Điều kiện áp dụng
Hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 94 BLHS 2015, tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này cần nghiên cứu, tuân thủ quy định về điều kiện áp dụng chung quy định tại khoản 2 Điều 91 và Điều 92 BLHS và điều kiện riêng quy định tại Điều 94. Cụ thể:
* Điều kiện chung: Để có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục, người dưới 18 tuổi phạm tội phải đáp ứng các điều kiện:
- Về đối tượng:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng trừ các tội quy định tại các Điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (theo khoản 2 Điều 12 BLHS) trừ các tội quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251, 252 BLHS.
- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
- Tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
- Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS (quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nói chung).
- Phải có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
* Điều kiện riêng: Đối với biện pháp Hòa giải tại cộng đồng, điều kiện riêng quy định tại Điều 94 về chủ thể cũng chính là điều kiện chung được quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS.
Trình tự, thủ tục áp dụng
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp Hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 428 BLTTHS 2015.
Theo đó, khi thấy có đủ điều kiện, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND, HĐXX sẽ quyết định về việc áp dụng biện pháp này. Quyết định phải bảo đảm đúng, đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 428 và được giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ, người bị hại, đại diện của bị hại và UBND cấp xã nơi tổ chức việc hòa giải chậm nhất 03 ngày trước ngày hòa giải.
Khi hòa giải, Điều tra viên, KSV, TP được phân công tiến hành hòa giải phối hợp với UBND cấp xã thực hiện và phải lập biên bản, biên bản được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng khắc phục
Quy định về điều kiện áp dụng.
* Thứ nhất, quy định tùy nghi gây tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS: “Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc…. thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này”. Như vậy, luật sử dụng quy định tùy nghi, thể hiện ở cụm từ “có thể”. Do đó, hiện nay còn có các quan điểm khác nhau về cách hiểu, áp dụng quy định này.
Quan điểm thứ nhất: Khi người dưới 18 tuổi phạm tội mà có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 91, khoản 2 Điều 92 BLHS thì việc người đó có được miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng sau quá trình nghiên cứu về điều kiện thực tế vụ án, yêu cầu phòng, chống tội phạm và khả năng cải tạo giáo dục người phạm tội. Nếu một người phạm tội có đủ các điều kiện trên thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có quyền không cho người đó miễn TNHS và áp dụng các biện pháp này.
Quan điểm thứ hai: Khi người dưới 18 tuổi phạm tội mà có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 91, khoản 2 Điều 92 BLHS thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người đó. Những người theo quan điểm này cho rằng, xuất phát từ mối quan hệ giữa hai quy định tại khoản 2 Điều 91 và khoản 2 Điều 92. Có nghĩa, nếu người phạm tội có đủ các điều kiện theo khoản 2 Điều 91 thì chỉ “có thể” được miễn TNHS và áp dụng các biện pháp trên, bởi việc áp dụng hay không còn tùy thuộc vào điều kiện về sự đồng ý tại khoản 2 Điều 92. Nếu bị cáo hoặc người đại diện không đồng ý thì cơ quan tiến hành tố tụng không được quyết định cho bị cáo miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Ngược lại, nếu họ đồng ý thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với bị cáo.
Tôi đồng tình và cho rằng cần thiết phải hiểu và áp dụng theo quan điểm thứ hai để bảo đảm tính thống nhất, bình đẳng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
* Thứ hai, giải quyết thế nào khi có sự mâu thuẫn trong sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội và người đại diện.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 BLHS thì một điều kiện tiên quyết để quyết định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là phải có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện của họ. Nếu người phạm tội và người đại diện của họ không đồng ý thì cơ quan tiến hành tố tụng không được quyết định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp này. Quy định là vậy, nhưng thực tế trường hợp họ không đồng ý là rất khó xảy ra, nhưng cũng có trường hợp, do tâm lý của người Việt Nam không muốn bị đem ra giáo dục tại cộng đồng vì họ xấu hổ nên muốn bị áp dụng hình phạt nhẹ hơn như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ còn hơn là giáo dục tại cộng đồng. Từ đó, phát sinh một vài hạn chế như sau:
Một, hình thức nào để xác nhận sự đồng ý (tránh trường hợp sự đồng ý hay không đồng ý có sự thay đổi) để cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với bị cáo? Về vấn đề này, việc đồng ý hay không có thể được biểu hiện bằng lời nói hoặc văn bản và hiện nay chưa được quy định cụ thể. Do đó, vì đây là điều kiện quan trọng và hạn chế tranh chấp phát sinh từ vấn đề này, cần quy định sự đồng ý của các đối tượng đó phải được thể hiện bằng văn bản, có thể dưới dạng đơn xin miễn TNHS hoặc đơn trình bày, đơn xác nhận…
Hai, quy định của pháp luật hiện nay là cần có sự đồng ý của người phạm tội dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ, có nghĩa chỉ cần một trong hai người này đồng ý thì có thể áp dụng việc miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Điều này phát sinh hạn chế trong trường hợp bị cáo và người đại diện có ý kiến trái ngược nhau. Nếu bị cáo đồng ý, người đại diện không đồng ý hoặc bị cáo không đồng ý, người đại diện đồng ý mà vẫn áp dụng thì hiệu quả giáo dục, giám sát sẽ không cao, thậm chí có thể xảy ra tội phạm mới. Do đó, cần có quy định cụ thể về vấn đề này, tôi cho rằng việc cải tạo phần lớn xuất phát từ bản thân người phạm tội, nhưng việc giám sát giáo dục của gia đình, xã hội cũng là rất quan trọng bởi người phạm tội là người dưới 18 tuổi, chưa có đầy đủ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi. Do đó, cần có sự đồng ý của cả người phạm tội dưới 18 tuổi và người đại diện.
* Thứ ba, điều kiện “có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả”.
Việc pháp luật quy định đây là điều kiện để xem xét miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, việc quy định như hiện nay vẫn có điểm bất hợp lý:
Theo khoản 2 Điều 91, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả là hai điều kiện tách biệt nhau. Tuy nhiên, tự nguyện khắc phục hậu quả cũng là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó, trong trường hợp bị cáo đã tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì điều kiện này đã thỏa mãn thì có tiếp tục sử dụng việc này tính là 01 tình tiết giảm nhẹ nữa hay không? Vấn đề này còn chưa quy định cụ thể. Đây là vấn đề khá quan trọng bởi khi bị cáo đã có 01 tình tiết giảm nhẹ và bị cáo tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả sẽ xảy ra hai trường hợp có sự bất bình đẳng lớn, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Một, tiếp tục tính việc tự nguyện khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ thì sẽ đáp ứng điều kiện “có nhiều tình tiết giảm nhẹ” và áp dụng miễn TNHS. Hai, không tính việc tự nguyện khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ thì sẽ đáp ứng điều kiện “có nhiều tình tiết giảm nhẹ” và không áp dụng miễn TNHS. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn cho trường hợp này.
* Thứ tư, về chủ thể có thẩm quyền quyết định miễn TNHS và áp dụng biện pháp Hòa giải tại cộng đồng.
Theo quy định của BLHS tại các Điều 92, 93, 94, 95, thẩm quyền này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, xét về chức năng của các cơ quan tố tụng này, có quan điểm cho rằng, việc quy định thẩm quyền này cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là không hợp lý mà chỉ nên quy định cho Tòa án có chức năng này. Bản thân Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không được quyền quyết định một người có hay không có tội để có thể miễn TNHS, còn việc áp dụng các biện pháp khác chỉ đặt ra khi người đó được miễn TNHS. Do đó, chỉ nên quy định cho Tòa án có thẩm quyền này. Đứng dưới góc độ chức năng của từng cơ quan tố tụng, rõ ràng quan điểm này không sai. Tuy nhiên, xét về phương diện khác, góc độ đặc thù trong chế định này, tôi cho rằng vẫn nên quy định như hiện nay. Bởi vì mục đích của chế định này là nhằm bảo vệ người dưới 18 tuổi, bảo đảm đưa người dưới 18 tuổi ra khỏi quy trình tố tụng một cách sớm nhất, áp dụng các biện pháp khác để tự giáo dục người phạm tội nhận thức được lỗi lầm, có thái độ ăn năn, khắc phục sai lầm. Ngoài ra, nếu đối chiếu với các điều kiện áp dụng chế định này, Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát đều có khả năng, điều kiện xác minh và có thể quyết định việc áp dụng chế định một cách nhanh chóng.
Mặt khác, Điều 427, 428, 429 BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Hội đồng xét xử. Quy định này bộc lộ một bất cập lớn đó là việc quyết định áp dụng các biện pháp này không thuộc thẩm quyền của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Nếu như mục đích của việc quy định cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền áp dụng chế định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là để bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời đưa người dưới 18 tuổi ra khỏi quy trình tố tụng thì quy định trên lại đi ngược lại mục đích này. Trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không áp dụng chế định này nhưng Tòa án nhận thấy đủ điều kiện để áp dụng, Tòa án cần thiết phải quyết định một cách nhanh nhất có thể. Mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm quyền này nên thuộc về Chánh án, Phó Chánh án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Đồng thời, Chánh án, Phó Chánh án với tư cách là người lãnh đạo việc giải quyết vụ án; Chủ tọa phiên tòa là người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, giải quyết vụ án thì không có lý do gì để nói rằng, những người này không có quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục mà phải chờ quyết định của HĐXX trong khi HĐXX thông thường được hình thành khá muộn. Do đó, các chủ thể có thẩm quyền cần nghiên cứu, sớm ban hành những quy định, hướng dẫn sửa đổi, thay thế hợp lý hơn.
Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện
* Thứ nhất, về địa điểm tổ chức Hòa giải tại cộng đồng chưa rõ ràng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 BLHS 2015, UBND cấp xã là UBND có nhiệm vụ phối hợp tổ chức việc Hòa giải tại cộng đồng nhưng lại chưa quy định đó là UBND cấp xã nào. Do sự thiếu chặt chẽ này, có người cho rằng, UBND cấp xã có nhiệm vụ là UBND cấp xã được quyết định trong Quyết định áp dụng biện pháp này và do các chủ thể có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, việc xác định UBND cấp xã nào là địa điểm tổ chức Hòa giải tại cộng đồng còn ảnh hưởng đến việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, UBND cấp xã trong trường hợp này được hiểu là UBND cấp xã nơi người dưới 18 tuổi phạm tội cư trú. Do đó, cần có quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 94 BLHS 2015 như sau: “Cơ quan điều tra… UBND cấp xã nơi người phạm tội cư trú tổ chức việc…”.
Thứ hai, việc người dưới 18 tuổi phạm tội đã thực hiện các nghĩa vụ quy định thì chủ thể nào là người có nhiệm vụ giám sát, giáo dục và thực hiện việc đánh giá, nhận xét việc thực hiện nghĩa vụ đó. Vấn đề này cũng cần được quy định cụ thể theo hướng giao cho UBND cấp xã nơi người phạm tội cư trú có trách nhiệm giám sát, giáo dục và đánh giá, nhận xét việc thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp Hòa giải tại cộng đồng theo BLHS 2015 còn bộc lộ các hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
VĂN LINH
Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân