/ Pháp luật - Đời sống
/ BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư 30/2020/TT-BYT

BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư 30/2020/TT-BYT

12/03/2021 06:21 |

(LSVN) - Ngày 10/3/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 561/BHXH-CSYT về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 30/2020/TT-BYT. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021 và Công văn số 1078/BYT-BH ngày 22/02/2021 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhằm đề nghị hướng dẫn việc thanh toán trong trường hợp chuyển dịch vụ cận lâm sàng liên quan đến đến khám, chữa bệnh HIV/AIDS và khám, chữa bệnh Lao.

Theo đó, để thống nhất trong tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã đề nghị BHXH các tỉnh nghiên cứu các nội dung quy định tại Thông tư số 30/2020/TT-BYT nêu trên và lưu ý một số nội dung sau:

Về khám chữa bệnh BHYT tại xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh, Công văn nêu rõ, BHXH các tỉnh căn cứ danh sách các trạm y tế tuyến xã có địa giới hành chính tiếp giáp trực tiếp với xã của tỉnh khác do Sở Y tế các tỉnh cung cấp sau khi thống nhất với các Sở Y tế của tỉnh giáp ranh để thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Tram y tế xã và tương đương đi khám, chữa bệnh tại các Trạm y tế của xã giáp ranh của tỉnh khác được xác định là các trường hợp đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến nhưng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng quy định tại khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Về quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT về việc được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, bao gồm: Cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh đang điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú thì các trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú được xác định theo quy định tại Điều 57, Điều 58 Luật Khám, chữa bệnh số 40/2009/QH12. 

Cụ thể, Điều 57, Điều 58  Luật Khám, chữa bệnh số 40/2009/QH12 quy định về: "Điều trị Ngoại trú"; "Điều trị Nội trú" như sau:

Điều 57. Điều trị ngoại trú

1. Điều trị ngoại trú được thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Người bệnh không cần điều trị nội trú;

b) Người bệnh sau khi đã điều trị nội trú ổn định nhưng phải theo dõi và điều trị tiếp sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Sau khi quyết định người bệnh phải điều trị ngoại trú, người hành nghề có trách nhiệm sau đây:

a) Lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

b) Ghi sổ y bạ theo dõi điều trị ngoại trú trong đó ghi rõ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc và thời gian khám lại.

Điều 58. Điều trị nội trú

1. Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc vào, chuyển hoặc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyển khoa phải bảo đảm kịp thời và không gây phiền hà cho người bệnh.

2. Điều trị nội trú được thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Có chỉ định điều trị nội trú của người hành nghề thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Có giấy chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

3. Thủ tục điều trị nội trú được quy định như sau:

a) Nhận người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp người bệnh mắc nhiều bệnh, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xem xét, quyết định khoa sẽ tiến hành điều trị;

b) Hướng dẫn người bệnh đến khoa nơi người bệnh sẽ điều trị nội trú.

4. Việc chuyển khoa được thực hiện trong trường hợp phát hiện người mắc bệnh mà bệnh đó không thuộc phạm vi chuyên môn của khoa đang tiến hành điều trị hoặc bệnh liên quan chủ yếu đến chuyên khoa khác.

5. Các trường hợp sau đây phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Bệnh vượt quá khả năng điều trị và điều kiện vật chất của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Bệnh không phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

c) Theo yêu cầu của người bệnh.

6. Thủ tục chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:

a) Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, tổng kết toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh;

b) Nếu chuyển khoa thì chuyển toàn bộ hồ sơ bệnh án của người bệnh đến khoa mới; nếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì gửi giấy chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kèm tóm tắt hồ sơ bệnh án đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới.

7. Khi tình trạng bệnh của người bệnh đã ổn định hoặc người bệnh có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có cam kết của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh, sau khi đã có sự tư vấn của người hành nghề thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, tổng kết toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh;

b) Hướng dẫn người bệnh về việc tự chăm sóc sức khỏe;

c) Chỉ định chế độ điều trị ngoại trú trong trường hợp cần thiết;

d) Quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;

đ) Làm giấy cho người bệnh ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người đã hiến bộ phận cơ thể, trong trường hợp sau khi phẫu thuật viên kết thúc thực hiện kỹ thuật lấy bộ phận cơ thể của người hiến mà có diễn biến bất thường xảy ra, được cơ sở khám, chữa bệnh nơi thực hiện kỹ thuật lấy bộ phận cơ thể chỉ định điều trị ngay thì BHXH các tỉnh thực hiện thanh toán phần chi phí khám, chữa bệnh phát sinh của người đã hiến bộ phận cơ thể kể từ khi có diễn biến bất thường đó.

Cùng với đó, về việc chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng thì trước khi thực hiện dịch vụ cận lâm sàng, cơ sở khám chữa bệnh phải cung cấp: Bản sao hợp đồng nguyên tắc, văn bản thông báo danh mục các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng cần chuyển có nêu rõ lý do phải chuyển sang cơ sở khác thực hiện.

Đối với các dịch vụ cận lâm sàng không thuộc danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh nhưng thực tế cần thiết cho các hoạt động chuyên môn thì chỉ áp dụng đối với người bệnh đang điều trị nội trú từ tuyến huyện trở lên.

Riêng việc chuyển các dịch vụ cận lâm sàng liên quan đến khám, chữa bệnh của người nhiễm HIV/AIDS và mắc bệnh Lao đến các cơ sở y tế có chức năng điều trị hai trường hợp trên thì áp dụng cho cả người bệnh nội trú và ngoại trú…

TRẦN MINH

Kê khai tài sản - Không chỉ trông chờ vào sự tự giác

Lê Minh Hoàng