (Điều 156), tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" (Điều 288).
Vấn đề còn lại là sử dụng công cụ pháp luật sao cho có hiệu quả; đồng thời các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội ngay ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở. Yêu cầu người sử dụng mạng phải có kiến thức, sự hiểu biết để phân biệt những thông tin thật - giả; biết cách sử dụng mạng an toàn; cách tìm kiếm thông tin chính thống và được cảnh báo kịp thời các rủi ro khi chia sẻ thông tin (không chỉ là việc chia sẻ thông tin của cá nhân mình mà còn phải thận trọng khi chia sẻ thông tin của tổ chức, cá nhân khác); nhất là thông tin không rõ ràng, không do cơ quan có thẩm quyền công bố và những thông tin mang tính giật gân gây sốc hay mời chào đánh vào lòng hiếu kỳ, tham lam của con người.
Để làm tốt việc trên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp cho người dùng mạng có thể điều chỉnh kịp thời hành vi của mình một cách đúng đắn. Cơ quan báo chí không chỉ cung cấp hướng dẫn, cảnh báo rủi ro cho người dùng internet mà còn là nơi cung cấp chính xác các thông tin chính thống, giúp cho người dùng có thể hiểu rõ về các sự việc, sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, nhân rộng, lan tỏa các hành vi ứng xử tốt đẹp nhiều hơn. Thông tin nhanh, kịp thời chính xác sẽ góp phần vạch trần, dập tắt tin giả, tin mạo danh trên mạng. Việc tăng cường các thông tin chính thống, thông tin sạch cũng góp phần hạn chế cơ hội cho những đối tượng xấu lợi dụng trục lợi.
Hiện nay, các hành vi liên quan nhắn tin rác qua điện thoại, email cũng đang được các cơ cơ quan chức năng tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn ngày một hiệu quả.
Nghi định 15 được sự quan tâm, đón nhận của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là những nội dung liên quan trực tiếp đến việc sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên thời gian áp dụng mới hơn nửa năm, vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền trong việc áp dụng trên thực tế.
Một là, khi biết có thông tin sai sự thật về cá nhân, mặc dù thông tin đó đã phát tán, lan truyền đi rất nhanh, ngay sau đó người vi phạm lại sửa đổi hay xóa đi, hoặc kể cả khi người bị vi phạm chụp ảnh lại cũng không đủ chứng cứ để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Trong trường hợp này phải có đơn vị thứ ba (chẳng hạn như văn phòng thừa phát lại) lập vi bản ghi nhận hành vi vi phạm, trên cơ sở đó mới có bằng chứng để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tuy nhiên, để tìm được “đơn vị thứ ba” thì các thông tin đã bị thay đổi hoặc xóa bỏ, chưa kể việc tìm văn phòng thừa phát lại, các thủ tục thực hiện để bảo vệ quyền của mình đến nay rất ít người biết.
Hai là, về quy định các cơ sở kinh doanh Internet công cộng phải quản lý nội dung mà người dùng truy cập. Thực tế dịch vụ thông tin do nhà mạng cung cấp, nên nội dung mà khách hàng truy cập phải do nhà mạng quản lý chứ không phải là chủ kinh doanh. Nếu xử phạt doanh nghiệp thì sẽ xảy ra hiện tượng “quýt làm, cam chịu” và khó áp dụng trên thực tế.
Ba là, công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục cần phải được thực hiện tích cực hiệu quả hơn, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn phải tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng, đặc biệt là các em học sinh từ cấp trung học cơ sở...
Rõ ràng chế tài quy định trong Nghị định 15 là một giải pháp, nhưng về lâu dài để điều chỉnh những hành vi sai trái, cần quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội. Những người dùng mạng xã hội cần phải trang bị cho mình những kiến thức, sự hiểu biết để có thể phân biệt những thông tin thật và giả; kỹ năng sử dụng mạng để nhận biết tự bảo vệ thông tin cá nhân và của người khác. Từ đó, cẩn trọng hơn với những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là cần phải tìm hiểu những quy định của pháp luật để không dẫn đến các vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường không gian mạng xã hội trong sạch. Mỗi người cần chủ động nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm chấp hành quy định của pháp luật về quyền thông tin, phạm vi thông tin. Người dân chỉ nên tin và chia sẻ thông tin từ những nguồn tin chính thức, các nguồn tin này từ các cơ quan, tổ chức Chính phủ, các tờ báo, đài truyền hình lớn, có uy tín lâu năm.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng để hướng đến mục tiêu làm lành mạnh hóa, phát huy tác dụng tích cực của mạng xã hội. Điều quan trọng cần thiết hơn tất cả, đó là phải có sự chung tay góp sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và của mỗi người dân.
Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG