Một em nhỏ được phụ huynh trang bị tấm chắn giọt bắn khi di chuyển trên đường phố. Ảnh: DW.
Đối với những đứa trẻ 2 tuổi, đại dịch là tất cả những gì chúng được chứng kiến 2 năm qua. Còn đối với những đứa trẻ 4 tuổi, gần như một nửa quãng thời gian đầu đời các em đã quen với khẩu trang, giãn cách, cách ly.
Giáo sư dự bị Sean Deoni tại Phòng thí nghiệm Hình ảnh trẻ em tiên tiến thuộc Đại học Brown (Mỹ) đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu về phát triển của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Trong nghiên cứu sắp được đăng tải trên Tạp chí Nhi khoa, ông Deoni và các đồng nghiệp đã so sánh đánh giá nhận thức của gần 700 trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi ở giai đoạn năm 2011-2019 so với 2020-2022.
Trong “bài kiểm tra IQ” cho trẻ em, điểm số phổ biến nhất thường rơi vào mức 85-115. Nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu nhận thấy điểm số chỉ còn đạt trong mức 60-70. Ông Deoni nói: “Đó có thể là thay đổi căn bản xuất phát từ dịch Covid-19”. Ông Deoni nhấn mạnh về tầm quan trọng của khoảng thời gian đầu đời với trẻ nhỏ. Ông nói: “1.000 ngày đầu tiên kể từ khi còn là phôi thai đến lúc 2 tuổi đóng vai trò nền tảng trong định hình phát triển của trẻ. Điều xảy ra trong khoảng thời gian này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe”.
Johanna Miller sống tại Austin, Texas (Mỹ) và có hai con nhỏ. Con trai lớn 4 tuổi rưỡi của cô đã “mất mọi mối quan hệ xã hội trừ em trai của cậu”. Bởi vì cả cha và mẹ đều phải làm việc và hai cậu bé không thể đến trường mẫu giáo do vậy cô Miller đành phải dựa vào tivi để trông 2 cậu con trai. Cô cho biết hai cậu bé từ đó đến nay đã phát triển phụ thuộc vào tivi.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu về tác động tâm lý từ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 đối với trẻ em. Phòng thí nghiệm phát triển xã hội Đại học Munich (Đức) trong tháng 3/2020 đã đề nghị trên 2.500 bậc phụ huynh của trẻ từ 3-10 tuổi trả lời một số câu hỏi đánh giá về mức độ căng thẳng của họ và con cái họ. Cô Natalie Christner tại Phòng thí nghiệm phát triển xã hội Đại học Munich cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em dường như ít hạnh phúc hơn trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19.
Cô cho rằng yếu tố dẫn đến tình trạng này là do thiếu tương tác xã hội. Ngoài ra, cô còn mô tả về một vòng luẩn quẩn trong đó căng thẳng của cha mẹ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cái rồi từ đó ảnh hưởng đến hạnh phúc của cha mẹ. Nhưng cô Natalie Christner đánh giá thời gian phong tỏa cũng đem lại lợi ích khi các bậc phụ đề cập đến việc có thêm thời gian với các thành viên trong gia đình. Natalie Christner cho rằng “không phải mọi ảnh hưởng sẽ kéo dài... Tôi cho rằng điều quan trọng là thực sự khuyến khích tái tương tác xã hội”.
Còn đối với các bậc phụ huynh, ông Deoni đưa ra lời khuyên: “Điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy yêu thương con cái mình”.
TTXVN
Hà Nội rà soát, tăng cường tiêm vaccine cho các đối tượng nguy cơ mắc Covid-19