Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và vướng mắc cần tháo gỡ

30/07/2020 17:02 | 3 năm trước

(LSO) - Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) đã góp phần giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự nói chung trong thời gian qua vẫn còn xảy một số ra sai sót, vi phạm. Chính vì vậy, ngày 30/12/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/2019/CT-CA về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và kèm theo Phụ lục về một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Với bài viết này, tác giả xin đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết các vụ án dân sự.

Ảnh minh họa.

Về đương sự có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khoản 1 Điều 111 BLTTDS quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự như sau“Trong quá trình giải quyết vụ án (kể từ thời điểm tòa án thụ lý vụ án) chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây mới có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 BLTTDS: đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự;...”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 BLTTDS thì đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, đương sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không phân biệt bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không, đều có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kể từ khi tòa án thụ lý vụ án.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có ý kiến cho rằng chỉ khi nào bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì mới có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Chẳng hạn như vụ án như sau: Nguyên đơn là ông A là bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất tranh chấp, bị đơn là ông B là bên đang trực tiếp sử dụng thửa đất tranh chấp.

Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn dùng xe cơ giới lấp đất trên thửa đất tranh chấp để chặn ngang đường cấp thoát nước vào ao nuôi tôm của bị đơn. Bị đơn nộp đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc nguyên đơn phải khai thông đường cấp thoát nước vào ao nuôi tôm của bị đơn, tránh làm thiệt hại tôm mà bị đơn đang nuôi chưa thu hoạch. Đối với vụ án này, có quan điểm cho rằng ông B không có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì ông B không có yêu cầu phản tố gì trong vụ án. Quan điểm khác lại cho rằng ông B có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì BLTTDS không có quy định bị đơn không có yêu cầu phản tố sẽ không có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Về yêu cầu đương sự sửa đơn yêu cầu và nộp chứng cứ cho tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS, người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự phải có các nội dung chính quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều 133 BLTTDS. Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Như vậy, nếu đương sự làm đơn yêu cầu chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS thì tòa án chưa xem xét đơn yêu cầu của đương sự mà phải yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về thời hạn đương sự sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu hết thời hạn đó mà đương sự không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu theo yêu cầu của tòa án thì hậu quả pháp lý như thế nào, cụ thể là tòa án có quyền trả lại đơn yêu cầu cho đương sự hay không?

Tương tự, nếu đương sự cung cấp chứng cứ chưa đủ thì tòa án đề nghị đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ trong thời hạn bao lâu. Nếu hết thời hạn được yêu cầu mà đương sự không cung cấp bổ sung được chứng cứ thì hậu quả pháp lý như thế nào? Tòa án trả lại đơn yêu cầu cho đương sự hay xem xét đơn yêu cầu và ra quyết định không chấp nhận yêu cầu của đương sự.

Ngoài ra, đối với trường hợp đương sự nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa mà đơn yêu cầu chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS hoặc đương sự nộp chưa đầy đủ chứng cứ để hội đồng xét xử xem xét đơn yêu cầu thì hội đồng xét xử có quyền yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu cũng như đề nghị đương sự nộp bổ sung chứng cứ không? Nếu có thì thời hạn là bao lâu? Nếu hết thời hạn theo quy định mà đương sự không thực hiện thì hậu quả pháp lý như thế nà?

Về xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Một trong những sai sót được nêu trong mục 1.2 của Phụ lục ban hành kèm theo Chỉ thị số 03/2019/CT-CA của Tòa án nhân dân tối cao như sau: “Theo quy định tại khoản 4 Điều 133 BLTTDS thì trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm: phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ thì theo quy định của BLTTDS, thẩm phán chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.

Tuy nhiên, khi áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời này, thẩm phán có sai sót là không ấn định rõ số tiền bị phong tỏa; không xác định giá trị tài sản phong tỏa mà phong tỏa một phần tài sản chung (chưa chia); phong tỏa số tiền hoặc tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện; hoặc phong tỏa số tiền, tài sản có giá trị vượt quá yêu cầu của người yêu cầu”.

Như vậy, về nguyên tắc tòa án chỉ phong tỏa tài sản, tài khoản tương ứng với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện, vì vậy tòa án phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, vấn đề xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần phải được hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời gian tòa án phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Cụ thể là tự thẩm phán, hội đồng xét xử có quyền xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không hay phải do hội đồng định giá tài sản xác định. Trình tự, thủ tục tiến hành việc xác định giá trị tài sản như thế nào. Thời hạn để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là bao lâu. Một vấn đề khác nữa là nếu tại phiên tòa, đương sự có đơn yêu cầu phong tỏa tài sản và tòa án cần phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp tạm thời và cần có thời gian mới xác định được giá trị tài sản thì hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa hay phải hoãn phiên tòa.

Về dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra

Có một thực tế là nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì có thể xảy ra thiệt hại. Vì vậy mà thẩm phán hoặc hội đồng xét xử khi xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngoài việc ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với nghĩa vụ tài sản thì còn phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề này không được BLTTDS quy định cụ thể. Trong dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTDS về các biện pháp khẩn cấp tạm của tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 như sau:

“3. Việc dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra tùy thuộc vào từng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, từng trường hợp cụ thể và được thực hiện như sau:

a) Thẩm phán hoặc hội đồng xét xử đề nghị người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Trong trường hợp có hỏi ý kiến của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 5 Điều 6 Nghị quyết này thì đề nghị họ dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra.

b) Dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra phải được làm thành văn bản, trong đó cần nêu rõ các khoản thiệt hại và mức thiệt hại có thể xảy ra, các căn cứ, cơ sở của việc dự kiến và tạm tính đó; nếu tại phiên tòa thì không phải làm thành văn bản nhưng phải ghi vào biên bản phiên tòa.

c) Thẩm phán hoặc hội đồng xét xử xem xét các dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra, căn cứ vào các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm”.

Như vậy, thực tế có thể xảy ra là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể sẽ đưa ra dự tính thiệt hại thực tế rất cao hoặc rất thấp nhằm để tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà họ yêu cầu hoặc cũng có thể là nhằm gây khó khăn để tòa án không xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của người yêu cầu. Trong trường hợp như vậy, thẩm phán hoặc hội đồng xét xử phải tự quyết định dự tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Vậy căn cứ nào để thẩm phán hoặc hội đồng xét xử quyết định dự tính và dự kiến thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Theo tác giả, trong trường hợp như vậy, thẩm phán hoặc hội đồng xét xử sẽ dự tính và dự kiến thiệt hại không quá mức trung bình thiệt hại thực tế có thể xảy ra do người yêu cầu và người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đưa ra.

Để việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bảo đảm đúng quy định pháp luật và để những quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS được thực hiện thông suốt trong thực tiễn, những vấn đề nêu trên rất cần được Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho tòa án địa phương.

Luật sư DƯƠNG TẤN THANH

/chong-tu-y-ban-dat-la-tai-san-chung-duoc-khong.html