Năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Chính phủ ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đối mặt với 02 đợt bùng phát dịch Covid-19 với quy mô và mức độ lớn hơn rất nhiều và diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được dự báo sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch cũng như việc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu bắt buộc của Nhà nước.
Trước tình hình trên, ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó tại điểm 3 đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19: “...tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện”.
Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là cần thiết.
Theo Bộ Tư pháp, nội dung dự thảo Nghị quyết quy định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm các loại thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng và miễn tiền chậm nộp không có nội dung trái Hiến pháp; bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại Khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định: “Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí…”.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, bản chất của thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, người mua hàng hóa, dịch vụ mới là người chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ, nộp hộ cho nhà nước. Việc doanh nghiệp được giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa với việc người mua hàng hóa, dịch vụ được mua với giá thành thấp hơn so với hiện nay.
Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong trường hợp này cần phải nghiên cứu cẩn trọng, gắn với các biện pháp quản lý thị trường, bảo đảm hạ giá hàng hóa, dịch vụ, góp phần phục vụ lợi ích của người tiêu dùng. Trường hợp Bộ Tài chính vẫn đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng cho các nhóm đối tượng như dự thảo Nghị quyết hiện nay thì cần phải bổ sung giải trình rõ lý do chỉ lựa chọn các nhóm đối tượng trên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến nhiều đối tượng khác nên trong trường hợp giảm thuế giá trị gia tăng, phải bảo đảm quyền lợi cho tất cả các đối tượng cùng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tương tự như chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết.
Về miễn tiền chậm nộp, Khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định: “Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. Không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp”. Bộ Tư pháp cho rằng, việc miễn tiền chậm nộp trong trường hợp này có thể dẫn đến tình huống các doanh nghiệp, tổ chức chây ỳ không nộp thuế đúng hạn thì được hưởng lợi miễn tiền chậm nộp còn các doanh nghiệp, tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh thời hạn nộp thuế, không bị phạt chậm nộp hoặc đã nộp tiền chậm nộp thì lại bị thiệt.
Như vậy, chính sách miễn tiền chậm nộp này tạo ra sự không công bằng giữa các đối tượng cùng nộp thuế và sẽ tạo ra hiệu ứng không tốt trong việc chấp hành pháp luật về thuế. Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bỏ hoặc điều chỉnh chính sách miễn tiền chậm nộp trong trường hợp này cho phù hợp, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách.
PV